Thị Trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ, Thái Bình): Một việc làm không hợp lòng dân

Các ban ngành, đoàn thể của Thị trấn Quỳnh Côi hãy lắng nghe tiếng nói của dân. Đừng vội vã khởi công ngay vì đây là công trình tâm linh, tồn tại lâu dài, tránh những sai sót mang tiếng để đời

Thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đang chuẩn bị khởi công xây dựng Nhà tiếp linh ở Nghĩa trang nhân dân thị trấn. Công trình này rất phù hợp với nguyện vọng của bà con nhân dân Thị trấn Quỳnh Côi, không chỉ những người đang sinh sống ở quê mà còn của tất cả con em người thị trấn đang định cư ở các tỉnh, thành phố trong cả nước và ở nước ngoài. Tuy nhiện, cách làm của lãnh đạo và chính quyền Thị trấn Quỳnh Côi chưa hợp lý nên đang gây dư luận bất bình với đa số người dân.

Không biết ý tưởng xây dựng Nhà tiếp linh này có từ bao giờ, công tác chuẩn bị thế nào nhưng tháng 10 vừa qua, đại diện lãnh đạo và chính quyền Thị trấn Quỳnh Côi đột ngột lên Hà Nội gặp gỡ một số người quê Thị trấn Quỳnh Côi để đặt vấn đề xin đóng góp, tài trợ kinh phí. Dự kiến Nhà tiếp linh sẽ xây dựng 70m2 và có một khoảng sân phía trước, cần số tiền là 1,2 tỷ đồng. Hiện nay Thị trấn đã được UBND huyện Quỳnh Phụ hỗ trợ 400 triệu đồng, còn thiếu 800 triệu. Nhưng 800 triệu đồng sẽ không phải là số tiền lớn đối với bà con nhân dân ở Thị trấn, bởi với 1.200 hộ dân, mỗi nhà đóng góp 100 nghìn đồng thì đã đủ 1,2 tỷ. Nhưng tại sao chính quyền địa phương chưa tổ chức họp dân, huy động bằng hình thức xã hội hóa ngay ở địa phương?

Tôi về quê, hỏi bà con, cả những cán bộ hưu trí, nguyên là cán bộ UBND Thị trấn thì ai cũng bảo chưa biết gì về chuyện này! Ô hay, thế có nghĩa là chính quyền chưa phổ biến và xin ý kiến của dân sở tại à? Thế thì chính quyền chưa coi dân là "gốc" rồi! Hỏng! Dân sở tại chưa biết gì mà chính quyền lại tổ chức lên Hà Nội, vào TP Hồ Chí Minh để tìm những người đồng hương để xin tiền. Làm thế có sợ bà con ở quê tự ái không? Có sợ họ phản đối không?

Cuộc họp mặt ở Hà Nội cũng đột ngột, gây bất ngờ cho những người được mời. Một số anh em kể lại với tôi rằng, họ được mấy anh bạn học gọi đến họp đồng hương Trị trấn Quỳnh Côi, cứ nghĩ để bàn việc thành lập Hội đồng hương thị trấn đang sinh sống và công tác tại Hà Nội. Lại chỉ có hơn chục người được mời. Đến đó mới thấy chính quyền địa phương đưa cho cái giấy mời xin tài trợ xây Nhà tiếp linh của Nghĩa trang nhân dân Thị trấn Quỳnh Côi; một mặt in lời mời, mặt sau in hình ảnh Nhà tiếp linh. Mấy người biết trước nội dung thì hơi vội vã đưa tiền ra ủng hộ (vì thế có người nghi ngờ, cho đó là "chim mồi" do mấy anh đạo diễn). Những người không được biết trước nội dung họp thì phát biểu ý kiến, phản đối cách làm sai quy trình này của chính quyền địa phương và họ chưa đóng góp. Đại diện chính quyền thị trấn lại đưa cho mỗi đại biểu đến họp, mỗi người mấy cái giấy mời để nhờ chuyển tiếp cho các anh em cùng quê không có mặt ở đó.

Vài ngày sau, tôi nhận được những cuộc điện thoại tỏ ra bức xúc với cách làm nói trên của chính quyền thị trấn. Họ nói rất chân thành rằng, gia đình nhà ai cũng có hoặc sẽ có người thân mất và an táng ở nghĩa trang đó. Vì thế, việc đóng góp để xây dựng Nhà tiếp linh là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi nhà, mọi người. Ai có nhiều đóng nhiều, ai có ít đóng ít; thậm chí ai quá khó khăn, chỉ đóng được mấy nghìn đồng hoặc không có đồng nào cũng không sao. Nhưng vấn đề là chính quyền phải cho họp dân ở thị trấn để phổ biến, xin ý kiến đóng góp rồi mới triển khai tiến hành. Nếu quá khó khăn, còn thiếu tiền thì mới đi các tỉnh, thành phố khác, gặp đồng hương xin tài trợ thêm. Vì thế, hiện nay một số gia đình ở Hà Nội đã họp bàn và nhất trí sẽ ủng hộ hàng chục triệu đồng nhưng vì cách làm việc của chính quyền không phù hợp nên họ tạm dừng lại.

