Thị trưởng Đức đáp trả đe dọa từ Nghị sĩ Mỹ

Các Thượng Nghị sĩ Mỹ đe dọa Thị trưởng Đức vì cho phép giữ lại tàu đặt đường ống Nord Stream-2.

Tờ Focus của Đức đưa tin, thị trưởng thành phố Sassnitz Frank Kracht của Đức mới đây đã có tuyên bố rất cứng rắn trong bối cảnh ông đang trở thành trung tâm của vụ Mỹ gây sức ép với Đức liên quan đến dự án Nord Stream-2.

Thị trưởng thành phố Sassnitz Frank Kracht, phía sau là các đường ống lắp đặt cho dự án Nord Stream-2. Ảnh: Zeit

Thị trưởng thành phố Sassnitz Frank Kracht, phía sau là các đường ống lắp đặt cho dự án Nord Stream-2. Ảnh: Zeit

Các thượng nghị sĩ Mỹ đã viết thư đe dọa Thị trưởng Kracht bằng các biện pháp trừng phạt vì cho rằng ông đã cho phép con tàu lắp đặt đường ống Akademik Chersky của Nga neo đậu tại cảng ở thành phố Sassnitz.

Theo Focus, lập luận của các nghị sĩ Mỹ là dù Thị trưởng Kracht không liên quan gì đến chính trị nhưng với tư cách là người đứng đầu thành phố và là một trong những cổ đông của cảng nên ông "có vai trò quan trọng trong việc thực hiện dự án".

Ấn phẩm của Đức cho biết thêm, ba thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz, Tom Cotton và Ron Johnson đã viết một bức thư cho thị trưởng, trong đó ông bị đe dọa “phá hủy các lệnh trừng phạt kinh tế và pháp lý”.

Các thượng nghị sĩ Mỹ cho rằng “tội” của ông Kracht là việc để tàu đặt đường ống của Nga “Akademik Chersky” neo đậu ở cảng Sassnitz, chuẩn bị hoàn thành 160km cuối cùng của đường ống dẫn khí đốt.

Chính trị gia người Đức mới đây đã phản ứng một cách cứng rắn trước những cáo buộc từ những thượng nghị sĩ Mỹ.

“Chúng tôi phải chứng minh cho thế giới thấy rằng chúng tôi sẽ không cho phép mình bị đe dọa” - tờ Focus dẫn lời vị Thị trưởng Đức.

Theo Focus, các thượng nghị sĩ Mỹ đe dọa sẽ cấm các chính trị gia Đức vào đất nước của họ và đóng băng tất cả các tài sản của cảng ở Hoa Kỳ. Điều này đặc biệt gây khó chịu vì Sassnitz đang hợp tác với một cảng trên Hồ Michigan ở Wisconsin (Mỹ). Đồng thời, ông Ron Johnson là một thượng nghị sĩ của bang này.

“Đây là đỉnh điểm của sự trơ tráo” - ông Krakht cho biết.

Đồng quan điểm với ông Krakht, Thủ hiến bang Mecklenburg-Vorpommerns Manuela Schwesig cũng như Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Niels Annen cho biết, những lời đe dọa như vậy là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Tàu lắp đặt đường ống Akademik Cherskiy neo đậu tại cảng Thành phố Sassnitz

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn chưa đưa ra bình luận gì về tình hình ở cảng Sassnitz, mặc dù Sassnitz là một phần của khu vực bầu cử của riêng bà.

Mỹ đã nỗ lực gây sức ép với Đức cũng như EU liên quan đến dự án kinh tế giữa Nga và Đức cùng 4 thành viên EU khác, coi đây là dự án ảnh hưởng đến an ninh năng lượng châu Âu.

Giới chuyên gia cho rằng, Đức sẽ không rút lui khi đối mặt với các mối đe dọa, và Đức cũng không muốn từ bỏ số tiền mà đã đầu tư vào Nord Stream 2.

Mới đây, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề kinh tế và năng lượng của Hạ viện Đức Klaus Ernst tiết lộ về việc Berlin có thể sẽ đưa vấn đề Mỹ trừng phạt các công ty tham gia dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” ra Liên Hợp Quốc.

Ông Klaus gọi hành động của Mỹ là gây áp lực trái với pháp luật quốc tế. Việc Mỹ yêu cầu một quốc gia có chủ quyền khác hoặc yêu cầu Liên minh châu Âu phải hành động, hoặc giải quyết vấn đề cung cấp năng lượng của chính họ theo ý của Mỹ.

Người đứng đầu Ủy ban thuộc Hạ viện Đức nhấn mạnh đây là hành động “trái với bất cứ mối quan hệ hợp lý nào”.

“Việc sử dụng các biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ là vi phạm luật quốc tế, đe dọa chủ quyền của nước khác. Tất cả các biện pháp trừng phạt này không áp dụng ở Mỹ mà chúng lại liên quan đến Liên minh châu Âu” - ông Klaus nhận định.

Chủ tịch Ủy ban các vấn đề kinh tế và năng lượng của Hạ viện Đức cảnh báo: “Biện pháp tiếp theo mà chúng tôi đang thảo luận là đưa vấn đề này ra Liên Hợp Quốc. Các lựa chọn khác bao gồm khiếu nại với các tòa án quốc tế liên quan. Chúng tôi sẽ xem những gì họ quyết định”.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/thi-truong-duc-dap-tra-de-doa-tu-nghi-si-my-3417674/