Thị trường bất lợi, ngân hàng khó thoái vốn để giảm sở hữu chéo

Dù các ngân hàng đang cấp tập thoái vốn nhằm đáp ứng quy định về sở hữu chéo nhưng với việc thị trường đi xuống thời gian gần đây đang cản trở quá trình này.

Cổ phiếu tốt vẫn ế ẩm

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa thông báo sẽ không tổ chức phiên đấu giá bán cổ phần của Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank – mã CK EIB) do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sở hữu vào ngày 22-10 tới.

Lý do là đã hết thời hạn đăng ký và đặt cọc nhưng không có nhà đầu tư nào đăng ký tham dự đấu giá. Do vậy theo quy định thì cuộc đấu giá không đủ điều kiện để tổ chức.

Trước đó vài ngày, phiên đấu giá cổ phần Ngân hàng Quân Đội (MBBank – mã MBB) do Vietcombank sở hữu cũng trong tình cảnh “ế ẩm” khi chỉ có 1 nhà đầu tư trúng thầu với 10.000 cổ phần trên tổng số hơn 53 triệu cổ phần được đem ra bán đấu giá.

Hiện Vietcombank đang nắm hơn 126 triệu cổ phiếu của MBBank, tương đương 6,97% vốn điều lệ) và trên 101 triệu cổ phiếu Eximbank (tương đương gần 8,2% vốn).

Việc thoái vốn khỏi MB, Eximbank cũng như nhiều đợt thoái vốn được Vietcombank thực hiện trong suốt thời gian qua nhằm đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước về sở hữu chéo. Theo quy định tại thông tư 36, mỗi tổ chức tín dụng không được sở hữu vốn ở quá 2 tổ chức tín dụng với tỉ lệ sở hữu quá 5%.

Trước đó, Vietcombank cũng đã liên tiếp thoái vốn tại các ngân hàng khác như SaigonBank, Công ty CP Tài chính Xi măng (CFC) và mới đây là Ngân hàng Phương Đông - OCB.

Dù kết quả kinh doanh không quá tệ nhưng cổ phiếu Eximbank vẫn không hấp dẫn nhà đầu tư trong lần thoái vốn của Vietcombank

Tương tự, một số ngân hàng khác thời gian gần đây cũng đẩy mạnh thoái vốn. VietinBank cũng đã công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị thống nhất chủ trương bán toàn bộ hơn 15,1 triệu cổ phần, tương đương 4,91% vốn của Saigonbank.

Hay Eximbank từ cuối năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 cũng đã thoái vốn tại Sacombank thông qua bán cổ phiếu trên sàn và giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn dưới 5%.

Thoái vốn ngân hàng còn gặp khó

Có thể thấy, cuối năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, khi thị trường chứng khoán khởi sắc, hầu hết các phiên đấu giá đều rất sôi động và thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. Do vậy, các ngân hàng cũng dễ dàng thu về những khoản lãi lớn so với vốn ban đầu.

Trong các lần bán vốn tại SaigonBank, CFC và OCB, Vietcombank đều lãi lớn, thậm chí trong lần đấu giá cổ phiếu OCB lần 2 hồi giữa tháng 4, giá trúng bình quân gần gấp đôi giá khởi điểm.

Tuy nhiên, trong 2 lần gần đây nhất, các phiên đấu giá của Vietcombank đều trở nên ế ẩm, dù 2 ngân hàng Eximbank và MBBank đều được đánh giá là “ăn nên, làm ra”.

Lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính là cho thị trường chứng khoán Việt Nam không thuận lợi trong những phiên gần đây, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng biến động rất mạnh.

Trong khi việc thoái vốn của các ngân hàng cần một dòng tiền lớn thì những phiên giao dịch gần đây, thị trường thanh khoản thấp, chủ yếu là dòng tiền nhỏ lẻ hoạt động, các nhà đầu tư cũng thận trọng khi giao dịch.

Cùng với đó, việc chào bán cổ phiếu với giá ngang bằng, thậm chí cao hơn giá thị trường thời điểm đấu giá cũng sẽ rất khó có người mua. Bởi cổ phiếu ngân hàng và thị trường nói chung đều đang trong xu hướng giảm nên các nhà đầu tư có tâm lý chờ giá thấp hơn nữa.

Cụ thể, cổ phiếu Eximbank được Vietcombank chào bán với giá khởi điểm 14.497 đồng/cổ phiếu, trong khi giá đóng cửa của EIB ngày 18/10 chỉ là 13.900 đồng/cổ phiếu.

Còn với cổ phiếu MBB, mặc dù giá chào bán thấp hơn giá thị trường (giá khởi điểm 19.641 đồng/cổ phiếu trong khi giá thị trường đang ở trên mức 21.000 đồng/cổ phiếu) nhưng cũng vẫn không tạo được sức hút.

Nguyên nhân là nhà đầu tư không còn nhiều kỳ vọng về sự bứt phá của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong bối cảnh chung đầy bất lợi hiện nay. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng việc thoái vốn của các ngân hàng nhằm giảm tỷ lệ sở hữu chéo sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới.

Linh Nhật

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/thi-truong-bat-loi-ngan-hang-kho-thoai-von-de-giam-so-huu-cheo/786945.antd