Thị trường giao hàng nhanh: Cứ nhanh là thắng?

Nhiều startup giao nhận có định hướng phục vụ thương mại điện tử sử dụng cách tiếp cận tập trung vào công nghệ và có sự hỗ trợ tài chính lớn từ các nhà đầu tư, những người chơi này đang cố gắng phát triển nhanh nhất có thể. Họ sẵn sàng chịu lỗ trong một vài năm để đổi lấy thị phần

Theo Sách trắng Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam 2018, quy mô của thị trường TMĐT B2C (từ doanh nghiệp tới khách hàng) là 6,2 tỷ USD năm 2017 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.

Nhờ vào mức độ thâm nhập cao của internet và sự nổi lên của xu hướng mua sắm trực tuyến, Việt Nam là một trong những thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á.

Với sự bùng nổ này, nhu cầu về logistics trong hệ sinh thái TMĐT (e-logistics) là rất lớn. Theo ước tính của hãng nghiên cứu thị trường Ken Research, quy mô của thị trường logistics này được ước tính có giá trị 90 triệu EUR vào năm 2018 và được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình 42% mỗi năm cho đến năm 2022.

Những công ty chủ chốt

Những người tham gia thị trường E-Logistics có thể được chia thành hai nhóm chính: bộ phận logistics nội bộ của các sàn TMĐT và các nhà cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba (3PL).

Theo Ken Research, thị trường E-logistics chủ yếu được chi phối bởi các 3PL. Nhìn chung, trong những năm gần đây, các nhà sàn TMĐT có xu hướng thuê ngoài dịch vụ giao hàng thông qua 3PL.

Đối với bộ phận logistics nội bộ của các sàn TMĐT, theo Cục thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam, vận chuyển và giao hàng là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định của khách hàng khi mua sắm trực tuyến.

Việc phát triển hệ thống logistics là nhân tố không thể thiếu nhằm nâng cao trải nghiệm cũng như đáp ứng nhu cầu ngày một cao của khách hàng trong vấn đề giao nhận hàng hóa, chẳng hạn như nhu cầu về tốc độ giao hàng.

Điều này đã thúc đẩy các nhà bán lẻ TMĐT phát triển bộ phận logistics của riêng mình để hoàn thiện các đơn đặt hàng, bên cạnh việc dựa vào các đối tác 3PL để đạt hiệu quả chi phí.

Điển hình như Lazada và Tiki, hai sàn TMĐT lớn đã có thể tự hoàn thiện đơn hàng (fulfillment) của mình, thông qua Lazada E-Logistics Express và Tiki Now, bao gồm nhập kho, đóng gói và vận chuyển.

Lazada đã đầu tư vốn rất mạnh để phát triển dịch vụ logistics nội bộ nhằm tăng công suất, mở rộng cơ sở vật chất. Gần đây, Lazada E-Logistics Express đã hoàn thành trung tâm phân loại thứ hai tại Hà Nội, sau trung tâm đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, một số trang TMĐT B2C lớn như Thegioididong, Dienmayxanh, FPTshop và Nguyễn Kim cũng đã tự thực hiện việc giao hàng nhờ vào độ bao phủ lớn từ mạng lưới các cửa hàng của họ.

Trong khi đó, các trang web C2C hàng đầu như Shopee, Sendo lại cung cấp dịch vụ giao hàng chủ yếu thông qua các đối tác vận chuyển 3PL của mình, chẳng hạn như giaohangtietkiem và DHL eC Commerce,...

Đối với E-logistics 3PL, 3PL phục vụ đặc biệt cho TMĐT không chỉ bao gồm các công ty bưu chính truyền thống như VN Post, EMS, Viettel Post, mà cả các công ty khởi nghiệp và các công ty hậu cần đa quốc gia cũng đã tham gia rất mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Cơ hội nào cho các công ty truyền thống?

