Thi trực tuyến - trăn trở của một người thầy

Trước tình hình dịch COVID -19, các trường học phải sử dụng phương pháp thi trực tuyến (thi online) để hoàn tất các học phần cho học sinh, sinh viên. Thi trực tuyến là điều mới mẻ trong các nhà trường.

Thầy Nguyễn Trường Thịnh (ngoài cùng bên phải) chúc mừng các sinh viên xuất sắcẢnh: Thanh Phong

Thầy Nguyễn Trường Thịnh (ngoài cùng bên phải) chúc mừng các sinh viên xuất sắcẢnh: Thanh Phong

PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh, Phụ trách Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh đã viết một "tâm thư" dài gửi đến tất cả sinh viên của trường khi trường quyết định thi online.

Đây là lần đầu tiên trường tổ chức thi theo hình thức này, áp dụng cho các môn học lý thuyết. Sinh viên có thể làm bài ở bất kỳ đâu mà không phải đến trường. Trường giao quyền chủ động chuyên môn cho các khoa và bộ môn. Các khoa, bộ môn dựa trên chuẩn đầu ra môn học để đưa ra phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp với thi online, có thể là thi vấn đáp qua mạng, thi trắc nghiệm, thi tự luận, làm bài tập lớn.

Do đây là lần đầu tiên trường tiến hành thi online nên chắc chắn sẽ có những khó khăn cho sinh viên. Nhiều em bày tỏ lo lắng, thậm chí xin hoãn thi vì chưa quen. Thầy Nguyễn Trường Thịnh muốn động viên, nhắn nhủ sinh viên để các em cùng chia sẻ với nhà trường, thầy cô, cùng vượt qua kì thi cũng như đại dịch COVID-19 một cách tốt nhất, an toàn nhất.

Trong “tâm thư” gửi sinh viên, thầy Thịnh viết, có đoạn “Những ngày gần đây thầy nhận được nhiều inbox của các em nhờ thầy cho lời khuyên trong việc học khi thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, nhiều hoạt động dạy và học ngừng trễ, các em không thể nào đi làm thêm, có em xin tạm hoãn để hoãn thi vì chưa quen với việc thi online, có em mệt mỏi rã rời vì thời gian nghỉ học trên lớp quá dài, cứ phải học online.

Biết làm sao được, để bảo đảm sức khỏe cộng đồng và cho bản thân các bạn, nhà trường phải cân đo đong đếm rất kỹ để tìm ra những giải pháp hợp lý nhất để chúng ta cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh. Cũng chỉ vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và thay đổi liên tục. Chỉ mong các em và gia đình suy nghĩ nhẹ nhàng một chút, nghĩ mình còn may mắn hơn các nơi bùng dịch và chưa kiểm soát được, người dân hay học sinh sinh viên những nơi đó còn khó khăn hơn mình rất nhiều về mọi mặt vừa phải lo lắng cho mạng sống của bản thân và gia đình. Đây là câu chuyện chung của cả thế giới ngay lúc này chứ không chỉ của Việt Nam hay riêng trường chúng ta các em ạ.

Trong thử thách này, thầy tin rằng các em sẽ là những công dân trong thời đại 4.0 sẽ sẵn sàng đương đầu với những thử thách, khó khăn đang gặp phải. Ngôi trường này đang rất nhớ các em, thầy cô cũng đang rất nhớ các em, và những giảng đường cũng đang nhớ các em rất nhiều. Thế nhưng với tình hình dịch bệnh khó lường như hiện tại, tin rằng các em cũng sẽ thấy đó là giải pháp hữu hiệu nhất và phù hợp hơn cả để chúng ta không bị trễ một học kỳ.

Trường chúng ta là một ngôi trường luôn năng động, sáng tạo và đề cao hội nhập, do vậy trường luôn tạo điều kiện và sẵn sàng hỗ trợ các em vượt qua những rào cản để nghiên cứu, học tập tốt hơn, có những kho tri thức để các em tìm tòi và phát huy khả năng tự học, tự nghiên cứu như Thư viện số, hệ thống dạy học số... và đặc biệt là hãy tư duy tích cực.

Các em thân mến, hãy tích cực học tập, rèn luyện, lan tỏa tinh thần lạc quan và yêu thương trong những ngày này đồng thời dành những khoảnh khắc quý giá cho gia đình, những người thân yêu của mình nhiều hơn nhé!

Dù làm gì, hãy cẩn thận hết sức có thể, ăn uống đầy đủ và nghỉ ngơi thật tốt, tập thể dục đều đặn, không nên thức khuya và tránh tụ tập đông người, tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn phòng dịch…

Các thầy cô luôn đồng hành, yêu thương các em, mong gặp lại tất cả các em trong trạng thái sức khỏe, tinh thần tốt nhất trong thời gian sớm nhất!”

