Thị trường công nghệ tài chính trong giai đoạn đại dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 tạo ra những bất ổn tới nền kinh tế toàn cầu nói chung và hệ thống tài chính nói riêng. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, các cơ sở làm việc và sinh hoạt đều bị đóng cửa, người dân buộc phải ở trong nhà và họ phải có cách thức để thích ứng với những sự thay đổi này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đại dịch COVID-19 đã tác động đáng kể tới nhiều người tiêu dùng trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính trong bối cảnh thất nghiệp, giảm thu thập và giảm tiếp cận trực tiếp với dịch vụ tài chính.

Người dân gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản chi phí sinh hoạt, chi trả các khoản nợ đến hạn trong khi việc tiếp cận các nguồn tín dụng là không dễ dàng. Đồng thời, cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng thúc đẩy sự chuyển dịch sang số hóa các dịch vụ tài chính.

Mặc dù, cuộc khủng hoảng đã đặt ra một loạt rủi ro và thách thức mới đối với người dân và làm trầm trọng thêm những rủi ro và thách thức hiện có, nhưng nó cũng tạo ra các cơ hội, chẳng hạn như sự phát triển của các sản phẩm tài chính mới hoặc các kênh phân phối mới.

Khủng hoảng COVID-19 đã kích thích dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tài chính. Trước khủng hoảng, năm 2019 các nhà đầu tư rót vào 3697 dự án trong lĩnh vực công nghệ tài chính với tổng số vốn khoảng 49 tỷ USD, số lượng dự án tăng đột biến lên 5410 dự án với tổng vốn đầu tư 141,2 tỷ USD vào năm 2021 khi đại dịch hoành hành và lan rộng khắp thế giới.

Tuy nhiên, xu hướng đầu tư bắt đầu giảm sút từ quý II/2022 do đại dịch COVID-19 được kiểm soát và hoạt động kinh tế cũng như xã hội dần dần ổn định. Theo ước tính của Công ty CB Insights, năm 2022 chỉ có 3954 dự án với tổng vốn đầu tư giảm xuống còn 63,5 tỷ USD.

Hoạt động đầu tư trong lĩnh vực công nghệ tài chính tuy gia tăng trên phạm vi toàn thế giới, song cũng có sự khác biệt giữa các châu lục, khu vực do quy mô nền kinh tế và trình độ công nghệ khác nhau.

Trong suốt giai đoạn trước và trong khủng hoảng COVID-19, Hoa Kỳ luôn dẫn đầu thế giới về quy mô vốn đầu tư cũng như số lượng các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Cụ thể, quý I/2018 Hoa Kỳ chiếm 40% số lượng dự án công nghệ tài chính toàn cầu, đến quý III/2022 quốc gia này vẫn chiếm đến 39%.

Tiếp theo là châu Á, châu lục năng động nhất thế giới này chiếm từ 25% đến 30% tổng số dự án công nghệ tài chính. Đứng vị trí thứ ba là châu Âu, chiếm tỷ trọng từ 20% đến 25% số lượng dự án đầu tư.

Nguồn vốn đầu tư vào công nghệ tài chính cũng khá đa dạng. Vốn mạo hiểm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng cấu trúc nguồn vốn, chiếm khoảng 30% và giữ ổn định trong giai đoạn trước và trong khủng hoảng.

Vốn từ nhà đầu tư thiên thần (Angel) có xu hướng tăng lên từ mức 10% trước khủng hoảng, tăng lên khoảng 15% trong giai đoạn khủng hoảng. Các Công ty quản lý tài sản và đầu tư (Asset/Investment Management) chiếm khoảng 7% tổng quy mô vốn trước khủng hoảng và tăng lên mức 12-13% giai đoạn khủng hoảng.

Vốn đầu tư được thực hiện trong các lĩnh vực công nghệ tài chính khác nhau bao gồm: Payments (Công nghệ thanh toán), Insurtech (Công nghệ bảo hiểm), Regtech (Công nghệ quản lý), Cybersecurity (Công nghệ bảo mật), Wealthtech (Công nghệ quản lý tài sản), Cryptocurrency (Tiền mã hóa).

Đầu tư cho công nghệ thanh toán chiếm tỷ trọng đáng kể ở mức 82% vào năm 2019, song có xu hướng giảm cụ thể là chỉ đạt mức 44% và 48% trong hai năm 2020 và 2021. Trong lúc đó, đầu tư cho công nghệ tiền mã hóa có sự gia tăng đáng kể từ mức 4% năm 2019 trước khi xảy ra đại dịch, tăng lên mức 26% vào năm 2021. Điều này phản ánh sự chuyển dịch tài sản sang tài sản tiền mã hóa của các nhà đầu tư kéo theo xu hướng đầu tư vào công nghệ tiền mã hóa.

Công nghệ quản lý và giám sát cũng có sự thay đổi đáng kể, cụ thể từ mức 3% năm 2019 tăng lên mức 17% vào năm 2020 và 10% vào năm 2021. Điều này cũng phản ánh sự thay đổi tư duy trong quản lý khi đại dịch làm cho hoạt động quản lý trực tiếp giảm và thay thế vào đó là hoạt động quản lý dựa trên nền tảng công nghệ.

Công nghệ về quản lý tài sản chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng cơ cấu đầu tư, đây là thị trường tiềm năng cho các nhà đầu tư đặc biệt là giai đoạn sau đại dịch.

Quy mô vốn đầu tư trên dự án có sự gia tăng đáng kể trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Quy mô vốn trung bình dự án đã tăng từ mức 19 triệu USD lên mức 32 triệu USD vào năm 2021, tuy nhiên giảm xuống 20 triệu USD năm 2022 khi hoạt động kinh tế trở lại binh thường. Có sự khác biệt đáng kể giữa số trung bình và số trung vị phản ánh quy mô vốn/dự án, điều này cho thấy có một số ít dự án được đầu tư với giá trị rất lớn vượt trội so với các dự án khác.

Các phân tích ở trên chỉ ra xu hướng thay đổi trong thị trường công nghệ tài chính giai đoạn khủng hoảng COVID-19. Thị trường chứng kiến sự gia tăng quy mô đầu tư ở các khu vực khác nhau với các sản phẩm dịch vụ đa dạng hướng tới nhu cầu người tiêu dùng.

Tuy nhiên, sự phát triển bền vững của thị trường công nghệ tài chính sau khủng hoảng còn là vấn đề cần thiết phải đi sâu xem xét và nghiên cứu chi tiết.

Thanh Phương

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/thi-truong-cong-nghe-tai-chinh-trong-giai-doan-dai-dich-covid-19.html