Thị trường đồ chơi trẻ em: Hàng Trung Quốc tràn ngập

Thời điểm đầu năm học mới, thị trường đồ chơi trẻ em trở nên sôi động. Trong đó, đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn tiếp tục chiếm lĩnh thị trường.

Các mặt hàng này đều có giá chỉ vài chục ngàn đến trên dưới 200 ngàn đồng, rẻ, lại sặc sỡ bắt mắt nên bán rất chạy

Những ngày này, dọc theo các tuyến phố ở TP.HCM như Nguyễn Kiệm, Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp), Lê Trọng Tấn, Lê Khôi (quận Tân Phú)… bày bán tràn ngập đồ chơi phục vụ trẻ em. Những sản phẩm được bày bán được nhận xét là phù hợp sở thích của số đông trẻ em như thú bông, búp bê, bộ đồ nhà bếp, bộ đồ y tế, mô hình lắp ghép, ôtô, máy bay, siêu nhân... với mức giá đa dạng. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm này đều mang dòng chữ “Made in China”.

Tại Cửa hàng đồ chơi trẻ em Sang Nhi trên đường Lê Khôi, theo ghi nhận, có đến hàng nghìn mặt hàng, nhưng tìm “mỏi mắt” không thấy hàng Việt Nam. Chị Hoa- nhân viên cửa hàng khẳng định, tất cả đồ chơi ở đây đều là hàng nhập về từ Trung Quốc. Trước đây, cửa hàng có nhập một số sản phẩm đĩa bay, người máy nhún nhảy theo nhạc do Việt Nam sản xuất, nhưng giá cao nên bán chậm.

Chị Hoa lý giải, sở dĩ đồ chơi trẻ em có nguồn gốc Trung Quốc được bày bán với số lượng lớn tại cửa hàng là do những sản phẩm này có giá rẻ hơn so với đồ chơi nội. Hơn nữa, việc mẫu mã, kiểu dáng hàng ngoại đa dạng hơn cũng là một trong những lý do khiến đồ chơi Việt đôi khi bị người tiêu dùng xếp sau "hàng Tàu".

“Ví dụ anh chọn một con vịt cao su của Việt Nam sản xuất thì giá của nó sẽ từ 100.000 - 160.000 đồng/con. Nhưng nếu anh chọn hàng Trung Quốc thì chỉ 20.000-40.000 đồng/con. Tương tự nếu anh mua mấy đồ chơi sản xuất trong nước, giá cũng nhỉnh hơn hàng Trung Quốc ít nhất từ 1-2 lần là bình thường”, chị Hoa chia sẻ.

Khách hàng chọn mua đồ chơi trẻ em tại một cửa hàng trên đường Tân Kỳ Tân Quý

Tại một nhà sách trên đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân), rất nhiều đồ chơi như búp bê Marbie, chú Minion, bộ đồ chơi nhà bếp, bác sĩ, xe điều khiển... có nguồn gốc từ Trung Quốc được bày bán đa dạng về mẫu mã và giá cả.

Cụ thể, bộ đồ chơi bác sĩ có giá dao động từ 60.000 – 90.000 đồng, các mẫu búp bê tùy loại giá từ 80.000 – 150.000 đồng/bộ. Đặc biệt, tại đây còn bán miếng dán đồ chơi nhựa (sticker) rất phổ biến và được trẻ em yêu thích giá chỉ từ 3.000 – 5.000 đồng/miếng.

"Thời gian gần đây, hàng trăm loại đồ chơi được bày bán với đủ mẫu mã, hàng Việt chỉ một vài sản phẩm, trong khi đó, hàng Trung Quốc lại chiếm tới 90%. Lý do là những mặt hàng Việt Nam sản xuất được nhưng giá cao, màu sắc không đẹp. Ví dụ, một con Minion đồ chơi loại nhỏ hàng Việt Nam bán đến 90.000 đồng, nhưng của Trung Quốc chỉ khoảng 40.000 đồng”, chủ cửa hàng này nói.

