Thị trường chứng khoán phục hồi sau lời đe dọa của ông Trump

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc, thị trường chứng khoán quốc tế chấn động. Nhưng sự hỗn loạn không kéo dài.

Theo CNBC, mở đầu phiên giao dịch ngày 6/5, chỉ số Down Jones sụt giảm tới hơn 470 điểm, tương đương hơn 1%. S&P 500 sụt 1,2% trong khi Nasdaq lao dốc tới 2,2%.

Tuy nhiên, đến cuối ngày (sáng 7/5 giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi. Kết phiên giao dịch, chỉ số Down Jones chỉ sụt nhẹ 0,26%, S&P 500 hạ 0,4% còn Nasdaq mất 0,5%.

Thị trường chấn động khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng 2 dòng tweet, đe dọa sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với khối lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.

Cơn bão chóng tan

Ông Trump cũng cho biết sẽ áp mức thuế 25% với nhóm hàng hóa Trung Quốc khác trị giá 325 tỷ USD. Phản ứng lại, phía Trung Quốc tuyên bố sẽ hủy bỏ vòng đàm phán thương mại dự kiến diễn ra vào ngày 8/5 tại Washington (Mỹ).

Tuy nhiên cơn bão nhanh chóng tan đi sau khi truyền thông Trung Quốc đưa tin phái đoàn thương mại nước này vẫn sẽ đến Mỹ. Và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ có mặt ở Washington để tham gia cuộc đàm phán.

Thị trường chứng khoán Mỹ nhanh chóng phục hồi. Ảnh: Getty Images.

Thị trường chứng khoán Mỹ nhanh chóng phục hồi. Ảnh: Getty Images.

Theo các nguồn tin mới cho hay, mặc những lời tuyên bố “gây chiến” của TT Donald Trump, triển vọng nối lại bàn đàm phán vẫn khiến cho thị trường có dấu hiệu hồi phục.

"Phản ứng của thị trường là điều dễ hiểu", CNBC dẫn lời ông Patrick Palfrey, chiến lược gia cao cấp của ngân hàng Credit Suisse. "Thị trường muốn hiểu các bên (Mỹ và Trung Quốc) đang chọn vị trí nào. Phải chăng đây là một bước lùi trong đàm phán thương mại? Không".

Chuyên gia Palfrey cho rằng tất cả chỉ là cú đòn thăm dò. "Đơn giản là ông Trump muốn đảm bảo với cử tri Mỹ rằng ông sẽ đạt được thỏa thuận tốt nhất. Tỏ thái độ cứng rắn trước thềm cuộc đàm phán chỉ là một chiêu nắn gân", ông nhận định.

Các nhà phân tích khác cũng nhận định cả Bắc Kinh và Washington đều muốn đạt thỏa thuận thương mại. Nền kinh tế Trung Quốc mới bắt đầu ổn định trở lại sau chiến dịch kích thích tài chính và tiền tệ.

Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ cũng cho thấy dấu hiệu cải thiện và thông tin tích cực về thị trường lao động trong tháng 4 cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới không tiến gần tới ngưỡng suy thoái như nhiều nhà đầu tư lo ngại.

Cơ hội đạt được thỏa thuận

"Chiến lược đàm phán của Tổng thống Trump là trái ngược với các quy tắc thông thường, nhưng khả năng hai bên đạt được thỏa thuận vẫn cao hơn là thất bại", chuyên gia Tobias Levkovich của Citigroup khẳng định.

Ông nhận định việc giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ tăng cao thời gian qua chính là con bài để ông Trump sử dụng. Nếu thị trường thực sự suy sụp sau lời đe dọa tăng thuế, có lẽ ông Trump sẽ "giảm tông" các tuyên bố của mình.

Ông Trump tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc, nhưng đây có thể chỉ là đòn nắn gân trước cuộc đàm phán thương mại. Ảnh: NBC.

Các nhà kinh tế của Barclays cho rằng hiện tại, quả bóng đang nằm ở phần sân của Trung Quốc. "Cả thế giới sẽ theo dõi phản ứng của Trung Quốc", nhóm chuyên gia Barclays viết trong báo cáo.

Họ dự báo nếu ông Lưu Hạc bất ngờ không có mặt ở Washington, khả năng chính quyền Tổng thống Trump áp mức thuế 25% lên hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng cao.

Dù vậy, cũng có thể Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ trực tiếp gọi điện cho ông Trump, qua đó ngăn chặn được việc hàng hóa Trung Quốc hứng chịu mức thuế cao.

Chiến lược gia John Stoltzfus của Oppenheimer Asset Management nhận định chính quyền cả hai nước đều nhận thức rõ nguy cơ của một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài. Do đó, nhiều khả năng hai bên sẽ nỗ lực đạt được một thỏa thuận.

"Cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 và kế hoạch phát triển công nghiệp Made in China 2025 là tối quan trọng với chính quyền hai nước", ông nhấn mạnh.

Nguyễn Bình

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thi-truong-chung-khoan-phuc-hoi-sau-loi-de-doa-cua-ong-trump-post943471.html