Thị trường EU khiếu nại nhiều nhất về xuất xứ hàng hóa của Việt Nam

Tính đến hết tháng 12/2018, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đã nhận được 110 thư yêu cầu thẩm tra lại 287 bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) với nhiều loại hàng hóa, trong đó thị trường EU chiếm 90%.

Theo Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) thuộc VCCI, thời gian gần đây các khiếu nại từ thị trường XK đối với xuất xứ hàng hóa (XXHH) của Việt Nam liên tục gia tăng. Cụ thể, đến hết tháng 12/2018, VCCI đã nhận được 110 thư yêu cầu thẩm tra lại 287 bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) với nhiều loại hàng hóa, như: lốp xe, đinh vít, quần áo, gạch men, tôm, thực phẩm, găng tay, da giày... trong đó thị trường EU chiếm 90%, còn lại 10% là các thị trường khác, chủ yếu là Đài Loan, Ấn Độ, Iraq.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Nguyên nhân chủ yếu là do các đối tác nhập khẩu (NK) nghi ngờ có việc gian lận XXHH thông qua hình thức làm giả chữ ký của tổ chức cấp phát C/O theo quy định pháp luật Việt Nam đối với hàng chuyển tải bất hợp pháp, hàng không đủ tiêu chuẩn về xuất xứ Việt Nam.

Đặc biệt, các nghi ngờ về hàng hóa chưa đủ tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam chủ yếu tập trung vào các mặt hàng nhạy cảm đang bị áp thuế phòng vệ thương mại (PVTM) được XK với số lượng lớn sang các nước hoặc các mặt hàng bị nghi ngờ về năng lực sản xuất của Việt Nam.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cũng đưa ra nhận định tương tự khi cho rằng mối nguy gia tăng gian lận XXHH, điển hình là hàng hóa Trung Quốc mượn xuất xứ Việt Nam để XK đi các thị trường mà Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại (FTA), dẫn tới nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh các biện pháp PVTM đang hiện hữu.

Còn nhớ vào đầu tháng 2/2019, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành quyết định về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với xe đạp điện nhập khẩu từ Trung Quốc vào Liên minh châu Âu (EU), áp dụng trong 5 năm kể từ ngày 18/1/2019. Theo số liệu thống kê của EU, xe đạp điện từ Việt Nam sang EU đã tăng sau khi EU tiến hành điều tra.

Hay tháng 12/2018, Ủy ban Thương mại Quốc tế của Mỹ (ITC) đã ra phán quyết cuối cùng về việc áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm nhôm nhập từ Trung Quốc mức 96,3% đến 176,2% trong 5 năm. Trong bối cảnh đó, lượng nhôm nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng.

Nếu các thị trường nhập khẩu hàng của Việt Nam phát hiện hành vi gian lận, họ sẽ có xu hướng áp dụng luôn mức thuế phòng vệ cho hàng hóa tương tự của cả quốc gia, gây ảnh hưởng rất lớn cho cả ngành hàng. Vì vậy, nhiều kiến nghị cho rằng, cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý, lấp các “lỗ hổng”. Bên cạnh đó, trong kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu, các cơ quan liên quan cũng cần tăng cường giám sát, làm thật chặt chẽ hơn nữa.

Gian lận xuất xứ hàng hóa, mượn xuất xứ của Việt Nam để hưởng lợi không phải là mới, song để giải quyết dứt điểm lại không phải dễ dàng. Ngành thép là ngành chịu áp lực kiện phòng vệ thương mại và lẩn tránh thuế nhiều trong các ngành, chiếm tới 60-70%.

Lê Minh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/thi-truong-eu-khieu-nai-nhieu-nhat-ve-xuat-xu-hang-hoa-cua-viet-nam-536252.html