Thị trường bất động sản đón tin vui

Sau khi lắng nghe ý kiến đóng góp của các bộ, ngành và địa phương về các đối tượng, ngành nghề được hỗ trợ gia hạn nộp tiền thuế là tiền thuê đất từ gói kinh tế 250.000 tỷ đồng, cuối tuần qua, Bộ Tài chính đã gửi Công văn số 3915/BTC-CST báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung lĩnh vực bất động sản (BĐS) vào nhóm các ngành nghề được hỗ trợ từ gói kinh tế này.

 Khu chung cư VincomCenter. Ảnh: Thanh Hải

Khu chung cư VincomCenter. Ảnh: Thanh Hải

"Phao cứu sinh" cho doanh nghiệp

Tại Công văn số 3915/BTC-CST, Bộ Tài chính đã bổ sung thêm hoạt động kinh doanh BĐS; hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động vui chơi giải trí vào nhóm ngành được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất. Dự kiến với những bổ sung trên, tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 180.000 tỷ đồng, tức tăng gần 100.000 tỷ đồng so với nội dung đã trình Chính phủ tại Tờ trình số 47/TTr-BTC ngày 26/3.

Phó Giám đốc Sàn giao dịch BĐS IP Land Trần Quốc Việt cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, không chỉ các chủ đầu tư mà ngay cả các sàn giao dịch BĐS cũng gặp nhiều khó khăn. 100% sàn giao dịch đều bị thiệt hại về kinh tế, trong khi đó khoảng 50% số lượng các sàn giao dịch bị đóng cửa, nhiều người làm nghề môi giới bị thất nghiệp. “Việc Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến góp ý bổ sung thêm lĩnh vực BĐS vào nhóm ngành nghề được hưởng hỗ trợ từ gói kinh tế 250.000 tỷ đồng đã hỗ trợ các sàn giao dịch trong cơn khủng hoảng này. Các sàn giao dịch sẽ được nới rộng hơn thời gian cam kết thanh khoản sản phẩm, đồng thời cũng sẽ được giảm trừ hoặc miễn tiền thuê đất, thuê mặt bằng kinh doanh” – ông Việt nhìn nhận.

Ở khía cạnh khác, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn APEC Hán Công Khanh cho rằng, thị trường BĐS nói chung vốn đang bị đình trệ từ những vấn đề liên quan đến thủ tục cấp phép hay chính sách tài chính của Chính phủ từ năm 2019. Từ đầu năm đến nay, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến cho thị trường càng thêm khó khăn, doanh thu từ hoạt động kinh doanh của DN bị giảm mạnh, nhiều DN đứng trước nguy cơ phá sản. “Gói tín dụng 250.000 tỷ đồng của Chính phủ đưa ra lúc này, trong đó BĐS được đề xuất là một trong những nhóm ngành nghề được ưu tiên, như một “phao cứu sinh” cho thị trường. Đây là tin vui cho các DN BĐS. Thông qua việc giảm trừ và giãn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất sẽ giúp cho DN có thời gian để hoạch định và xây dựng những phương án kinh doanh mới, phù hợp với tình hình thực tế và năng lực của DN” – ông Khanh cho hay.

Tái cấu trúc để giảm giá thành

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết, việc Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ đưa BĐS vào nhóm đối tượng được hỗ trợ về tiền thuế, tiền thuê đất là hợp lý và có ý nghĩa lớn đối với DN trong giai đoạn khó khăn này. Để tận dụng những chính sách của Nhà nước một cách tối ưu nhất, các DN BĐS cần phải nhanh chóng tiến hành tái cấu trúc, tái cơ cấu lại các sản phẩm chủ lực, giảm giá thành sản phẩm để có thể cùng chung tay với Chính phủ trong việc hỗ trợ người dân. “Giai đoạn thị trường trầm lắng và khó khăn như hiện nay cũng chính là cơ hội để các DN, tập đoàn BĐS thực hiện chiến lược tái cấu trúc DN, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người tiêu dùng” – ông Châu nhìn nhận.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Nguyễn Huy Thành cho rằng, thực tế gói kinh tế 250.000 tỷ đồng (dự kiến có thể là 280.000 tỷ đồng) dành cho cả cộng đồng DN trong lúc này như một “đòn bẩy” và cũng thể hiện sự quan tâm, đồng hành của Chính phủ đối với cộng đồng DN. Vấn đề quan trọng là phải sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn vốn này. “Trong trường hợp dịch bệnh sớm được kiểm soát thì mọi thứ sẽ đi vào ổn định, nhưng nếu xảy ra kịch bản đến hết quý II/2020 mới kiểm soát được thì tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu sẽ gia tăng không chỉ đối với các khoản vay cũ mà có thể xảy ra ở khoản vay mới. Việc bố trí thêm các gói tài chính để hỗ trợ sẽ trở nên khó khăn. Vì vậy, Nhà nước cần phải phân loại rõ ràng các đối tượng được ưu đãi và DN cũng cần phải hoạch định kỹ hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, để ứng phó trong trường hợp dịch bệnh” – ông Thành nhận định.

Thông qua gói kinh tế 250.000 tỷ đồng, Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt và thực tế trong việc hỗ trợ cộng đồng DN. Đây thực sự là giải pháp để vực dậy DN trong đại dịch Covid-19, trong đó DN BĐS cũng là đối tượng được hưởng lợi. Về phía các DN cũng cần phải có cách giải quyết, tận dụng sự hỗ trợ này cho phù hợp đối với ngành nghề kinh doanh của mình.

TS Chử Ngọc Khương - Chuyên gia nghiên cứu thị trường BĐS

Doãn Thành

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thi-truong-bat-dong-san-don-tin-vui-380122.html