Thị trường đồ chơi trẻ em: Khi đồ nội dần lấy lại ưu thế

Tết Trung thu đang đến gần, những ngày này, thị trường đồ chơi cho trẻ em trở nên 'nóng' hơn. Cùng với mẫu mã đẹp, đa dạng từ đồ chơi nhập khẩu, đồ chơi Việt Nam cũng dần khẳng định được thương hiệu và cảm tình của người tiêu dùng nhờ sự an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, với sự đơn điệu về mẫu mã sản phẩm, tiện ích và giá thành… khiến 'chiếc bánh ngọt' thị trường đồ chơi trong nước vẫn chưa thực sự thuộc về các doanh nghiệp Việt.

Hàng Việt “hút” khách …

Những ngày này, dạo qua các con phố chuyên bán đồ chơi cho trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội như: Lương Văn Can, Hàng Mã, Hàng Lược, Chả Cá… không khó để nhận thấy sức hút của các mặt hàng đồ chơi với người tiêu dùng. Điều này cũng dễ hiểu, bởi chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Trung thu.

Theo một số tiểu thương buôn bán ở đây chia sẻ, mặt dù thời gian gần đây sức mua của thị trường đồ chơi trẻ em đã rải đều quanh năm. Tuy nhiên, vào một số dịp như Tết Thiếu nhi hay Tết Trung thu, đồ chơi dành cho trẻ em vẫn có sức tiêu thụ mạnh hơn.

Lý giải về sức mua có sự thay đổi này, chị Mai, chủ cửa hàng chuyên bán đồ chơi ở phố Hàng Mã cho biết, hiện mức sống của người dân đã được nâng cao. Do đó, người dân cũng bắt đầu quan tâm nhiều, tạo điều kiện nhiều hơn cho con em mình.

Đặc biệt, hiện nay thị trường đồ chơi rất đa dạng và phong phú về chủng loại, nguồn gốc xuất xứ mà giá thành lại khá “mềm”, vì thế người dân sẵn sàng mở “hầu bao” mua đồ chơi cho con em mình bất cứ khi nào cảm thấy thuận tiện nhất.

Ở phân khúc thị trường đồ chơi giá rẻ, hàng Việt vẫn chưa cạnh tranh được với hàng Trung Quốc

Ở phân khúc thị trường đồ chơi giá rẻ, hàng Việt vẫn chưa cạnh tranh được với hàng Trung Quốc

Cùng với việc sức mua của người dân có sự rải đều trong cả năm, một trong những tín hiệu vui đối với thị trường đồ chơi trẻ em đó chính là việc hàng Việt đã chiếm được niềm tin của người tiêu dùng. Nguyên nhân đầu tiên được người tiêu dùng, cũng như các tiểu thương lý giải đó chính là sự lo lắng về nguồn gốc xuất xứ, các chất độc hại trong các sản phẩm không rõ nguồn gốc. Do đó, hàng Việt đã trở thành lựa chọn được ưu tiên hàng đầu.

Bà Lan, một tiểu thương chuyên bán đồ chơi tại phố Lương Văn Can chia sẻ, những năm gần đây khách hàng đến lựa chọn đồ chơi truyền thống trong dịp Trung thu cao hơn hẳn những năm trước. Nguyên nhân một phần chủ yếu là do các sản phẩm đồ chơi truyền thống chủ yếu được sản xuất bằng tre, nữa, giấy… nên đồ an toàn và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Bên cạnh đó, một phần cũng là do việc cơ quan Nhà nước đã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người sản, làng nghề sản xuất đồ chơi truyền thống, cũng như các chương trình tiêu thụ hàng Việt đã kích thích niềm tự hào, tính dân tộc của người tiêu dùng với sản phẩm truyền thống…

Đồ chơi Việt Nam mẫu mã chưa phong phú, đa dạng

Không chỉ vậy, việc lựa chọn đồ chơi của người tiêu dùng hiện cũng mang nhiều ý nghĩa hơn. Đa phần người mua có xu hướng lựa chọn các mặt hàng đồ chơi truyền thống vì tính nhân văn và sự gần gũi với văn hóa truyền thống của người Việt. Trong đó, các sản phẩm đồ chơi như mặt nạ chú Tễu, đèn ông sao, đèn lồng giấy, đầu lân, đèn kéo quân…vẫn hút khách nhờ giá thành sản phẩm phù hợp, mang giá trị truyền thống cao.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các con phố chuyên bán đồ chơi trẻ em, mặt hàng đèn lồng giấy với đủ kiểu dáng, màu sắc bắt mắt có giá bán “khá mềm” giao động từ 20.000 – 40.000 đồng/chiếc tùy kích cỡ; đèn ông sao có giá giao động từ 15.000 – 50.000 đồng/chiếc; đèn kéo quân có giá bán từ 50.000 – 250.000 đồng/chiếc…

Đồ chơi ngoại vẫn chiếm ưu thế

Được đánh giá là an toàn cho trẻ, mang nhiều giá trị văn hóa dân tộc và khá hút khách. Tuy nhiên, thực tế khảo sát thị trường đồ chơi giá rẻ trên địa bàn Hà Nội dễ dàng nhận thấy, đồ chơi Việt vẫn khó cạnh tranh được với các mặt hàng đồ chơi Trung Quốc về mẫu mã, kiểu dáng, cũng như giá thành sản phẩm.

