Thị trường chứng khoán: Chờ tiền từ nhà đầu tư ngoại

Khung pháp lý đang dần hoàn thiện tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tiến gần hơn với thông lệ quốc tế, bức tranh vĩ mô trước làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 không quá tiêu cực như dự báo trước đó… là những 'cú hích' khiến TTCK tháng 9 và các tháng cuối năm lạc quan hơn.

Các yếu tố này khiến cho kỳ vọng hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tích cực hơn thêm rõ ràng, một lượng tiền lớn từ khối nhà đầu tư ngoại có thể giải ngân trong thời gian tới.

Đà tăng gập ghềnh

Theo các chuyên gia, một lượng tiền lớn từ khối ngoại sẽ giải ngân giúp VN- Index trong tháng 9 đạt mức 920 điểm. Tuy nhiên, đà tăng sẽ gập ghềnh hơn khi TTCK thế giới đang chuyển biến kém khả quan, trong bối cảnh nhà đầu tư (NĐT) trong nước đã gia tăng mạnh dư nợ ký quỹ.

Nhà đầu tư giao dịch tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Nhà đầu tư giao dịch tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Trước đó, trong tháng 8, TTCK Việt Nam đã tăng mạnh và trở thành một trong những thị trường có diễn biến tốt nhất tháng trên thế giới khi VN- Index tăng tới 10,4%. Thanh khoản đặc biệt tăng đột biến những ngày cuối tháng đi kèm với cú bứt phá của chỉ số chứng khoán. Điều này khác với diễn biến tháng 6 và tháng 7 khi thanh khoản đột ngột tăng mạnh cũng là lúc thị trường bắt đầu điều chỉnh. Trong khi đó, khi chỉ số tăng điểm đi cùng với việc cải thiện về thanh khoản, xu hướng tích cực thường được duy trì trong những ngày tiếp theo đó, điều đã xảy ra trong tháng 4 và tháng 5.

Bên cạnh xu hướng tăng ngắn hạn đang tiếp diễn những ngày đầu tháng 9, báo cáo của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tích cực hơn khi một lượng tiền lớn từ khối này có thể sẽ giải ngân vào đầu tháng 9. Trong bối cảnh NĐT nước ngoài vẫn duy trì bán ròng nhiều tháng qua, thông tin về việc các quỹ đầu tư chuyên nghiệp quốc tế huy động được một lượng tiền lớn phân bổ cho thị trường Việt Nam sẽ là một cú hích lớn.

Xung lực từ tháng 8 và kỳ vọng về dòng tiền ngoại mới có thể giúp VN- Index vượt qua ngưỡng 900 điểm và có thể đạt tới 920 điểm. Tuy nhiên, lực tăng vừa qua khó bền vững. Theo quan sát, dư nợ ký quỹ cũng đã tăng mạnh theo cùng đà tăng của các nhóm cổ phiếu. Điều này có thể khiến tâm lý người nắm giữ cổ phiếu dễ bị ảnh hưởng khi phát sinh những thông tin tiêu cực.

Một trong số đó có thể là biến động mạnh từ TTCK thế giới. Mới đây nhất, sau những chuỗi ngày giảm điểm liên tiếp thì chỉ số đo lường độ biến động của thị trường Mỹ đã bật tăng trở lại lên mức trên 30 điểm, cảnh báo mức độ rủi ro sắp tới của thị trường Mỹ. Vì thế, đà tăng tháng 9 sẽ gập ghềnh hơn khi mà TTCK thế giới đang chuyển biến kém khả quan, trong bối cảnh NĐT trong nước đã gia tăng mạnh dư nợ ký quỹ. Điều này sẽ khiến cho bất kỳ thông tin tiêu cực nào cũng sẽ mang lại rủi ro cho thị trường.

Chờ làn sóng của nhà đầu tư nước ngoài

Trong bối cảnh triển vọng kinh tế còn nhiều bất định và lãi suất huy động liên tục giảm, các chuyên gia nhận định, TTCK đang trở nên hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác như vàng hay bất động sản, bởi yêu cầu vốn thấp và tính thanh khoản cao.

Đáng chú ý, làn sóng của nhà đầu tư nước ngoài là diễn biến đáng quan tâm nhất đang được thị trường chờ đợi.