Với sự phát triển nhanh chóng của TMĐT tại Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ bưu chính truyền thống cũng đã bắt đầu cung cấp các dịch vụ logistics tập trung thị trường này để trở nên phù hợp hơn với cuộc chơi.

Với phạm vi hoạt động lớn của mạng lưới bưu cục hiện hữu trên toàn quốc và năng lực hoạt động cao (cơ sở hạ tầng và nhân lực), các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính truyền thống thường thực hiện các đơn đặt hàng trên quy mô rộng (toàn quốc và cả quốc tế) và đưa ra mức giá cạnh tranh nhất.

Liên quan tới dịch vụ giao hàng chặng cuối, các doanh nghiệp này có thế mạnh trong các đơn hàng khu vực nông thôn nhờ vào độ bao phủ rộng lớn. Tuy nhiên, tốc độ giao hàng trong các thành phố đô thị có vẻ chậm hơn so với các công ty startup được hỗ trợ mạnh mẽ bởi công nghệ.

Hiện tại, phần lớn nguồn lực của các công ty này vẫn chủ yếu vẫn phục vụ dịch vụ chuyển phát nhanh thông thường, trong khi đóng góp từ phục vụ các sàn TMĐT chưa thực sự đáng kể.

Như vậy, dư địa cho các công ty này phát triển là rất lớn. Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) điểm mấu chốt để có thể tận dụng được đà tăng trưởng này là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bưu chính truyền thống phải đầu tư và nhanh chóng áp dụng công nghệ vào hệ thống khổng lồ của họ để tối ưu hóa hoạt động, cải thiện chất lượng dịch vụ và duy trì tính cạnh tranh trong thị trường này.

Nở rộ các startup chuyên giao hàng

Trong vài năm qua, nhiều startup giao nhận có định hướng phục vụ TMĐT đã tham gia vào thị trường. Bằng cách sử dụng cách tiếp cận tập trung vào công nghệ và có sự hỗ trợ tài chính lớn từ các nhà đầu tư, những người chơi này đang cố gắng phát triển nhanh nhất có thể. Họ sẵn sàng chịu lỗ trong một vài năm để đổi lấy việc giành thị phần.

Các nỗ lực phát triển được chứng kiến thông qua việc xây dựng hệ thống kho, đội chuyển phát xe máy, xe tải và đặc biệt là áp dụng mô hình điểm lấy hàng. Mô hình này được thiết kế để khách hàng nhận/gửi đơn đặt hàng từ một địa điểm được chỉ định bất cứ lúc nào, mà không phải chờ để nhận/gửi hàng.

Mô hình này đang được áp dụng bởi GHN, một trong những startup đi đầu trong ngành, thông qua việc xây dựng mạng lưới các điểm lấy hàng trong các cửa hàng tiện lợi như Shop & go, Circle K, Vinmart +.

Với chiến lược này, các công ty khởi nghiệp có thể nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động của mình thông qua mạng lưới của các nhà bán lẻ mà không tốn quá nhiều tiền để xây dựng các bưu cục.

Với sự hỗ trợ mạnh mẽ về mặt công nghệ, các công ty này dường như vượt trội hơn các công ty bưu chính truyền thống tại các đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội trong thời gian giao hàng với các dịch vụ được tối ưu hóa, như: đảm bảo thời gian giao hàng, giao hàng trong ngày.

Do thiếu mạng lưới toàn quốc, vấn đề đối với những công ty này là duy trì hiệu quả chi phí trong khi vẫn phải đảm bảo giá cả cạnh tranh khi nhân rộng hoạt động để tiếp cận khách hàng ở nông thôn.

Hiện tại, các startup vẫn phải hợp tác với các công ty bưu chính truyền thống để thực hiện các đơn đặt hàng của các tuyến liên thành phố hoặc các khu vực nông thôn. Điều này phản ánh vào mức giá cao hơn của các đơn đặt hàng này.

PV

Theo Infonet/VDSC

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/thi-truong-giao-hang-nhanh-cu-nhanh-la-thang-20180504224218345.htm