Dưới góc nhìn của một nhà giáo, thầy Thịnh đánh giá: “Trong tình hình dịch bệnh phức tạp này thì việc thi trực tuyến là việc chúng ta bắt buộc phải làm. Bất cứ cấp học nào sau khi kết thúc một môn học hay học phần thì phải kiểm tra và đánh giá nhằm xác định mức độ tiếp thu kiến thức của học sinh hay sinh viên nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo”.

Như vậy việc thi trực tuyến (online) và trực tiếp (offline) đều với mục đích là kiểm tra đánh giá kết quả quá trình học của người học, chỉ khác là địa điểm thi, với học offline thì việc thi sẽ diễn ra nơi mà nhà trường tổ chức với những quy định nhằm giảm gian lận trong kỳ thi. Còn thi online thì học sinh/sinh viên có thể thi bất cứ nơi nào mà các em có kết nối mạng internet. Việc thi trực tiếp thì thường có người giám sát sẽ giảm gian lận trong thi cử, còn thi từ xa thì sẽ khó giám sát người học hơn, tuy nhiên nếu chọn phương pháp thi và nội dung kiểm tra phù hợp thì sẽ tạo động lực sang tạo hơn cho học sinh và sinh viên.

Sinh viên Trường Đại học sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Phong

Tuy nhiên dù phương pháp nào cũng sẽ có ưu và nhược điểm khác nhau. Tùy vào hoàn cảnh mà chúng ta có thể chọn phương án này và khác. Với phương pháp thi online thì chúng ta có thể linh hoạt việc thi, không nhất thiết là thi với sự giám sát của thầy/cô mà có thể thi ở bất cứ nơi nào như ở quê, ở nhà trọ và bất cứ nơi nào mà người học đang cư trú. Mặc dù hiện nay có thể các bạn học sinh và sinh viên đã quen với phương pháp kiểm tra quá trình hay bài tập với hình thức online, tuy nhiên có thể đây là lần đầu tiên các bài kiểm tra thi kết thúc môn học lại được triển khai online, vì vậy sẽ gây ra không ít khó khăn cho học sinh/sinh viên. Do vậy khi hình thức thi thay đổi bắt buộc cách học cũng như cách giải phải thay đổi theo sao cho phù hợp nhất, đừng quá lo lắng, hãy bình tĩnh với cách thi mới để sẵn sàng vượt vũ môn.

Trước những khó khăn của các bạn sinh viên, thầy Thịnh khuyên: “Khác biệt giữa vấn đáp trực tuyến với trực tiếp là bạn không trò chuyện trực diện với thầy/cô. Điều này có thể khiến một số học sinh và ngay cả giáo viên cũng cảm thấy không thoải mái. Do đó việc tiến hành thi online cũng có thể trở nên phức tạp, không hiệu quả khi đường truyền có vấn đề hoặc lỗi kết nối hoặc lỗi hệ thống và đôi khi các bạn học sinh sẽ cảm thấy phiền phức và ngay cả gaío viên cũng vậy. Do đó việc cần thiết ngay cả giáo viên và học sinh là chủ động cài sẵn các phần mềm hoặc không kiểm tra các phần mềm mà mình để đảm bảo tính tương thích, xác định chính xác ID, mật khẩu… và tất nhiên là các bạn học sinh không nên quá lo lắng vì các thầy/cô giáo đều biết và hiểu rằng đôi khi công nghệ có thể gặp trục trặc. Bất cứ sự cố gì thì giáo viên hoặc học sinh đều phải có sự chuẩn bị tốt trước khi thi và bình tĩnh khi thi để đạt kết quả tốt. Trong những năm gần đây khái niệm học online đã được triển khai, các giáo viên và học sinh hầu hết đã làm quen với phương pháp học này tuy nhiên có thể thời điểm này là lần đầu tiên mà chúng ta phải bắt buộc vào tính thế phải triển khai việc thi online vì vậy sự chuẩn bị tốt là việc làm cần thiết nhất.

Nếu như trước đây bạn học sinh cần nắm thật chắc kiến thức và học cách trình bày theo các bước cho đúng trình tự thì bây giờ yêu cầu thêm nữa đó là phải học kiến thức rộng hơn. Tùy mỗi môn sẽ có những đặc thù khác nhau, nhưng trên cơ sở phải nắm kiến thức và biết vận dụng.

Các phần mềm sử dụng cho việc tổ chức thi trực tuyến đều có ưu và nhược điểm, tùy vào yêu cầu mà có thể sử dụng các nền tảng khác nhau, không chỉ là các phần mềm mà chúng ta có thể sử dụng các app trên thiết bị di động hoặc mạng xã hội để triển khai việc này. Tuy nhiên nếu bị lệ thuộc vào bất cứ phần mềm nào cũng không tốt, chúng ta cần sự linh hoạt và tùy theo vấn đề cần giải quyết mà chúng ta có thể chọn phương thức thích hợp. Ngoài ra chúng ta cũng có thể sử dụng kết hợp nhiều nền tảng khác nhau cho việc thi trực tuyến có hiệu quả.

Ninh Kiều (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/thi-truc-tuyen-tran-tro-cua-mot-nguoi-thay-20210616145057337.htm