Thị trường chứng khoán: VN-Index lao dốc, nhà đầu tư lao vào 'bắt đáy'

Thị trường đóng cửa, VN-Index mất 50,84 điểm và xuống 1.296,3 điểm. Bên cạnh đó, HNX-Index cũng giảm 13,75 điểm, xuống mức 292,98 điểm và UpCoM-Index giảm 3,19 điểm, về mức 83,89 điểm.

(Ảnh minh họa/Nguồn: TTXVN)

(Ảnh minh họa/Nguồn: TTXVN)

Ngày 12/7, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng khoán thêm một phiên giao dịch “lao dốc” kể từ đầu tháng Bảy. Áp lực bán diễn ra trên diện rộng và bất chấp diễn biến phục hồi tại các thị trường chứng khoán khu vực. Đáng chú ý, thanh khoản thị trường đã lập đạt kỷ lục vượt 37.000 tỷ đồng trên ba sàn.

Đóng cửa, VN-Index mất 50,84 điểm (-3,77%) và xuống 1.296,3 điểm, trong đó chỉ số VN30 giảm 51,33 điểm (-3,43%) và về mức 1.443,1 điểm. Bên cạnh đó, HNX-Index cũng giảm 13,75 điểm (-4,48%), xuống mức 292,98 điểm và UpCoM-Index giảm 3,19 điểm (3,67%) và về mức 83,89 điểm.

Trên toàn thị trường có 131 mã tăng giá (trong đó 19 mã tăng trần) và 759 mã giảm giá (trong đó 162 mã giảm sàn), bên cạnh đó có 737 giữ giá tham chiếu.

Trái chiều với thị trường của khu vực

Theo báo cáo phân tích từ Công ty chứng khoán MB (MBS), các nhà đầu tư tiếp tục theo dõi tình hình COVID-19 cùng với các thông tin cơ bản như Ngân hàng trung ương Trung Quốc giảm 50 điểm cơ bản về tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng trong nước, có hiệu lực từ tháng Bảy. Tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo nằm trong tình trạng khẩn cấp mới từ ngày 12/8; tại Seoul (Hàn Quốc), các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn trong khi Indonesia và Malaysia tiếp tục “chật vật” trong ứng phó dịch bệnh COVID-19...

Tuy nhiên trong phiên hôm nay, thị trường Nhật Bản đã tăng mạnh nhất khu vực châu Á với chỉ số Nikkei 225 tăng 2,25%. Cùng với đó, thị trường Hàn Quốc với chỉ số Kospi tăng 0,89% và chỉ số NZX 50 của New Zealand với mức tăng 0,58%. Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Component lần lượt tăng 0,67% và 2,14%, chỉ số Hang Seng của Hongkong tăng 0,65%.

Trái với diễn biến chung trong khu vực, thị trường chứng khoán Việt Nam có một phiên “đỏ lửa.” Trên sàn HoSE, lực cung hoàn toàn áp đảo với 36 mã tăng/374 mã giảm. Cùng với đó, rổ cổ phiếu tính VN30 có 4 mã tăng, 26 mã giảm. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và vốn hóa thấp lần lượt giảm 3,52% và 4,35%.

Trong phiên, các cổ phiếu lớn tác động tiêu cực đến chỉ số của thị trường, phải kể đến mã VIC (-4,24%), VHM (-4,00%), VPB (-6,98%), BID (-6,46%), TCB (-5,48%)… và lấn át nỗ lực tăng giá ở các cổ phiếu khác, MSN (+2,57%), NVL (+1,55%), VJC (+0,93%), SJS (+5,63%), PVD (+2,70%)…

Diễn biến các nhóm ngành cổ phiếu, phiên ngày 12/7:

Ông Hoàng Sơn, Trưởng phòng Nghiên cứu khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán MB (MBS) cho hay thanh khoản thị trường được đẩy lên mức kỷ lục, cho thấy dòng tiền đã tham gia "bắt đáy" khi thị trường giảm sâu. Trong kịch bản tích cực, khả năng đà giảm của thị trường sẽ chững lại và hình thành vùng cân bằng mới.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư ngoại tiếp tục mua ròng trên cả 3 sàn trong phiên với tổng giá trị gần 1.425 tỷ đồng. Và, lực mua tập trung vào các mã cổ phiếu STB (334 tỷ đồng), SSI (203 tỷ đồng), HPG (180 tỷ đồng),…

Chỉ số VNIndex mất 155 điểm kể từ đỉnh

Ông Sơn cho biết, sau khi giảm hơn 73 điểm ở tuần trước, thị trường giảm thêm gần 75 điểm trong phiên hôm nay trước khi có lực cầu "bắt đáy" vào ở cuối phiên chiều. Có thời điểm, chỉ số VNIndex đã mất 155 điểm kể từ đỉnh, tương đương mức điều chỉnh giảm gần 11%.

