Thị trường chứng khoán trong tay 10 công ty dẫn đầu

Các công ty chứng khoán đang phân hóa mạnh và lợi thế đang tập trung vào những công ty lớn.

Trong gần 10 năm qua, xu hướng cạnh tranh trong ngành chứng khoán diễn ra rất khốc liệt. Yếu tố cạnh tranh lớn nhất diễn ra trong lĩnh vực môi giới, nơi mà công cụ cạnh tranh chính vẫn là phí giao dịch.

Phân hóa top đầu

Nếu như tổng thị phần của 10 công ty chứng khoán đầu ngành hiện nay chỉ vào khoảng 40% trong năm 2010, thì đến cuối quý III/2018, con số này đã đạt gần 70%. Điều này cho thấy thị phần đang tập trung dần về tay các công ty có quy mô lớn và tính chuyên nghiệp cao hơn. Bên cạnh đó, đối với nhóm khách hàng tổ chức, có thể kể đến các khách hàng là doanh nghiệp lớn lên sàn trong những năm gần đây như Petrolimex, VietJet Air, Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Power, PV Oil... Họ cũng chọn mặt gửi vàng vào những công ty chứng khoán có đội ngũ nhân sự nhiều kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao cũng như thương hiệu mạnh như SSI hay Bản Việt.
Tuy nhiên, những công ty chứng khoán nhỏ vẫn có thể duy trì hoạt động bằng cách tập trung vào nhóm khách hàng ngách. Ở đó, có loại hình công ty chứng khoán có thể cung cấp nền tảng giao dịch tạm ổn, chi phí rẻ mà lại không phải trả thêm chi phí cho hoạt động tư vấn.

Ngoài ra, nhóm công ty chứng khoán là “con” của các định chế tài chính lớn hơn như ngân hàng hay bảo hiểm cũng có lợi thế về nguồn vốn rẻ từ công ty mẹ, nên cũng có xu hướng đi theo mô hình chi phí thấp để thu hút khách hàng. Có thể kể đến như VCBS, MBS, ABCS, SHS...

Chẳng hạn, với tham vọng dẫn đầu thị phần, VPBS thời gian qua có nhiều động thái cạnh tranh quyết liệt bao gồm cả chính sách hoàn trả hoa hồng cho các giao dịch, cũng như miễn phí giao dịch phái sinh để thu hút nhà đầu tư.

Phân hóa mạnh

Nhìn toàn diện, ngành chứng khoán về trung dài hạn đã phân hóa rõ thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất bao gồm những công ty có quy mô lớn, chất lượng dịch vụ khác biệt và vượt trội đi kèm cũng là biểu phí giao dịch chạy theo khung bậc thang dao động từ 0,15-0,35%, trường hợp 0,15% chỉ dành cho khách hàng lớn và phí vay margin quanh mức 12-14%/năm.

VNDirect trong năm vừa qua cũng đã bắt đầu chuyển khung phí về đồng quy với SSI hay HSC. Đi kèm với mức phí cao là chất lượng tư vấn cũng trở nên vượt trội hơn, gia tăng chất lượng dịch vụ thông qua báo cáo phân tích chuyên sâu và mang tính định hướng cho nhà đầu tư nhiều hơn.

Đối với nhóm này, áp lực cạnh tranh có nhưng không quá lớn như nhóm thứ 2, nơi mà sự khác biệt hóa về chất lượng dịch vụ khó được phát huy tối đa và cạnh tranh đơn thuần chỉ còn những cuộc chiến về giá.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, có thể thấy được bức tranh về hiệu quả kinh doanh mảng môi giới trải dài từ các công ty chứng khoán đầu ngành tới những công ty quy mô nhỏ dần từ trái sang phải trong biểu đồ chỉ tiêu biên lợi nhuận gộp của mảng môi giới.

Nếu so sánh với nhóm 5 công ty chứng khoán đầu ngành, có thể thấy được sự cân đối trong thu nhập từ mảng môi giới và mảng cho vay margin. Trong khi đó, ở các nhóm có quy mô nhỏ hơn, hầu như thu nhập chỉ đến từ mảng cho vay margin đối với khách hàng có được từ mảng môi giới. Về tổng thể, phần lớn các công ty chứng khoán nhóm 2 đóng vai đơn thuần là một “ngân hàng thứ cấp” hay nói cách khác là một kênh dẫn vốn trung gian đến người dân với mục đích là “đầu tư chứng khoán”.

Nhìn về tương lai, thị trường chứng khoán Việt Nam đã vào danh sách theo dõi của MSCI để có khả năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong vài năm tới. Đây là một cơ hội vô cùng lớn, bởi theo các ước tính, sẽ có ít nhất khoảng 4-6 tỉ USD chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Đó là chưa kể không ít quỹ đầu tư theo loại hình khác như quỹ tương hỗ, quỹ phòng hộ, quỹ hưu trí... cũng sẽ sẵn sàng cân nhắc lựa chọn thị trường chứng khoán là một phần trong danh mục của mình. Thực tế, chỉ có khoảng 2 triệu tài khoản chứng khoán trên tổng số gần 100 triệu người Việt Nam, cho thấy dư địa mở rộng quy mô thị trường vẫn còn rất lớn.

Miếng bánh ngày càng to dần là điều dễ thấy, nhưng không phải ai cũng được hưởng lợi như nhau nếu không định vị một lợi thế cạnh tranh rõ ràng. Đó có thể là mô hình cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính từ môi giới tư vấn, ngân hàng đầu tư, tư vấn tài chính và quỹ đầu tư cùng bổ trợ nhau như SSI. Hoặc nếu quy mô ở mức trung bình và năng lực phát triển các mối quan hệ với chính phủ không đủ lớn, mô hình trọng tâm vào việc phát triển các dịch vụ chuyên cho mảng môi giới cá nhân lại là một ưu thế như VNDirect hay HSC.

Các bước tiến về công nghệ như ứng dụng các loại robot chăm sóc và tư vấn khách hàng tự động, có thể sẽ khó tạo ra mối quan hệ gắn kết như mô hình nhân sự môi giới, nhưng hứa hẹn sẽ giúp tiết giảm chi phí tối đa để mô hình discounter trở thành hiện thực đối với nhóm khách hàng chỉ quan tâm tới phí giao dịch.

Những công ty chứng khoán chỉ biết theo đuổi lợi nhuận nhưng không vạch ra rõ định hướng cho tương lai xa chắc chắn sẽ bị đào thải.

Huỳnh Minh Tuấn

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/chung-khoan/thi-truong-chung-khoan-trong-tay-10-cong-ty-dan-dau-3327299/