Thị trường chứng khoán Việt Nam: Vẫn là điểm đến hấp dẫn

Những ngày đầu tháng 10/2018, các nhà đầu tư đã đổ dồn sự tập trung vào lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ các kỳ hạn, đặc biệt là kỳ hạn 10 năm, khi lo ngại việc gia tăng lợi suất có thể ảnh hưởng tới thị trường tài chính trên thế giới.

Lơi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm - thước đo chuẩn cho lãi suất của các khoản thế chấp và công cụ tài chính khác đã bắt đầu nhảy vọt từ tháng 4/2018.

Phát biểu trong một cuộc thảo luận ở Washington vào thứ 4 (3/10/2018), ông Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, nền kinh tế Mỹ vẫn còn cách khá xa với mức lãi suất trung lập (neutral). Đây là mức lãi suất không thúc đẩy, cũng không kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng ảnh hưởng tới thị trường tài chính thế giới

Fed đã nâng lãi suất 3 lần trong năm 2018 và dự kiến sẽ tiếp tục nâng thêm một lần nữa trong cuộc họp tháng 12/2018, khi các nhà hoạch định chính sách muốn bình thường hóa chính sách tiền tệ sau chuỗi thời gian nới lỏng từ khủng hoảng tài chính năm 2008 và dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đáp ứng mục tiêu kỳ vọng.

Nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 230.000 việc làm trong tháng 9/2018, cao hơn nhiều so với con số 163.000 hồi tháng 8/2018, góp phần thể hiện sức mạnh của nền kinh tế có thể hứng chịu thêm nhiều đợt nâng lãi suất.

Mặc dù những nhận định của ông Powell không quá khác so với những lời ông đã nói tại buổi họp báo sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở liên bang Mỹ trong tháng trước và lợi suất trái phiếu cũng đang trong xu hướng gia tăng (được thúc đẩy bởi dữ liệu kinh tế lạc quan), nhưng các chuyên viên phân tích cho rằng, những nhận định của Chủ tịch Fed đã góp phần củng cố quan điểm là lãi suất có thể tăng nhanh hơn kỳ vọng của thị trường.

Trong thời gian gần đây, các nhà đầu tư đã bán ra trái phiếu Chính phủ Mỹ trong bối cảnh kỳ vọng lạm phát ngày càng gia tăng. Điều này có thể khuyến khích Fed thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh chóng hơn. Nếu lãi suất tiếp tục tăng và tăng trưởng kinh tế suy giảm trước ảnh hưởng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thì nhiều khả năng, tình hình tài chính của các công ty sẽ “xấu” đi nhiều.

Tại thời điểm này, tác động tới thị trường chứng khoán (TTCK) còn khá hạn chế. TTCK Mỹ chỉ giảm nhẹ, chỉ số S&P 500 (chỉ số cổ phiếu 500 của Standard & Poor) chỉ điều chỉnh so với mức kỷ lục xác lập hồi ngày 20/9/2018, nhưng đã có các dấu hiệu cho thấy lo ngại về lãi suất tác động tới thị trường. Theo thống kê của Goldman Sachs Group, nhóm các công ty với bảng cân đối kế toán tốt hơn đang tăng 12% so với thời điểm tháng 12/2017 trong khi các nhóm công ty với bảng cân đối kế toán có đòn bẩy cao hơn chỉ tăng 6%.

Đối với TTCK mới nổi, bao gồm cả thị trường chứng khoán Việt Nam, việc lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức kỷ lục có thể dẫn đến dòng vốn đầu tư ngoại quay trở lại rút ròng và gây ảnh hưởng mạnh tới tỉ giá. Các đồng tiền của các quốc gia thuộc khu vực mới nổi như rupiah, peso... đều giảm về mức thấp kỷ lục so với đồng USD trong vài năm trở lại đây.

Tuy nhiên Việt Nam có nhiều yếu tố để ít chịu ảnh hưởng so với các quốc gia khác như tăng trưởng kinh tế duy trì ổn định, cán cân vãng lai dương, tỉ giá ổn định và lạm phát được kiềm chế... Do đó TTCK Việt Nam trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho dòng tiền trong và ngoài nước.

Minh Châu

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/thi-truong-chung-khoan-viet-nam-van-la-diem-den-hap-dan-517477.html