Thị trường chứng khoán khi nào tăng lại?

Cơ quan quản lý, công ty chứng khoán và nhà đầu tư đang tìm mọi cách để thị trường chứng khoán sớm vực dậy đà tăng lại.

Nhà đầu tư giao dịch trực tuyến tại một công ty chứng khoán Hà Nội. Ảnh: Trần Quỳnh

Nhà đầu tư giao dịch trực tuyến tại một công ty chứng khoán Hà Nội. Ảnh: Trần Quỳnh

Nhiều cổ phiếu lao dốc rồi lên đỉnh dù không có tin tốt

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được đánh giá tăng nhanh nhất so với toàn cầu trong năm 2021. Nhưng từ phiên 5/4 đến nay chỉ số chứng khoán Việt Nam lại giảm nhanh nhất so với các chỉ số chính toàn cầu. Chỉ trong 42 ngày từ phiên 4/4 đến phiên 16/5, chỉ số VN-Index giảm 23,14%, chỉ số HNX-Index giảm 32,7%. Hàng loạt cổ phiếu trên 3 sàn giao dịch giảm giá từ 20 - 40% trong thời gian ngắn. Có những cổ phiếu trong nhóm VN30 nổi như cồn trong năm 2021 như SSI giảm đến 39,34%.

Chỉ số chứng khoán không chỉ giảm theo phiên, mà thường xuyên đảo chiều trong một phiên. Thông thường trường hợp này xẩy ra khi giá ở thế giằng co nên biên độ đảo chiều chỉ hẹp. Nhưng trên biểu đồ bảng giá trực tuyến phiên 24/5 cho thấy biên độ đảo chiều bắt đầu vào 13h đến hết phiên có độ doãng khoảng 30 điểm. Đó là một hiện tượng hết sức bất thường.

Cho dù cung bậc cảm xúc của nhà đầu tư trên thị trường có thể thay đổi nhưng nhìn chung cho thấy thị trường đang hết sức rủi ro, như đánh cược trò chơi đỏ đen. Một điều cần đặt nghi ngờ là, không ít cổ phiếu phiên hôm nay giá giảm sâu nhưng phiên ngày mai, giá tăng rất cao trong khi không hề xuất hiện thông tin mới tốt hơn. Chẳng hạn, cổ phiếu SSI phiên 23/5 giá nằm sàn (-6,9%) nhưng phiên sau 24/5 giá tăng gần đến trần (6,04%); hoặc cổ phiếu CEO phiên 23/5 giảm sâu (-7,34%) nhưng phiên 24/5 tăng giá kịch trần (9,8%).

Nỗ lực níu, đẩy thị trường

Trước hết đó là thông tin siết lại kỷ cương thị trường của cơ quan quản lý. Các động thái từ Bộ Tài chính và UBCK Nhà nước thời gian gần đây nhằm vực dậy niềm tin của các chủ thể, đang kỳ vọng thẩm thấu theo hướng tích cực hơn.

Tuy nhiên, thực tế các thông tin chủ yếu theo hướng tuyên truyền hơn là hành động. Ngoại trừ có vẻ số trường hợp vi phạm được cơ quan quản lý xử phạt hoặc nhắc nhở nhiều hơn, yêu cầu công ty chứng khoán công khai lại thông tin tự doanh, còn lại hiện tượng thao túng thị trường vẫn phát sinh hoặc ấp ủ. Tâm lý lo sợ và tâm thế sẵn sàng bán tháo của nhà đầu tư vẫn biểu hiện, các đội lái vẫn tiếp tục khống chế thị trường.

Trong khi đó, thông tin được nhắc nhiều trên mặt báo hiện nay là cho rằng định giá chứng khoán nước ta đã khá rẻ, đây là cơ hội mua vào. Thậm chí trên một trang báo sáng 25/5 có tít bài: “ Định giá hiện tại của VN-Index hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á”. Tuy nhiên, thông tin tỷ số P/E thấp chỉ có giá trị vào giai đoạn TTCK ổn định. Còn lúc này đây P/E thấp hay cao có khi ít người quan tâm. Ngạn ngữ có câu: “của rẻ của ôi” cũng là cách ví von không quá cho tình huống này đây.

Cần hoàn thiện cơ chế quản lý và chính sách thị trường

Tình trạng thao túng giá cổ phiếu đã xuất hiện từ lâu và trỗi dậy dễ nhận biết từ cuối năm 2020 đến nay. Rất nhiều cổ phiếu tăng giá liên tục hàng chục phiên, giá tăng tính bằng lần trong khi doanh nghiệp chỉ lợi nhuận èo uột, thậm chí lỗ nặng. Chuyện này báo chí đã có bài phân tích kỹ, nhiều người biết nhưng cơ quan quản lý sao không biết? Phải chăng cơ quan quản lý chỉ tập trung bề nổi như quy mô vốn hóa thị trường, quy mô giá trị giao dịch, tỷ lệ dân số “chơi” chứng khoán, tổng giá trị trái phiếu phát hành huy động vốn, lo nâng hạng thị trường, rồi tập trung lo thành lập Sở giao dịch chứng khoán mẹ không có sàn giao dịch?

