Thị trường chứng khoán Việt Nam tháng 8/2018: Đừng quá lạc quan!

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực từ nửa cuối tháng 7 đến nay, với chỉ số VN-Index tăng hơn 9% kể từ mức thấp nhất ở quanh 885 điểm hồi nửa đầu tháng 7. Dù vậy, sự lạc quan quá mức trong thời điểm còn nhiều rủi ro như hiện nay là không thật sự phù hợp.

Theo số liệu từ Bloomberg, hệ số P/E của VN-Index hiện chỉ còn khoảng 17 lần, giảm mạnh so với mức hơn 23 lần hồi quý I, và hiện nay cũng chỉ tương đương với giai đoạn cùng kỳ năm trước, dù chỉ số VN-Index đã tăng khoảng 20%. Việc P/E thị trường chứng khoán Việt Nam không có nhiều biến động so với cách nay một năm đến từ sự tăng trưởng lợi nhuận tích cực của các doanh nghiệp niêm yết.

Với P/E hấp dẫn như thế, VN-Index đang là một trong những chỉ số chứng khoán được định giá thấp nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ xếp sau chỉ số STI của Singapore với P/E 11,74, trong khi các chỉ số chứng khoán PSE của Philippines, JCI của Indonesia đều có P/E hơn 20 lần.

Thống kê cũng cho thấy Việt Nam đồng thời là thị trường thu hút dòng vốn ngoại khá tốt với giá trị mua ròng từ đầu năm tới nay đạt gần 32.000 tỷ đồng, tương đương 1,4 tỷ USD, trong khi đó hầu hết các thị trường khác ở Đông Nam Á đều bị khối ngoại bán ròng.

Dù vậy, nhà đầu tư có lẽ đừng lạc quan quá mức trong tình hình hiện nay, khi mà kênh đầu tư chứng khoán vốn đang chịu nhiều yếu tố tác động khá tiêu cực.

Thứ nhất, mặt bằng lãi suất đang chịu nhiều áp lực, từ lạm phát tăng trở lại, thanh khoản của các ngân hàng suy giảm do tiền gửi Kho bạc Nhà nước bị rút ra, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút mạnh tiền đồng thông qua kênh bơm ngoại tệ. Ngày 10/8, các tổ chức tín dụng phải cam kết giữ ổn định lãi suất trong một buổi họp với NHNN, cho thấy yếu tố này đang ít nhiều đối mặt với thách thức khá lớn.

Lãi suất ngân hàng tăng chưa bao giờ tốt cho thị trường chứng khoán, khi mà không chỉ làm hạn chế dòng vốn rót vào kênh đầu tư rủi ro này, mà còn đẩy chi phí tài chính của các doanh nghiệp lên cao hơn, từ đó tác động tiêu cực đến kết quả lợi nhuận, khiến các hệ số sinh lời của doanh nghiệp và định giá cổ phiếu của công ty suy giảm. Với chi phí vay vốn cao hơn cũng sẽ khiến doanh nghiệp hạn chế mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất, do đó tiềm năng phát triển cũng sẽ giảm.

Bên cạnh lãi suất, rủi ro tỷ giá tăng trở lại trong những ngày gần đây cũng gây áp lực lên thị trường chứng khoán. Cụ thể, sau khi có dấu hiệu hạ nhiệt thì tỷ giá USD/VND đã tăng trở lại vào cuối tuần qua theo diễn biến tăng mạnh của đồng USD trên thị trường quốc tế.

Chỉ số USD Index hôm thứ Sáu đã bứt phá mạnh ngưỡng kháng cự cứng 95 điểm, thậm chí đã vượt luôn mốc 96 - mức cao nhất trong vòng 14 tháng qua, cho thấy xu hướng tăng có thể sẽ tiếp tục mạnh hơn sau khi phá vỡ biên độ dao động hẹp 93 - 95 điểm trong suốt thời gian gần đây.

Điều cần lưu ý là đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ rớt mạnh trong thời gian qua đang có dấu hiệu lây lan sang đồng nội tệ của các thị trường mới nổi và cận biên khác, mà đồng rand của Nam Phi dường như là nạn nhân mới nhất.

Tỷ giá tăng sẽ ảnh hưởng đáng kể lên dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như tác động đến tâm lý không chỉ trên thị trường chứng khoán, mà còn trên thị trường ngoại hối, khi mà các nhà đầu tư lo ngại dòng vốn này sẽ được chuyển sang ngoại tệ để rút ra và từ đó gây áp lực lên tỷ giá là tất yếu.

Thống kê về mặt số liệu cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong gần 8 tháng qua, tuy nhiên nếu loại trừ một số ít thương vụ đặc biệt khủng tại một vài mã cổ phiếu mới được niêm yết, thì giá trị bán ròng của khối ngoại từ đầu năm đến nay là khá lớn.

Riêng từ đầu tháng 8 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng 1.450 tỷ đồng trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM, theo sau mức bán ròng gần 2.700 tỷ đồng trong tháng 7 - tháng bán ròng lớn nhất tính từ đầu năm. Ở góc độ nội tại của thị trường, mô hình kỹ thuật của các chỉ số cũng khá xấu với đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, là một dấu hiệu cho thấy thị trường vẫn đang trong xu hướng giảm nhiều hơn.

Và với cuộc chiến thương mại vẫn tiếp tục leo thang khi Mỹ có khả năng đánh thuế bổ sung lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, thì thị trường tiền tệ quốc tế sẽ còn tiếp tục biến động mạnh.

Đặt biệt, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khả năng còn 2 lần tăng lãi suất trong năm nay thì sẽ còn hỗ trợ đồng USD tiếp tục tăng giá từ nay đến cuối năm, và dĩ nhiên sẽ gây áp lực lên tỷ giá cũng như buộc các nền kinh tế khác thắt chặt chính sách tiền tệ tương tự. Nếu NHNN giữ nguyên quyết định chấm dứt cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu theo đúng hạn vào cuối năm nay thì áp lực cầu ngoại tệ có thể tăng mạnh cũng là yếu tố cần đặc biệt chú ý.

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/tai-chinh-chung-khoan/thi-truong-chung-khoan-viet-nam-thang-8-2018-dung-qua-lac-quan-1087254.html