Thực tế, tại các cửa hàng bán đồ chơi trẻ em trên phố Hàng Mã, Lương Văn Can, Hàng Lược… mặt hàng đồ chơi Trung Quốc với các sản phẩm đồ chơi có nhạc, có đèn nhấp nháy, hay các loại đồ chơi xếp hình lego, ô tô, robot, máy bay điều khiển từ xa, vẫn chiếm số lượng lấn át so với hàng Việt.

Chị Hải Yến ở Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, hàng Việt Nam sản xuất, an toàn cho trẻ hơn nhưng sản phẩm không đa dạng, chỉ xoay quanh một số mặt hàng truyền thống quen thuộc và đơn điệu. Trong khi đó, đồ chơi Trung Quốc cực kỳ hấp dẫn về mẫu mã, đa dạng về chủng loại, giá thành lại “mềm” hơn. Chỉ cần bỏ ra vài chục, cho đến hơn 100.000 đồng là có thể mua được 1 cái xe ô tô điều khiển từ xa, hay 1 set búp bê Barbie của Trung Quốc rất đẹp, hấp dẫn trẻ con hơn.

Ở phân khúc thị trường giá rẻ là vậy, đối với phân khúc thị trường đồ chơi hàng Việt cao cấp cũng nhận thấy, hàng Việt gần như “thất thế” đối với các mặt hàng nhập khẩu dù là “chủ nhà”. Mặc dù hiện nay, tại nhiều cửa hàng tiện ích, hệ thống siêu thị hiện đại như: Bibomart, Kids plaza, Vinmart, Co-op Mart, Big C… đã xuất hiện những kệ hàng, khu trưng bày dành riêng cho các mẫu đồ chơi “Made in Vietnam”.

Cũng ở phân khúc này, mặt hàng đồ chơi dành cho trẻ em của Việt Nam có sự đa dạng hơn về mẫu mã, có tính chất phát triển tư duy hơn, giá thành cũng giao động trong khoảng vài chục, đến vài triệu đồng. Tuy nhiên, sự xuất hiện các mặt hàng đồ chơi Việt Nam tại đây, cũng như mẫu mã đồ chơi Việt vẫn như “muối bỏ biển” so với các mặt hàng đồ chơi nhập khẩu từ Mỹ, Đức, Pháp, Nhật…

Có thể thấy, thị trường đồ chơi trẻ em hiện nay rất đa dạng, kể cả phân khúc thị trường giá rẻ và cao cấp. Nhưng, để người tiêu dùng chọn lựa được sản phẩm chất lượng, giá cả phải chăng lại không nhiều. Chính vì thế, nhiều người tiêu dùng rất mong có nhiều thương hiệu đồ chơi xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đạt an toàn và giá thành hợp lý để họ có nhiều sự lựa chọn cho con em mình. Đặc biệt là mặt hàng đồ chơi có nguồn gốc, xuất xứ tại Việt Nam.

Mong muốn là vậy, tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thách thức lớn của thị trường đồ chơi trẻ em Việt Nam đó chính là việc các doanh nghiệp phải nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng, bởi lẽ khi sản xuất đồ chơi doanh nghiệp không chỉ bán hàng cho các em bé, mà còn phải bán hàng cho cả phụ huynh và thậm chí cho cả thế hệ sau này khi các em bé đó lớn lên và rồi họ lại lựa chọn đồ chơi cho con em mình... Vì thế, việc đáp ứng đúng được nhu cầu của cả phụ huynh và em bé là một thách thức không hề nhỏ.

Ngoài ra, sự cạnh tranh về giá cả, sản phẩm với sản phẩm đồ chơi nước ngoài cũng là một thách thức hiện nay. Đa số những đồ chơi có thương hiệu, sản xuất cho trẻ em Việt Nam chỉ xuất hiện ở các điểm siêu thị, nhà sách, chưa thâm nhập sâu vào các thị trường bán lẻ lớn. Bởi thế, thị trường đồ chơi cao cấp tại Việt Nam hiện vẫn là sân chơi của doanh nghiệp nước ngoài, trong khi đó ở phân khúc giá rẻ, sản phẩm đồ chơi Trung Quốc lại chiếm ưu thế.

Do đó, việc thay đổi nhận thức của người tiêu dùng Việt với những sản phẩm có thương hiệu, chất lượng vừa là cơ hội, vừa là bài toán thách thức đối với các doanh nghiệp tham gia ở lĩnh vực này khi muốn chiếm lĩnh thị trường đồ chơi trong nước.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thi-truong-do-choi-tre-em-khi-do-noi-dan-lay-lai-uu-the-95390.html