Thị trường chứng khoán đã sẵn sàng cho giao dịch chứng quyền có đảm bảo

Ngày 24/6/2019, tại TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phối hợp cùng với Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) công bố với báo giới về việc 'Triển khai giao dịch Chứng quyền có bảo đảm' vào ngày 28/6 tới tại HOSE.

Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Thành viên HĐQT HOSE lưu ý các nhà đầu tư cần theo dõi kỹ khi mua chứng quyền có bảo đảm

Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Thành viên HĐQT HOSE lưu ý các nhà đầu tư cần theo dõi kỹ khi mua chứng quyền có bảo đảm

Tại buổi họp báo, đại diện UBCKNN đã công bố kết quả phát hành chứng quyền có bảo đảm đợt đầu tiên. Theo đó, tới thời điểm hiện tại, UBCKNN đã cấp phép cho 16 trên 17 bộ hồ sơ đăng ký chào bán của 7 (trong số 8 công ty chứng khoán nộp hồ sơ) với số lượng Chứng quyền đăng ký chào bán là 28,9 triệu chứng quyền, với tổng giá trị chào bán tối đa đạt 104 tỷ đồng.

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBCKNN cho biết: Các tổ chức chào bán đều là các công ty chứng khoán có năng lực tài chính (vốn điều lệ trên 1000 tỷ đồng), hoạt động kinh doanh có hiệu quả, khả năng thanh toán nợ đến hạn và đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định. Theo báo cáo kết quả chào bán, tổng số lượng chứng quyền đã phân phối là 8.622.250 chứng quyền, tương ứng với 39,37% tổng khối lượng Chứng quyền được phép chào bán, trong đó có 4 sản phẩm đã phân phối hết 100% khối lượng cho các nhà đầu tư (chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân - ông Sơn chia sẻ). Hiện các tổ chức phát hành đang hoàn tất các thủ tục lưu ký chứng quyền tại VSD, đồng thời hoàn thiện các thủ tục niêm yết để giao dịch trên HOSE.

Đại diện HOSE, Bà Nguyễn Thị Việt Hà – Thành viên chuyên trách HĐQT HOSE cũng đã chia sẻ các nội dung liên quan đến công tác quản lý vận hành Chứng quyền có bảo đảm trên HOSE từ công tác quản lý niêm yết, quản lý giao dịch và giám sát giao dịch…và kỳ vọng “Chứng quyền có bảo đảm là một trong những sản phẩm do HOSE chuẩn bị triển khai nhiều năm qua.Với sự hỗ trợ hiệu quả từ các Sở giao dịch chứng khoán trong khu vực châu Á và các công ty chứng khoán nước ngoài, chúng tôi đã đầu tư nhiều thời gian, nguồn lực và kỳ vọng để đảm bảo có thể đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng tốt, đáng tin cậy. Do vậy, HOSE kỳ vọng, sản phẩm chứng quyền hoạt động ổn định, hiệu quả và được nhà đầu tư đón nhận tích cực sau khi giao dịch chính thức”.

Vòng đời của chứng quyền chỉ từ 3 tháng đến 2 năm tùy từng chứng quyền

Tuy nhiên theo bà Việt Hà: do chứng quyền có bảo đảm là sản phẩm có phương thức tính giá khá phức tạp nên các nhà đầu tư cần theo dõi thật kỹ. Mặt khác, vòng đời hoàn chỉnh của chứng quyền từ 3 tháng đến 2 năm tùy từng chứng quyền nên các nhà đầu tư cũng phải chú ý.

Trước lo ngại của báo giới về việc tác động của chứng quyền lên chỉ số VN 30, bà Việt Hà đã giải thích rõ: việc thanh toán chứng quyền trên thị trường thứ cấp cũng tương tự như chứng khoán T+2. Còn việc chứng quyền tuy được lựa chọn từ chứng khoán cơ sở trong rổ VN 30 nhưng hiện nay theo qui định các công ty chứng khoán phát hành chứng quyền chỉ được phát hành 10 % tỷ lệ chứng khoán giao dịch tự do. Ví dụ số chứng quyền FPT chỉ nằm ở 1.87% số chứng khoán giao dịch tự do, nên mức độ rất thấp, tác động lên chỉ số VN30 là không lớn.

Ông Nguyễn Công Quang - Phó Tổng giám đốc VSD (Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam) cũng thông tin cụ thể về sự sẵn sàng của hoạt động thanh toán, bù trừ cho sản phẩm chứng quyền có bảo đảm.

Ông Phạm Hồng Sơn chia sẻ thêm: chứng quyền có bảo đảm là sản phẩm được triển khai tại một số thị trường chứng khoán trên thế giới và là sản phẩm khá thành công tại các nước châu Á. Tại Việt Nam, trong giai đoạn đầu, chứng quyền mua sẽ được vận hành trước, sau đó tùy thuộc vào tình hình thị trường và hành lang pháp lý, các bên liên quan sẽ xem xét đề xuất các bước tiếp theo. Sản phẩm chứng quyền có bảo đảm sẽ được chính thức giao dịch trên HOSE vào ngày 28/6 tới.

Tại Nghị định 60/2015/CP-NĐ, Chứng quyền có bảo đảm được định nghĩa là chứng khoán có tài sản đảm bảo do công ty chứng khoán phát hành. Nhà đầu tư sẽ trả một khoản phí (premium) để sở hữu chứng quyền và được quyền mua hoặc bán chứng khoán cơ sở cho tổ chức phát hành chứng quyền đó theo mức giá đã được xác định trước, tại hoặc trước thời điểm đã được ấn định, hoặc được nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.
Chứng quyền giao dịch trên thị trường sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư thêm một lựa chọn đầu tư với chi phí thấp so với cổ phiếu trong khi vẫn có thể tối ưu hóa lợi nhuận thu được từ biến động giá của chứng khoán cơ sở. Hiệu ứng đòn bẩy có thể mang lại cho nhà đầu tư một tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư lớn hơn, trong khi mức phí tổn do lỗ vốn được khống chế tối đa bằng mức chi phí đầu tư ban đầu (phí mua chứng quyền). Tuy nhiên, do tính chất đòn bẩy của chứng quyền, sự thay đổi của giá chứng khoán cơ sở tác động lên chứng quyền ở một tỉ lệ % lớn hơn. Nói cách khác, chứng quyền sẽ nhạy cảm hơn đối với các thông tin tốt, xấu của chứng khoán cơ sở và theo đó, mức sinh lời, rủi ro đối với chứng quyền cũng cao hơn. Ngoài ra đầy là sản phẩm có vòng đời giới hạn nên các nhà đầu tư cần lưu ý để thực hiện quyền

Minh Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thi-truong-chung-khoan-da-san-sang-cho-giao-dich-chung-quyen-co-dam-bao-121433.html