Thị trường dầu ăn: Chứng tỏ 'sức nóng'

Thị trường dầu ăn Việt Nam vẫn chứng tỏ 'sức nóng' khi tiếp tục thu hút các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư nước ngoài đến tìm cơ hội kinh doanh.

Dư địa lớn

Giới kinh doanh đánh giá, thị trường dầu ăn tại Việt Nam vẫn còn rất tiềm năng bởi hiện nay, lượng sử dụng dầu ăn bình quân của người Việt chỉ đạt vào khoảng 9,5 kg/người/năm, thấp hơn tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra 13,5 kg/người/năm. Ngoài ra, theo ước tính của Bộ Công Thương, đến năm 2020, nhu cầu tiêu thụ dầu ăn của Việt Nam sẽ ở mức 16,2kg/người/năm.

Do nhu cầu lớn, dư địa còn, nhiều DN trong nước lẫn quốc tế tích cực tìm cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực này. Tại nội địa, các tập đoàn lớn như KIDO, Sao Mai An Giang… đã "tay ngang" từ một lĩnh vực khác đổ vốn vào tham gia thị trường dầu ăn. Chẳng hạn, KIDO đã tham gia vào thị trường dầu ăn thông qua việc thâu tóm hàng loạt thương hiệu như Tường An, Vocarimex, Golden Hope. Hay, Tập đoàn Sao Mai An Giang đã đầu tư nhà máy sản xuất dầu ăn từ mỡ cá tra với thương hiệu Ranee thuộc phân khúc cao cấp…

Thị trường sản xuất dầu ăn còn dư địa lớn

Thị trường sản xuất dầu ăn còn dư địa lớn

Về phía nhà đầu tư ngoại, Tập đoàn Musim Mas (Singapore) - một trong những nhà sản xuất dầu thực vật lớn thế giới - đã xây dựng nhà máy sản xuất dầu ăn tại Việt Nam với vốn đầu tư 71,5 triệu USD, công suất thiết kế 1.500 tấn/ngày… Mới đây nhất, trung tuần tháng 9/2019, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Malaysia Teresa Kok đã dẫn phái đoàn DN của nước này tới TP. Hồ Chí Minh để tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư vào lĩnh vực dầu ăn tại Việt Nam.

"Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu 242.700 tấn dầu cọ từ Malaysia (tăng gần 23.200 tấn so với cùng kỳ năm 2018). Mức tăng trưởng này do một số yếu tố, trong đó có giá cạnh tranh, sự gia tăng dân số và tăng trưởng kinh tế rất tốt trong nước" - bà Teresa Kok cho biết. Xuất phát từ thực tế trên, DN Malaysia muốn mở rộng kinh doanh dầu ăn, dầu cọ và tiến tới đầu tư nhà máy tại Việt Nam. Tuy nhiên, không phải đến năm nay, DN dầu ăn của Malaysia mới đến Việt Nam mà theo Bộ Công nghiệp Malaysia, hiện tại, đã có không ít DN nước này kinh doanh phân phối, dầu ăn tại Việt Nam.

Cạnh tranh khốc liệt

Nhiều DN cùng tham gia vào thị trường và xu hướng sử dụng dầu ăn của người Việt đang thay đổi đã khiến thị trường ngày càng cạnh tranh hơn.

Báo cáo tài chính của nhiều DN dầu ăn đang niêm yết trên Sàn chứng khoán TP. Hồ Chí Minh cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019, do sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty và giá dầu ăn trên thị trường sụt giảm nên doanh thu và lợi nhuận của các DN ở lĩnh vực này đã giảm mạnh. Cụ thể, Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An giảm tới 14% doanh thu; Vocarimex giảm mạnh tới 35,21% so với cùng kỳ năm 2018.

Chính sự cạnh tranh này buộc nhà sản xuất phải có bước đi chiến lược phù hợp bởi người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn với các sản phẩm dầu ăn. Đại diện Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An cho biết, DN này đang tập trung phát triển phân khúc dầu ăn cao cấp, đáp ứng xu hướng bảo đảm an toàn sức khỏe của người tiêu dùng... Trong khi đó, Công ty CP Thực phẩm An Long lại quyết tâm chinh phục người tiêu dùng bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm dầu ăn thông qua chú trọng chọn lựa nguồn nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm…

Với dân số trên 95 triệu người, nhu cầu sử dụng các sản phẩm dầu ăn của thị trường Việt Nam hiện lên tới 1,5 triệu tấn mỗi năm. Song, sản lượng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 40% nên phải nhập khẩu nhiều từ các nước khác, trong đó có Malaysia.

Thùy Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thi-truong-dau-an-chung-to-suc-nong-126088.html