“Điều này phần nào đã kích hoạt lực cầu bắt đáy ở những phút cuối cùng của phiên. Theo đó, thanh khoản thị trường lên mức kỷ lục mới, đặc biệt là một số cổ phiếu trong rổ VN30. Về kỹ thuật, VN-Index đang có vùng hỗ trợ ở 1.257-1.267 điểm. Tuy nhiên, nhà đầu tư cá nhân vẫn chưa vội bắt đáy, điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá,” ông Sơn trao đổi.

Đồng tình với đánh giá trên, ông Phạm Thắng, Chuyên viên tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán FPT cho rằng thị trường bước vào tuần mới với đà “bắt đáy” từ cuối tuần trước khi VN-Index được chặn lại khoảng 1.335 điểm, tương đương với đáy thấp nhất ngày 7/7.

Theo tính toán kỹ thuật, nhà đầu tư “đặt cược” cho khả năng thị trường kết thúc điều chỉnh khi VN-Index tạo mô hình “hai đáy.” Tuy nhiên, thị trường hôm nay đã gây bất ngờ lớn khi bên bán hoàn toàn không quan tâm tới diễn biến phục hồi mạnh trên khắp các thị trường khu vực. Cụ thể, VN-Index lình xình giảm nhẹ được chừng 20 phút đầu tiên của phiên và sau đó một “cơn bão” bán tháo bùng nổ đồng thời kéo dài đến gần cuối đợt giao dịch buổi chiều.

“Đáng chú ý, thời điểm khoảng 10 phút cuối trước giờ đóng cửa, thị trường đã có một nhịp hồi khi lực cầu rất lớn xuất hiện. Điều này cho thấy, thị trường đã về vùng giá hấp dẫn và dòng tiền 'bắt đáy' đã tham gia vào thị trường,” ông Thắng chia sẻ.

Nhà đầu tư nước ngoài giao dịch, phiên ngày 12/7:

Phân tích kỹ hơn, ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích, Công ty chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) chỉ ra thị trường giảm mạnh trong phiên đầu tuần với việc chỉ số VN-Index mất 3,77% giá trị vốn hóa. Áp lực bán xuất hiện ngay từ đầu phiên và mạnh lên sau đó đã nhấn chìm thị trường trong sắc đỏ, rất may là lực cầu “bắt đáy” từ khoảng 14 giờ trở đi xuất hiện giúp thu hẹp mức giảm của chỉ số.

Như vậy, sau một thời gian tăng rất mạnh, sóng tăng 5 của VN-Index đã bứt phá được 420 điểm (từ khoảng 1.000 điểm vào cuối tháng 1/2021 lên 1.420 điểm vào đầu tháng 7/2021). Và, khoảng cách 420 điểm cũng là mức tăng của sóng 3 trước đó (VN-Index từ 780 điểm vào cuối tháng 7/2020 lên 1.200 điểm vào giữa tháng 1/2021).

“Theo lý thuyết sóng Elliott, sóng tăng 3 luôn là sóng tăng mạnh nhất và độ dài của này sẽ là giới hạn cuối cùng của sóng tăng 5. Nên việc thị trường bước vào sóng điều chỉnh là điều khá dễ hiểu.Với phiên giảm mạnh như hôm nay, các cổ phiếu đã được chiết khấu khá nhiều. Tuy nhiên theo lý thuyết Elliott, thị trường vẫn có khả năng tiếp tục giảm với hỗ trợ trong đợt này lần lượt là 1.260 điểm và 1.210 điểm,” ông Thắng cho hay.

Theo ông Thắng, các nhà đầu tư đã “bắt đáy” thăm dò một phần tỷ trọng trong phiên hôm nay quanh hỗ trợ tâm lý 1.300 điểm nên tiếp tục theo dõi diễn biến trong các phiên tiếp theo và có thể giải ngân thêm nếu thị trường điều chỉnh về 2 ngưỡng hỗ trợ nêu trên./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/hon-37000-ty-dong-do-vao-bat-day-trong-boi-canh-vnindex-lao-doc/726195.vnp