Thị trường dậy sóng chỉ vì một lời đe dọa ở nhà máy khí đốt Na Uy

Một cơ sở khí đốt tại Na Uy đã phải dừng hoạt động sau lời đe dọa đánh bom. Thông tin trên làm dấy lên những lo ngại về an ninh tại các cơ sở hạ tầng ngành năng lượng ở châu Âu.

Theo các quan chức, công nhân tại nhà máy xử lý khí đốt Nyhamna ở Na Uy đã buộc phải di tản sau khi cơ sở trên nhận được lời đe dọa đánh bom. Vụ việc đã khiến giá khí đốt tăng đột biến ở châu Âu, theo Wall Street Journal.

Vào chiều 13/10, nhà máy trên đã hoạt động bình thường trở lại sau khi công nhân quay lại làm việc. Giá khí đốt tại thị trường châu Âu cũng trở về mức bình thường. Tuy nhiên, sự kiện vừa qua đã nhấn mạnh những lo ngại về việc đảm bảo an ninh cho các cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực năng lượng của châu Âu, cụ thể là tại Na Uy, một trong những nhà sản xuất khí đốt lớn nhất trên thế giới.

Lo ngại an ninh

Trong bối cảnh các quốc gia châu Âu áp đặt các lệnh cấm vận và tìm cách tách rời khỏi nguồn năng lượng từ Nga, vị thế của Na Uy trên thị trường năng lượng châu Âu càng trở nên quan trọng.

Chính phủ của nhiều quốc gia đã phải tăng cường an ninh đối với các cơ sở hạ tầng thiết yếu của ngành năng lượng sau khi đường ống Nord Stream, dẫn khí đốt từ Nga đến châu Âu thông qua biển Baltic, bị hư hại do một loạt các vụ nổ dưới nước. Cả Nga và các quốc gia châu Âu đều nghi ngờ rằng những vụ nổ trên là hành vi phá hoại có chủ đích, theo Tass.

Tuy đường ống Nord Stream đã dừng hoạt động ở thời điểm xảy ra vụ nổ, sự kiện trên đã làm nổi bật những điểm yếu trong công tác bảo vệ an toàn cho các cơ sở hạ tầng của ngành năng lượng ở châu Âu và vùng biển quanh khu vực này.

Giá khí đốt bán buôn tại châu Âu vào hôm 13/10 đã tăng vọt lên mức 170,3 USD/MWh từ mức 156,6 USD/MWh vào cuối ngày 12/10. Sau khi cơ sở khí đốt tại Na Uy quay trở lại hoạt động, giá khí đốt đã giảm xuống mức 153,7 USD/MWh vào cuối ngày 13/10, theo Reuters.

Khi mùa đông đang tới gần, việc Nga cắt giảm sản lượng xuất khẩu sang châu Âu đã biến Na Uy trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất tại khu vực này. Những lo ngại về việc người dân và các nhà máy không có đủ nguồn cung khí đốt đã khiến nguy cơ xảy ra tình trạng suy thoái kinh tế tại châu Âu tăng cao.

Bên cạnh việc thiếu hụt nguồn cung, việc đảm bảo an toàn nguồn cung năng lượng từ Na Uy cũng trở thành mối quan tâm lớn sau khi một số máy bay không người lái được phát hiện tại những khu vực xung quanh các cơ sở dầu mỏ và khí đốt của quốc gia Bắc Âu này.

 Lực lượng tuần duyên Na Uy tuần tra tại khu vực mỏ khí đốt Troll. Ảnh: Forsvaret.

Lực lượng tuần duyên Na Uy tuần tra tại khu vực mỏ khí đốt Troll. Ảnh: Forsvaret.

Quân đội Na Uy trong những tuần gần đây đã liên tục điều máy bay chiến đấu F-35 và tàu chiến đến tuần tra tại khu vực xung quanh các cơ sở năng lượng của nước này như mỏ khí đốt Troll, mỏ cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu ở thời điểm hiện tại.

Cảnh sát Na Uy cho biết đã xác định được thủ phạm đưa ra lời đe dọa đánh bom tại nhà máy khí đốt Nyhamna. Theo cảnh sát, người này từng đưa ra những lời đe dọa đánh bom tương tự trong quá khứ. Tuy đang trong quá trình điều tra vụ việc, cảnh sát Na Uy cho biết không tìm thấy bằng chứng nào chứng minh lời đe dọa đánh bom trên là có thật.

Nhà máy Nyhamna xử lý khí đốt được vận chuyển bằng đường ống từ mỏ khí tự nhiên Ormen Lange, cách bờ biển phía nam của Na Uy khoảng 120 km. Theo công ty vận hành Gassco AS, nhà máy Nyhamna có khả năng sản xuất 84 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày, đáp ứng 20% nhu cầu khí đốt của Anh.

Quân đội Na Uy đã bắt đầu tuần tra, bảo vệ nhà máy vào đầu tuần trước. Đây là ví dụ cho sự quan tâm của chính phủ các nước châu Âu tới an ninh của hệ thống cơ sở hạ tầng ngành năng lượng và viễn thông trong khu vực.

Theo người phát ngôn của Gassco, nhà máy Nyhamna vẫn tiếp tục hoạt động mặc dù các công nhân được sơ tán để đảm bảo an toàn.

Các vụ nổ tại đường ống khí đốt Nord Stream đã dập tắt hy vọng về việc Nga khôi phục phần lớn nguồn cung khí đốt tới châu Âu.

Nhiệm vụ bất khả thi

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Frode Leversund, Giám đốc điều hành tập đoàn Gassco, nhà vận hành của phần lớn hệ thống đường ống dẫn khí đốt tại Na Uy, cho biết công ty này đã tăng cường an ninh tại các cơ sở sản xuất và vận chuyển khí đốt của mình sau khi xung đột tại Ukraine bùng phát.

Việc đường ống Nord Stream bị hư hỏng nặng khiến Nga không thể khôi phục phần lớn nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Ảnh: Reuters.

Gassco, hợp tác cùng với chính phủ Na Uy, tiếp tục thắt chặt an ninh tại các cơ sở sản xuất sau khi đường ống Nord Stream bị hư hỏng bởi các vụ nổ dưới lòng biển Baltic.

"Gassco đang làm mọi thứ để đảm bảo chúng tôi là một nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy cho châu Âu", ông Leversund cho biết.

Tuy nhiên, các quan chức của công ty và chuyên gia an ninh cho biết việc đảm bảo an ninh cho các cơ sở sản xuất và hàng nghìn km đường ống dẫn khí đốt, phần lớn được đặt dưới lòng biển hoặc tại các khu vực hẻo lánh, là một nhiệm vụ bất khả thi.

Theo dữ liệu của công ty S&P Global Commodity Insights, trước khi xung đột tại Ukraine bùng phát, Nga là nhà cung cấp khí đốt chính cho châu Âu khi chiếm tới 40% thị phần. Kể từ đầu năm nay, lượng khí đốt được vận chuyển qua các đường ống của Na Uy chiếm 27% nguồn cung khí đốt của châu Âu.

An Bình

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thi-truong-day-song-chi-vi-mot-loi-de-doa-o-nha-may-khi-dot-na-uy-post1365144.html