Thi trắc nghiệm ở Việt Nam từ góc nhìn của giáo sư Mỹ

Giáo sư Neal Koblitz cho rằng ở Mỹ, bài thi trắc nghiệm không phải công cụ hữu hiệu nhất để chọn những học sinh xuất sắc vào đại học.

Cambridge, Anh, là một trong những đại học hàng đầu thế giới, có hệ thống tuyển chọn sinh viên Toán tốt nhất tôi từng biết.

Sau phần sàng lọc ban đầu, một giai đoạn thiết yếu của quá trình tuyển chọn do giảng viên thực hiện. Họ đưa ra loạt bài toán khó và nói ứng viên không nhất thiết phải giải tất cả.

Sau một hoặc hai giờ, người xét tuyển thu lại đáp án, hoặc một phần đáp án của các ứng viên, rồi phỏng vấn họ về cách tư duy để đi đến đáp án, đặc biệt những phần mà họ bế tắc. Ứng viên với khả năng giải quyết vấn đề, hiểu biết sâu, gây ấn tượng tốt với người xét tuyển, sẽ được nhận vào Cambridge.

Mô hình của Cambridge được nhiều đại học top đầu áp dụng để chọn sinh viên giỏi. Thế nhưng, ở mức đại chúng, chúng ta cần mô hình rẻ và hiệu quả hơn. Một bài thi trắc nghiệm được thiết kế tốt sẽ loại bỏ được sinh viên yếu kém. Trừ những trường hợp đặc biệt, học sinh làm kém bài thi trắc nghiệm không nên được nhận học.

Các hội đồng tuyển sinh đại học ở Mỹ dùng GRE. Tuy nhiên, GRE, hay các bài thi trắc nghiệm không phải công cụ hữu hiệu nhất để chọn được sinh viên tốt. Chính xác hơn, không phải bài thi trắc nghiệm nào cũng có thể tìm thấy tài năng thật sự.

Vận hành thi trắc nghiệm không đơn giản

Một hệ thống thi hiệu quả thường có 2 phần - một bài thi trắc nghiệm và một bài thi tự luận. Chỉ những sinh viên vượt qua điểm “liệt” trong bài thi đầu tiên mới được làm bài thứ hai. Vì số người được làm bài tự luận sẽ ít hơn nhiều, việc thuê người đủ trình độ chấm bài thi tự luận không quá tốn kém. Nhưng điều này có vẻ không đúng lắm ở Việt Nam.Thiết kế một hệ thống tuyển sinh vào đại học là việc khó khăn, bởi những yêu cầu đầy tham vọng phải đạt được.

Thứ nhất, nó phải chấm điểm một cách công bằng, minh bạch và không thiên vị. Nó phải ngăn chặn tối đa khả năng đoán mò dựa trên các câu hỏi để chọn đáp án có khả năng đúng cao nhất (A).

Thứ hai, nó không nên trao thêm ưu thế cho người giàu, những đứa trẻ có cha mẹ đủ sức trả tiền cho các lớp luyện thi theo kiểu “luyện gà nòi” (B).

Thứ ba, nó không nên làm méo mó hệ thống trung học. Ví dụ, thi cử với tính cạnh tranh cao thường khiến giáo viên áp lực phải “dạy để thi” - truyền đạt những chiêu thức thuộc lòng. Khi đó, học sinh không được dạy để hiểu vấn đề. Ngoài ra, giáo viên cũng bỏ qua những chủ đề ít có khả năng xuất hiện trong bài thi (C).

Thứ tư, nó không nên gây áp lực không cần thiết cho sinh viên, phụ huynh và cả người dạy (D).

Thứ năm, chi phí thực thi nên ở mức chấp nhận được (E).

Thứ sáu, nó nên khả thi để sử dụng cho các trường đại học ở phân khúc khác nhau, từ những đại học quốc gia với mức cạnh tranh cao nhất đến đại học địa phương và trường kỹ thuật (F).

Nếu chỉ nhìn qua, một kỳ thi trắc nghiệm được chuẩn hóa toàn quốc là giải pháp đơn giản và ít tốn kém nhất. Tuy nhiên, trong thực tế, giải pháp trên không đáp ứng được tiêu chí A, B, C bên trên.

Mỹ bớt mặn mà với thi trắc nghiệm

Mỹ có cả một ngành công nghiệp chỉ dành để thiết kế các bài thi được chuẩn hóa. Công ty lớn nhất thế giới hoạt động trong lĩnh vực đó là Educational Testing Service (Dịch vụ Kiểm tra Giáo dục - ETS) ở Princeton. Trong hơn 70 năm, ETS chi hàng triệu USD cho việc xây dựng, thiết kế bài kiểm tra. Tuy nhiên, các bài thi của họ vẫn không thể đáp ứng điều kiện A, B và C phía trên. Các nhà giáo dục Mỹ không có mấy niềm tin vào những bài thi đó. Trường đại học Mỹ đã nhanh chóng giảm bớt sự phụ thuộc vào những kỳ thi trên (và nhiều kỳ thi khác) trong công tác tuyển sinh.

Họ dựa nhiều hơn vào điểm học tập ở trung học, số khóa học vượt cấp (chương trình bậc cao đẳng, đại học được dạy ở trung học), thư giới thiệu từ thầy cô, bài luận ứng tuyển, danh sách hoạt động ngoại khóa và phỏng vấn.

Có phải hệ thống tuyển sinh đại học của Mỹ tốt hơn Việt Nam, nên học tập Mỹ? Không hẳn. Hệ thống của Mỹ cũng không đạt được tiêu chí A, B và C.