Nhiều vấn đề khác cũng được người dân đưa ra bàn luận. Cả khuôn viên nghĩa trang, đất còn rộng, rất vuông vức, sao không xây Nhà tiếp linh ở chính giữa, làm lối đi mới vào cho trang trọng mà lại đặt ở tận góc bờ sông, nơi đầy rác rưởi, bơm kim tiêm và cạnh rãnh nước thải? Vị trí đó vừa chật hẹp vừa ô uế, mất mỹ quan! Thế thì các vong linh cũng thấy tủi phận với môi trường ô nhiễm ấy!

Về thiết kế kiểu dáng, nhìn mẫu nhà trong ảnh giống như kiểu đình, chùa, miếu mạo; màu mè sặc sỡ. Tôi đã đi đến nhiều nghĩa trang nhân dân trong cả nước, thấy chẳng ở đâu làm như thế cả. Đa số chỉ xây ngôi nhà mái bằng hoặc nhà mái ngói bình thường, ba mặt có tường bao, có ban thờ và bệ đặt linh cữu. Cho nên mẫu nhà này thật chẳng giống ai, hay là Thị trấn muốn sự độc đáo, cách tân? Thứ nữa, đây là công trình tâm linh, dành cho linh hồn của hàng trăm người dân thuộc nhiều thế hệ của thị trấn đang yên nghỉ ở đó, vậy chính quyền địa phương đã xem kỹ phong thủy cho công trình chưa? Mà sao Nhà tiếp linh lại không có ban thờ? Mọi người đến đó thắp hương thần linh, thổ địa ở đâu? Xây ngôi nhà rộng 70m2 mà để thông thoáng cả 4 mặt, không xây tường; phía trước lại xây hàng lan can kín như chắn lối vào nhà, thế bà con phải trèo qua lan can vào à? Ban thờ không xây lại đặt tấm bia đá trong đó để ghi tên những người đóng góp nhiều tiền, thế có dở không? Ngôi nhà đó hóa ra là để thờ bia đá, ghi công những người tài trợ à? Người dân sẽ nghĩ gì khi mình đóng góp ít, không có tên ở đó? Vinh danh người giàu à? Gia đình nào có người thân sống xa quê, khi tạ thế, đưa về làm lễ viếng, lẽ ra phải đưa vào Nhà tiếp linh, có ban thờ, có bệ đặt quan tài để thực hiện nghi thức viếng. Còn ở đây, các quan chức làm cái sân phía trước, gia đình nào làm lễ viếng ở đó thì phải thuê dựng rạp và lập bàn thờ ở ngoài rạp. Nhà tiếp linh mà linh không được tiếp cận nhà. Thế có vô lý không?

Các cụ có câu "Làm cầu để noi chứ ai làm cầu để lội". Tức là làm cây cầu bắc qua sông thì để đi trên cầu đó chứ sao lại lội nước để qua sông?

Việc xây Nhà tiếp linh của thị trấn là quá muộn so với các địa phương khác; nhưng thôi, muộn còn hơn không. Đã làm thì làm cho đàng hoàng, hợp lòng dân thị trấn, tức là được đại đa số bà con ủng hộ . Còn chính quyền tự ý làm thế này, khác nào "Áo gấm đi đêm", tạo nên dư luận bất bình.

Theo dự kiến thì ngày 16-11 này, chính quyền địa phương khởi công xây dựng, có mời khách về dự nhưng cũng chỉ mời mấy người có nhiều tiền chứ không mời nhiều. Không biết họ có thành lập ban bệ gì để chỉ đạo, điều hành không? Chẳng hạn phải có ban chỉ đạo, ban điều hành thi công, ban giám sát, ban vận động tài trợ... có đủ thành phần đoàn thể tham gia, nhất là đại diện người dân. Tất cả phải công khai, đồng thuận cao. Nếu không làm được cụ thể như thế thì bộc lộ năng lực tổ chức quá yếu kém của cán bộ đảng và chính quyền thị trấn. Đây là ý kiến của nhiều người dân Thị trấn Quỳnh Côi, cả ở quê và ở Hà Nội trong mấy tuần qua, đã trao đổi với tôi.

Vì vậy, tôi đề nghị đảng ủy, UBND, Mặt trận Tổ quốc cùng các ban ngành, đoàn thể của Thị trấn Quỳnh Côi hãy lắng nghe tiếng nói của dân. Đừng vội vã khởi công ngay vì đây là công trình tâm linh, tồn tại lâu dài, tránh những sai sót mang tiếng để đời. Các đồng chí chỉ làm cán bộ một vài khóa rồi nghỉ nhưng để lại dư âm không tốt vì công trình này thì không nên. Chẳng lẽ vì 400 triệu mà huyện hỗ trợ, nếu không giải ngân trong năm nay thì sẽ bị thu hồi à? Không lo chuyện đó. Như trên tôi đã nói, chỉ riêng dân đang ở thị trấn thôi đã thừa sức ủng hộ theo phương thức xã hội hóa để xây công trình chứ chưa nói con em đang ở các tỉnh thành khác. Phải thay đổi lại thiết kế, thay đổi vị trí xây dựng, xem kỹ phong thủy, thay đổi công năng ngôi nhà.

Có như thế mới hợp lòng dân và mọi việc mới thuận lợi! Có như thế mới là "của dân, do dân, vì dân"!

Bùi Đức Toàn

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thi-tran-quynh-coi-quynh-phu-thai-binh-mot-viec-lam-khong-hop-long-dan-20181114163230228.htm