Mẫu đồ chơi đóng hộp này có nguồn gốc Trung Quốc nhưng không thể tìm thấy nhãn phụ tiếng Việt và dấu CR đâu

Ngoài đồ chơi in chữ “Made in China” – được hiểu là xuất xứ Trung Quốc, trên bao bì còn có các ngôn ngữ khác như tiếng Thái và tiếng Anh. Theo ghi nhận của PV, một số sản phẩm đồ chơi khác cửa hàng không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không có dấu CR trong khi quy định là bắt buộc phải có. Ngoài ra, một số sản phẩm còn không có dấu hiệu cảnh báo, khuyến cáo lứa tuổi sử dụng, không ghi thông tin hướng dẫn – nhãn phụ tiếng Việt.

Chị Trần Thị Thảo (quận Gò Vấp) đang tìm mua đồ chơi cho con chia sẻ: "Tùy độ tuổi mà mình chọn các loại đồ chơi thích hợp cho các cháu. Riêng cháu nhà tôi rất thích các loại đồ chơi như siêu nhân, mô hình máy bay chiến đấu... Thấy sản phẩm đồ chơi Trung Quốc giá rẻ, cộng với mẫu mã đẹp nên tôi chọn mua!".

Đồ chơi bạo lực

Hàng loạt đồ chơi bạo lực như dao, kiếm, súng, gậy phát sáng, mặt nạ, túi bóng bay... được nhập về từ Trung Quốc cũng được bày bán la liệt tại các vỉa hè, nhà sách. Chủ một cửa hàng thành thật nói: “Chúng tôi chọn hàng Trung Quốc bởi đa dạng, đẹp và rẻ hơn hàng Việt Nam. Bán như vậy mới có lời nhiều”.

Theo tiết lộ của một số chủ cửa hàng bán đồ chơi trẻ em, hiện nay trên thị trường TP.HCM một số sản phẩm đồ chơi Việt Nam nhưng đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. “Bọn chị đi nhập hàng nên biết chứ, muốn mua đồ Việt Nam thì chỉ có mấy cái đèn lồng, đèn kéo quân, chú Tễu, con rối… và một số món đồ đơn giản thôi. Còn thì những đồ chơi “thông minh” hay mẫu mã bắt mắt thế này toàn người Việt Nam đặt hàng Trung Quốc sản xuất hết. Năm nay những món đồ này tiêu thụ rất nhanh, vừa nhập về 2 tháng trước giờ lại chuẩn bị đi lấy tiếp”, một chủ cửa hàng bán đồ chơi tiết lộ.

“Chủ yếu là hàng Trung Quốc thôi, kể cả những sản phẩm ghi “made in Vietnam” nhưng đều đặt Trung Quốc làm hết”, một chủ cửa hàng khác trình bày.

Miếng dán hình xuất xứ từ Trung Quốc được bày bán nhiều trên thị trường

PHẠM ĐỨC

Gần đây, Hệ thống cảnh báo nhanh của Liên minh châu Âu (RAPEX) đưa ra những khuyến cáo đối với người tiêu dùng, đặc biệt là các bậc phụ huynh về việc đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc có thể gây những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe trẻ em, nhất là những đồ chơi bằng nhựa vì chứa hàm lượng Diethylhexyl phthalate (DEHP) ở mức khá cao, từ 15-30%.

Loại hóa chất này có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản hoặc gây hen suyễn, dị ứng… nếu tiếp xúc thường xuyên, nhất là trong điều kiện nhiệt độ cao.

Ở Trung Quốc, việc sản xuất các loại đồ chơi rẻ tiền thường do các xưởng sản xuất gia công thực hiện. Việc pha chế Diethylhexyl phthalate thường không được kiểm soát chặt chẽ và là nguy cơ gây hại trực tiếp cho người dùng. Các phụ huynh cần lưu ý không để trẻ vừa cầm nắm đồ chơi vừa bốc đồ ăn, nhất là không cho trẻ ngậm hay gặm đồ chơi.

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/thi-truong-do-choi-tre-em-hang-trung-quoc-tran-ngap-9087.html