Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới: Chìa khóa mở đường cho mục tiêu Net Zero 2050

Ngày 18/7, tại Hà Nội, Diễn đàn 'Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới' đã được tổ chức. Theo các chuyên gia, phát triển thị trường carbon là một trong những giải pháp then chốt giúp Việt Nam hiện thực hóa cam kết đạt phát thải ròng bằng '0' (Net Zero) vào năm 2050, đồng thời tạo nguồn lực tài chính cho chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Các đại biểu khách mời chia sẻ thêm về thị trường carbon trong kỷ nguyên mới. Ảnh: X.Hoa.

Các đại biểu khách mời chia sẻ thêm về thị trường carbon trong kỷ nguyên mới. Ảnh: X.Hoa.

Công cụ kinh tế mạnh mẽ

Phát biểu tại Diễn đàn, TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE) nhấn mạnh: “Net Zero là một trong những cam kết lớn nhất mà nhân loại từng thực hiện, với sự tham gia của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Cam kết này không chỉ có ý nghĩa với khí hậu toàn cầu, mà còn mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế xanh”.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết đạt Net Zero vào năm 2050, thông qua các giải pháp như giảm phát thải trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông và năng lượng; phát triển năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng hiệu quả. Đây không chỉ là trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, mà còn là điều kiện quan trọng để tiếp cận các nguồn lực đầu tư, công nghệ và hỗ trợ quốc tế.

Chia sẻ tại Diễn đàn, TS Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nêu rõ, carbon là khí nhà kính chính gây biến đổi khí hậu, chủ yếu phát sinh từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch trong các lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng. Để kiểm soát phát thải, các quốc gia đã xây dựng cơ chế định giá carbon nhằm gắn chi phí môi trường vào hoạt động kinh tế, từ đó thúc đẩy ứng dụng công nghệ sạch và tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng.

Trong đó, thị trường carbon đóng vai trò trung tâm, cho phép các chủ thể phát thải mua bán hạn ngạch hoặc tín chỉ carbon. Thị trường này gồm hai hình thức: tuân thủ bắt buộc (theo quy định pháp luật) và tự nguyện (do các tổ chức, doanh nghiệp chủ động thực hiện để đạt mục tiêu trung hòa carbon).

Việt Nam hiện có khoảng 150 dự án đã được cấp khoảng 40,2 triệu tín chỉ carbon, đủ điều kiện giao dịch quốc tế. Quốc gia cũng nằm trong TOP 4 nước có số lượng dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM) đăng ký nhiều nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ.

Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Tuấn Quang, phát triển thị trường carbon là yêu cầu cấp thiết nhằm hiện thực hóa các cam kết giảm phát thải. Ông cũng cũng chỉ ra 5 giải pháp trọng tâm để đạt được cam kết Net Zero, bao gồm: chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo có lưu trữ; sử dụng tiết kiệm tài nguyên; phát triển rừng và hệ sinh thái biển, ven biển; thu hồi và lưu trữ carbon; định giá carbon thông qua thuế và thị trường.

Thách thức và giải pháp

Dù có nhiều tiềm năng, thị trường carbon tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn. Theo TS Nguyễn Tuấn Quang, những hạn chế lớn hiện nay bao gồm: thiếu năng lực đo lường - báo cáo - thẩm định (MRV), nền tảng kỹ thuật còn yếu, thiếu liên kết thể chế và nhận thức hạn chế từ phía doanh nghiệp.

TS Nguyễn Đình Thọ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường - cho rằng, bên cạnh khung pháp lý, Việt Nam cần khẩn trương ban hành các hướng dẫn kỹ thuật chi tiết, củng cố năng lực quản lý - giám sát ở cấp địa phương, tổ chức các chương trình đào tạo chuyên môn cho doanh nghiệp và cán bộ thực thi.

Đặc biệt, cần xây dựng mô hình sàn giao dịch carbon theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm tính công khai, minh bạch và hiệu quả. “Nếu biết cách tận dụng các cơ hội từ thị trường carbon, kết nối giữa thị trường tự nguyện và thị trường tuân thủ, cũng như giữa thị trường nội địa và quốc tế theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris, thì cơ hội tài chính cho doanh nghiệp Việt có thể tăng gấp 20-30 lần so với giá bán tín chỉ thông thường” - ông Thọ nhấn mạnh.

Diễn đàn lần này là dịp để các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp cùng trao đổi, chia sẻ sáng kiến và đề xuất giải pháp phát triển thị trường carbon hiệu quả tại Việt Nam, góp phần hiện thực hóa mục tiêu Net Zero. Theo các đại biểu, đây không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong nền kinh tế xanh toàn cầu, bước vào một kỷ nguyên phát triển bền vững và có trách nhiệm.

Chia sẻ thực tiễn từ mô hình nông nghiệp luân canh lúa – tôm của Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua, “cha đẻ” của giống gạo ST25, ông Cua cho biết, ông và các cộng sự đã tận dụng điều kiện nước ngọt để trồng lúa và nước mặn để nuôi tôm. Mô hình này khuyến khích sử dụng vi sinh vật và thiên địch tự nhiên, qua đó giảm 30% phân bón hóa học và tới 75% thuốc trừ sâu, giúp nông dân tăng gấp đôi thu nhập nhờ giá bán cao hơn 50%. Đáng chú ý, mô hình này đã đạt tiêu chí phát thải carbon thấp, mở ra cơ hội bán tín chỉ carbon. Đây cũng được xem là một nguồn thu tiềm năng cho người nông dân trong tương lai.

H.Vỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thi-truong-carbon-trong-ky-nguyen-moi-chia-khoa-mo-duong-cho-muc-tieu-net-zero-2050-10310630.html