Thị trường chứng khoán tìm điểm cân bằng: cơ hội mua cổ phiếu

Tâm lý nhà đầu tư đã quen dần với các biến động liên quan đến yếu tố bên ngoài như câu chuyện chiến tranh thương mại Mỹ- Trung hiện nay. Thị trường đang tìm lại điểm cân bằng, điều chỉnh là cơ hội để mua cổ phiếu.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong tuần qua và phục hồi nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ sáu (24/5) sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết rằng cuộc chiến thương mại đang diễn ra có thể kết thúc nhanh chóng. Nhóm cổ phiếu sản xuất chip tiếp tục chịu sức ép khi Mỹ gia tăng áp lực lên ông lớn viễn thông Huawei của Trung Quốc.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ sáu (24/5), chỉ số Dow Jones tăng 95,22 điểm (+0,37%), đóng cửa ở mốc 25.585,69 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 3,82 điểm (+0,14%) và đóng cửa ở mốc 2.826,06 điểm, chỉ số Nasdaq Composite giảm 6,97 điểm (-0,10%) và đóng cửa ở mốc 7.300,96 điểm.

Tính chung tuần qua, chỉ số Dow Jones giảm 0,7%, chỉ số S&P 500 giảm 1,2%, chỉ số Nasdaq Composite giảm 2,3%.

Giá dầu WTI sụt giảm trong phiên giao dịch ngày thứ sáu và đóng cửa ở mốc 58,63 USD/ thùng, tính chung tuần qua, giá dầu giảm 6,8%. Nguồn cung vẫn đang tiếp tục bị thắt chặt khi: (i) Iran đang xuất khẩu dầu ít hơn đáng kể do các lệnh trừng phạt của Mỹ, (iii) các chuyến vận chuyển dầu từ Nga vẫn đang bị gián đoạn vì vấn đề chất lượng, và (iii) Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang tiếp tục kiểm soát nguồn cung.

Chờ đợi cơ hội mua cổ phiếu

 Đồ thị chỉ số VN-Index nguồn Tradingview

Đồ thị chỉ số VN-Index nguồn Tradingview

Thị trường chung tuần qua xuất hiện áp lực chốt lời trong ngắn hạn với tình trạng phân hóa tiếp tục diễn ra. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục chi phối đến biến động của chỉ số VN-Index, nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, dầu khí bị chốt lời trong khi nhóm cổ phiếu thủy sản, may mặc tăng trưởng tích cực.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn giảm điểm và kéo chỉ số VN-Index giảm trong tuần qua là: VNM, BVH, MSN và nhóm cổ phiếu họ Vincom như VIC, VHM, VRE. Tình trạng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục đóng vai trò chi phối chỉ số VN-Index có thể tiếp tục diễn ra trong tuần tới nếu nhóm này duy trì tình trạng phân hóa.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, dầu khí đồng loạt bị chốt lời trong ngắn hạn sau nhịp tăng trước đó, bình quân các nhóm này đã tăng từ 5%-10% trong T+ và nhà đầu tư sẵn sàng bán khi cổ phiếu về tài khoản. Điều này cho thấy tâm lý đầu cơ vẫn còn tồn tại và sự không chắc chắn về nhịp phục hồi của chỉ số VN-Index trước những diễn biến khó lường của sự kiện chiến tranh thương mại Mỹ- Trung Quốc tiếp tục bao trùm thị trường.

Dòng tiền sau khi chốt lời ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, dầu khí có dấu hiệu tập trung vào nhóm thủy sản, may mặc. Các cổ phiếu thuộc 2 nhóm này tăng trưởng tốt trong thời điểm hiện tại là: VHC, ANV, TNG, MSH, CMX.

Tuần qua, khối ngoại mua ròng 5,9 nghìn tỷ đồng trên sàn HSX và mua ròng 125 tỷ đồng trên sàn HNX. Các mã cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất là: VIC(mua ròng thỏa thuận 5,7 tỷ đồng), PDR (mua ròng 87,47 tỷ đồng), HVN (mua ròng 49,87 tỷ đồng), SSI (mua ròng 48,34 tỷ đồng), FUESSV50 (mua ròng 46,21 tỷ đồng). Ở chiều bán, khối ngoại bán ròng các mã VNM (bán ròng 196 tỷ đồng), HPG (bán ròng 123,30 tỷ đồng), PVD (bán ròng 105,77 tỷ đồng), VHM (bán ròng 77,37 tỷ đồng), HBC (bán ròng 54,50 tỷ đồng).

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ sáu (24/5), chỉ số VN-Index đóng cửa tại mốc 970,03 điểm, giảm 12,68 điểm (-1,29%), giá trị giao dịch đạt 4 nghìn tỷ đồng với 110 mã tăng giá, 52 mã tham chiếu và 185 mã giảm giá. Chỉ số HNX-Index đóng cửa tại mốc 105,39 điểm, giảm 0,91 điểm (-0,86%) giá trị giao dịch đạt 426,52 tỷ đồng với 56 mã tăng, 52 mã tham chiếu, 98 mã giảm. Chỉ số Upcom-Index đóng cửa tại mốc 55,27 điểm, giảm 0,12 điểm (-0,22%) với 96 mã tăng, 61 mã tham chiếu và 92 mã giảm điểm, giá trị giao dịch đạt 807,06 tỷ đồng.

Trên phương diện phân tích kỹ thuật, chỉ số VN-Index đóng cửa với cây nến inverted hammer với bóng nến trên dài cho thấy áp lực bán khi chỉ số VN-Index tiến sát ngưỡng kháng cự. Chỉ số VN-Index đóng cửa mức thấp nhất tuần xóa đi những nỗ lực tăng điểm trước đó, tuy nhiên điểm tích cực là chỉ số VN-Index đã hình thành đỉnh sau cao hơn đỉnh trước và đáy sau cao hơn đáy trước.

Trong các phiên giao dịch tiếp theo, kịch bản bi quan là chỉ số VN-Index có thể kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ SMA (200) quanh 957 điểm hoặc giảm sâu về lower bollinger band quanh 946 điểm. Tuy nhiên, thị trường không quá tiêu cực và tâm lý nhà đầu tư đã quen dần với các biến động liên quan đến yếu tố bên ngoài như câu chuyện chiến tranh thương mại Mỹ- Trung hiện nay. Thị trường đang tìm lại điểm cân bằng, điều chỉnh là cơ hội để mua cổ phiếu.

Chứng khoán phái sinh

Bảng giá chứng khoán phái sinh

Ở thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Hợp đồng đáo hạn tháng 6/2019 (VN30F1906) đóng cửa ở mốc 901 điểm, hợp đồng tháng 7/2019 (VN30F1907) đóng cửa ở mốc 900 điểm, hợp đồng tháng 9/2019 (VN30F1909) đóng cửa ở mốc 901 điểm, hợp đồng tháng 12/2019 (VN30F1912) đóng cửa ở mốc 901,3 điểm.

Các hợp đồng phái sinh bị bán mạnh trong phiên cuối tuần với áp lực bán xuất phát từ các cổ phiếu trong nhóm VN39-Index. Hiện tại, các chỉ số phái sinh vẫn duy trì cao hơn chỉ số VN30-Index cơ sở, nhà đầu tư có thể mở vị thế bán (go short) các hợp đồng phái sinh ngắn hạn để phòng hộ cho danh mục cổ phiếu cơ sở.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/thi-truong-chung-khoan-tim-diem-can-bang-co-hoi-mua-co-phieu-163906.html