TTCK nước ta chịu tác động của tình hình thị trường thế giới như lạm phát và giá dầu thế giới đang tăng mạnh, rồi chiến tranh Nga- Ukraine và Fed sẽ liên tục tăng lãi suất chống lạm phát. Tuy nhiên, tác động tiêu cực này sẽ có độ trễ. Suy giảm của TTCK nước ta trong thời gian qua và hiện tại chủ yếu do bất định của các yếu tố nội tại. Cho nên, mục tiêu ổn định thị trường ngắn hạn là ổn định tâm lý nhà đầu tư thông qua động thái có hiệu quả về bít các kẻ hở, giám sát hoạt động minh bạch, phát hiện kịp thời và xử phạt nghiêm minh.

Thứ nhất, quy định bắt buộc DN niêm yết/đăng ký giao dịch phải có giải trình ngay khi giá cổ phiếu tăng liên tục 3 phiên. Cùng với đó, kiểm tra ngay những cổ phiếu tăng giá kịch trần nhưng khối lượng giao dịch rất nhỏ. Chẳng hạn, chốt phiên 24/5 trên sàn UpCom có 6 cổ phiếu tăng giá kịch trần nhưng trong đó 5 cổ phiếu khối lượng giao dịch chỉ đạt 100 và 1 cổ phiếu có khối lượng là 200; trên sàn HNX có 5 cổ phiếu tăng giá kịch trần nhưng khối lượng giao dịch chỉ đều 100; trên sàn HOSE có 1 cổ phiếu tăng giá kịch trần nhưng khối lượng giao dịch chỉ là 900. Có thể khẳng định 12 cổ phiếu này đều đang bị nhóm cổ đông cô đặc nào đó tổ chức thao túng đẩy giá.

Thứ hai, đặt ra quy định đáp ứng tỷ lệ tối thiểu khối lượng cổ phiếu niêm yết/đăng ký giao dịch được giao dịch trên sàn giao dịch. Thực hiện điều này có thể thanh lọc hàng trăm cổ phiếu trên 3 sàn. Rất nhiều DN có cơ cấu cổ đông cô đặc mục đích lên sàn là chờ cơ hội thao túng đẩy giá cổ phiếu, lừa bán giấy lấy tiền.

Thứ ba, công ty chứng khoán vừa hoạt động tự doanh vừa làm môi giới và tư vấn cho nhà đầu tư rõ ràng xung đột lợi ích, mà phần thiệt hại bao giờ cũng là nhà đầu tư. Để giảm thiểu xung đột đòi hỏi công ty chứng khoán phải công khai minh bạch loại chứng khoán, số lượng, giá đặt lệnh mua/bán, cập nhật thông tin này trong suốt phiên giao dịch chứ không phải công khai cuối phiên giao dịch.

Thứ tư, các bất hợp lý và kẻ hở trong quản lý phát hành trái phiếu riêng lẻ của DN điều chỉnh bởi Nghị định 153/2020/NĐ-CP thực tế đã bị phơi bày. Nhiều chuyên gia, báo chí đã phản biện, thiết nghĩ nói đi đôi với làm, Bộ Tài chính nghiên cứu hoàn thành dự thảo sửa đổi nhanh để trình Chính phủ quyết định ban hành. Một vấn đề hết sức hệ trọng là để phát hành trái phiếu riêng lẻ, DN phát hành phải được định hạng bởi một tổ chức định hạng.

Những biện pháp trên vừa thực hiện mục tiêu ngắn hạn và cả dài hạn để ổn định TTCK. Tuy nhiên, việc TTCK có sớm ổn định để tiếp tục lấy đà tăng lại hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác, trong đó có tác động kép từ bên ngoài. Tác động tâm lý khi TTCK toàn cầu tiếp tục suy giảm và tác động trực tiếp bởi khả năng chống chịu rủi ro của nền kinh tế trước tác động xấu của kinh tế vĩ mô toàn cầu.

Thị trường sẽ tiếp tục đi ngang với các phiên tăng giảm đan xen và chỉ số VN-Index biến động trong vùng 1,200 - 1,275 điểm. Đồng thời, thị trường đang bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn, điểm tích cực là dòng tiền ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng vào nhóm cổ phiếu VN30. Tuy nhiên, dòng tiền ngắn hạn vẫn đang suy yếu và phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn nên chú ý vào xu hướng ở từng nhóm cổ phiếu.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, các nhà đầu tư có thể tiếp tục đứng ngoài và quan sát thị trường. Đồng thời, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể mua mới với tỷ trọng thấp dưới 5% với các cổ phiếu xuất hiện điểm mua và điểm tăng trưởng cao.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam - YSVN

TS Phan Văn Thường (Đại học Quốc tế Hồng Bàng)

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thi-truong-chung-khoan-khi-nao-tang-lai.html