Thống kê của VDSC cho thấy, không chỉ NĐT trong nước mà cả NĐT nước ngoài cũng đẩy mạnh đầu tư cổ phiếu, bất chấp các số liệu kinh tế vĩ mô không thực sự khả quan. Số lượng tài khoản môi giới mở mới trong tháng 8 tăng 4,8% so với tháng trước (lên 28.300 tài khoản), mức cao nhất kể từ năm 2019 (15.000 - 20.000 tài khoản mỗi tháng). Ngoài ra, dư nợ cho vay ký quỹ tăng mạnh kể từ cuối tháng 7 cho thấy sự “hào hứng” của các NĐT hiện tại trên thị trường (ước tính sơ bộ của ghi nhận cho vay ký quỹ vào cuối tháng 8 đã tăng 40% so với tháng 6).

Bên cạnh đó, việc khung pháp lý dần hoàn thiện, tạo điều kiện cho TTCK Việt Nam tiến gần hơn với thông lệ quốc tế cũng là một điểm đáng chú ý để TTCK Việt Nam thêm hấp dẫn NĐT ngoại. Cụ thể, Chính phủ bắt đầu soạn thảo một số nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật chứng khoán mới.

Theo đánh giá của Công ty CP Chứng khoán SSI, các điểm mới về sở hữu nước ngoài, việc áp dụng hệ thống thanh toán theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm cho các giao dịch cổ phiếu, cho phép bán khống và giao dịch trong ngày… cho thấy những tiến triển tích cực không chỉ về giới hạn sở hữu nước ngoài mà còn về cấu trúc thị trường.

Ngoài ra, bức tranh kinh tế vĩ mô thực tế tháng 8 trước làn sóng Covid-19 thứ 2 không quá ảm đạm như đã dự báo khiến triển vọng TTCK tích cực hơn. Cụ thể, tổng mức bán lẻ tăng 6% trong tháng 7 và tháng 8 ước tính tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019. Số liệu này cho thấy tiêu dùng tháng 8 không chịu ảnh hưởng nặng nề như tháng 4, có thể hy vọng các làn sóng tiếp theo nếu có cũng không gây tác động quá lớn như làn sóng đầu tiên.

Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu phục hồi và tăng, thặng dư thương mại được nới rộng lên mức kỷ lục 11,9 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm. Đầu tư công vẫn là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong khi đầu tư của khu vực tư nhân và FDI vẫn gặp nhiều trở ngại. Thị trường tiền tệ khá ổn định.

Trong bối cảnh này, VDSC lạc quan cho rằng triển vọng dài hạn của hầu hết các ngành vẫn khả quan nhờ môi trường pháp lý được cải thiện và các chính sách hỗ trợ từ chính phủ, các công ty vẫn sẽ đối mặt nhiều thách thức trong năm 2020. Hơn nữa, cho mùa kinh doanh quý 3 sắp đến, nhóm nghiên cứu của VDSC nhận thấy không dễ để tìm tên những DN cho thấy sự phục hồi khả quan sau đại dịch.

Trong danh sách ngắn khuyến nghị, VDSC đề cập đến Công ty CP Tập đoàn lộc trời (LTG), công ty đầu ngành trong lĩnh vực thuốc trừ sâu và xuất khẩu gạo. Ngoài ra, báo cáo này cũng điều chỉnh giá mục tiêu của Công ty CP Vĩnh Hoàn (VHC) lên 50.000 đồng/ cổ phiếu với những đánh giá khả quan hơn về triển vọng xuất khẩu vào thị trường Mỹ cũng như kỳ vọng giá bán trung bình sẽ tăng dần từ nửa cuối năm 2020.

"Triển vọng hồi phục kinh tế đóng vai trò quyết định đối với diễn biến dòng vốn vào các nước nói chung và Việt Nam nói riêng. Việc sớm kiểm soát dịch bệnh và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công một cách hiệu quả vẫn là 2 yếu tố chính giúp TTCK Việt Nam thu hút được dòng vốn từ các quỹ đầu tư ngoại trong thời gian tới." - Báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI

"Ở thời điểm hiện tại, nên ưu tiên danh mục đầu tư tại nhóm cổ phiếu bluechips đầu ngành đang thu hút được dòng tiền hoặc mua đón đầu tại các cổ phiếu cơ bản tốt ít bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh mà chưa tăng giá nhiều." - Trưởng phòng Phân tích - Công ty chứng khoán Sacombank Dương Hoàng Linh

Hà Lâm

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thi-truong-chung-khoan-cho-tien-tu-nha-dau-tu-ngoai-395887.html