Thị trường bất động sản 2019: Vẫn 'khát' nhà giá rẻ

Theo Hiệp hội bất động sản (BĐS) Việt Nam, nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp ở các đô thị dự báo tới năm 2020 là 1 triệu căn, trong khi hiện tại mới chỉ đáp ứng hơn 10.000 căn/năm.

Ở các khu công nghiệp, hiện nay mới có 20% người lao động có nơi ở ổn định. Qua đó có thể thấy, nguồn cung nhà giá rẻ hiện nay mới chỉ đáp ứng được phần rất nhỏ, tuy nhiên vẫn có rất ít các dự án nhà giá rẻ được triển khai thời gian qua. Các chuyên gia nhận định, không chỉ trong năm 2019 mà một thời gian dài nữa, nguồn cung nhà giá rẻ vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu.

Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trọng Ninh cho rằng, hiện tại, trên thị trường, nguồn cung căn hộ cao cấp, các sản phẩm BĐS gắn với du lịch phát triển “hơi nhanh” so với nhu cầu trong khi nhà ở mức trung bình, phù hợp với người thu nhập thấp, đặc biệt nhà ở xã hội còn thiếu nhiều. Do đó, tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cũng là định hướng điều hành của Bộ Xây dựng trong năm 2019.

 Các chuyên gia nhận định, phân khúc nhà ở giá rẻ trong thời gian dài nữa vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Các chuyên gia nhận định, phân khúc nhà ở giá rẻ trong thời gian dài nữa vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Theo con số của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, tại khu vực đô thị đến nay mới hoàn thành được 3,92 triệu m2, đạt khoảng 31% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở là đến năm 2020 cần đạt 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn tín dụng ưu đãi.

Do vậy, trước mắt Bộ Xây dựng tiếp tục đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền sớm bố trí nguồn vốn cho các ngân hàng thương mại để tiếp tục cho vay để thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Các doanh nghiệp cần đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, giữ chữ tín, đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ thi công…

Theo ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Constrexim HOD, đầu tư vào phân khúc nhà ở giá rẻ thực chất vẫn chỉ là nhà ở thương mại giá rẻ mà không phải nhà ở xã hội nên không được hưởng các ưu đãi. Do đó, để hạ giá thành, chủ đầu tư các dự án dạng này chắc chắn sẽ phải lựa chọn phương án thiết kế các căn hộ có diện tích nhỏ, tận dụng tối đa các chỉ tiêu xây dựng.

“Tuy nhiên việc điều chỉnh các dự án đã có 1/500 được phê duyệt hiện nay là không dễ, chưa nói đến việc điều chỉnh chia nhỏ căn hộ, tăng mật độ xây dựng dẫn tới vượt định mức các chỉ tiêu về dân số một cách cục bộ và so với quy hoạch phân khu, có khả năng gây quá tải công suất đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu vực dự án. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có tiền xây dự án nhưng người dân không có tiền mua căn hộ cũng sẽ không thể giải quyết được nhu cầu thị trường”, ông Cây phân tích. Lý giải nguyên nhân dòng sản phẩm này hiếm trên thị trường, ông Cây cho rằng không phải do quỹ đất khan hiếm, mà do cơ chế, chính sách chưa rõ ràng. Theo ông Cây, chính sách cho nhà ở xã hội rất chi tiết, có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, nhưng Nhà nước lại chưa có chính sách cụ thể áp dụng cho nhà thương mại giá rẻ.

Đưa ra quan điểm rõ ràng, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cho rằng, phát triển nhà ở thương mại giá rẻ mới là giải pháp hiệu quả nhất để giải quyết nhu cầu nhà ở của đại đa số người dân.

“Nếu Nhà nước tập trung xây dựng cơ chế miễn, giảm một số loại thuế liên quan đến kinh doanh BĐS như thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với loại hình nhà ở này, giá thành chắc chắn sẽ còn giảm sâu. Tuy vậy, chúng ta cần tìm mọi cách động viên nhiều nguồn lực chứ không nên chỉ nhìn vào sự trợ giúp từ phía Nhà nước. Cần hình thành các quỹ phát triển nhà ở giá rẻ và động viên sự đóng góp của doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại, của các tổ chức xã hội và của các cá nhân”, ông Võ nêu quan điểm.

Phan Hoạt

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dia-oc/thi-truong-bat-dong-san-2019-van-khat-nha-gia-re-533436/