Với tiêu chí C, để giúp sinh viên được nhận vào đại học tốt, nhiều trường trung học “bơm phồng” điểm đến mức lố bịch, cho học sinh A+ dễ như cho kẹo. Nó thường xuyên đến nỗi điểm trung bình lúc ra trường của một lớp luôn là A.

Họ còn “hạ giá” chương trình “vượt cấp” để cho phép nhiều em vượt qua những khóa học đó. Ví dụ, học sinh hầu như chẳng học được gì từ chương trình tích phân bậc trung học.

Với tiêu chí B, phụ huynh giàu có sẽ thuê người chuyên nghiệp viết hộ bài luận tuyển sinh của con, tô vẽ và thổi phồng CV, chuẩn bị cho chúng đi phỏng vấn. Những đứa trẻ đến từ gia đình rất giàu còn dễ dàng hơn, vì hầu hết trường - kể cả nổi tiếng nhất ở Mỹ - đều sẵn sàng hạ tiêu chí tuyển sinh xuống mức rất thấp để chào đón bạn trẻ có cha mẹ quyên góp nhiều tiền cho trường.

Với tiêu chí A, một “kỹ năng” không quan trọng nhưng đang được quy trình tuyển sinh của Mỹ tính đến là “tính cách”. Kỹ năng này đồng nghĩa với năng lực đánh bóng bản thân trong buổi phỏng vấn hoặc bài luận. Tuy nhiên, nội dung của các buổi phóng vấn hoặc bài luận vẫn có thể can thiệp.

Đã có nhiều tranh cãi ở Việt Nam về việc phải đánh giá môn Toán của học sinh ra sao, cũng như bài thi trắc nghiệm. Các chuyên gia Toán học Việt Nam cảnh báo rằng việc sử dụng bài thi này có thể kéo theo học thuộc mánh khóe thay vì cố gắng hiểu logic của môn học. Tôi muốn ý kiến về việc này dựa trên kinh nghiệm từ trường đại học Mỹ.

Tại Mỹ, giáo viên cho điểm học sinh, sinh viên một phần dựa trên thi cử và một phần dựa trên các yếu tố khác (như việc tham gia tại lớp hoặc ở nhà). Đôi lúc, họ dùng cả bài thi trắc nghiệm được chuẩn hóa.

Tại bậc tiểu học và trung học, các bài thi chủ yếu được dùng để đánh giá giáo viên và trường học, không phải học sinh. Ý nghĩa của bài thi ở đây là chúng có thể dễ dàng chấm được bằng máy, sau đó được mang ra so sánh. Một trường hay giáo viên có học sinh thi tệ hơn trung bình và không tiến bộ qua các năm có thể bị “trừng phạt” bằng nhiều cách, thậm chí trường phải đóng cửa.

Việc sử dụng các bài thi được chuẩn hóa gây nhiều tranh cãi ở Mỹ, bị các hiệp hội giáo viên và phần lớn chuyên gia giáo dục phản đối mạnh mẽ. Ở một số trường top trên, giáo viên và phụ huynh tin rằng họ chính là người đánh giá tốt nhất chất lượng giáo dục và việc đánh giá không thể thực hiện bằng bài thi trắc nghiệm. Họ từ chối cho học sinh làm những bài thi trắc nghiệm.

Chính sách đánh giá giáo viên và trường học qua kết quả bài thi trắc nghiệm của học sinh có từ 15 năm trước, dưới thời chính quyền George W. Bush và tiếp tục trong nhiệm kỳ của Barack Obama. Phần lớn nhà khoa học và nhà giáo dục Mỹ tin rằng chính sách đó là một thất bại, trường học Mỹ không tiến bộ thêm, mà còn phí phạm thời gian cho giai đoạn này.

Trong một cuốn sách bán chạy được xuất bản năm 2010, chuyên gia Diane Ravitch - quan chức giáo dục có tiếng trong chính quyền Bush, trước đó ủng hộ các bài kiểm tra được chuẩn hóa - đã thay đổi ý kiến của mình. Giờ đây, bà là người tiên phong chống lại việc sử dụng quá mức bài thi trắc nghiệm chuẩn hóa.

Chính sách đó đã tạo ra áp lực rất lớn, buộc giáo viên phải “dạy để thi”, chứ không phải dạy về khái niệm hoặc những vấn đề sâu. Trong nhiều trường hợp, nó còn kéo theo sự tham nhũng và gian lận (giáo viên và các quan chức nâng điểm của học sinh).

Lựa chọn nào cho Việt Nam?

Vậy nên có nhiều hơn 2 bài thi? Hay là mỗi trường đại học nên thiết kế bài thi riêng? Cảm giác của tôi là nhiều bài thi viết vừa cô lập vừa gây stress. Một bài thi miệng hoặc phỏng vấn như ĐH Cambridge lại ý nghĩa, giá trị cho cả trường lẫn sinh viên.Việt Nam có thể học hỏi từ các nước để cải tiến hệ thống tuyển sinh đại học không? Có thể, nhưng nên tham khảo những điều không nên làm. Nếu các nhà giáo dục Việt Nam quyết định nghiên cứu kinh nghiệm của nước khác một cách có hệ thống, họ phải cẩn trọng chọn người để thảo luận ở những nước ấy.

Trường hợp của Mỹ, tốt nhất là nghe câu chuyện của các nhà báo, hỏi chuyện sinh viên đại học và các khoa về ấn tượng, cũng như quan điểm của họ.

Ở các quốc gia khác cũng vậy, sinh viên, phụ huynh, giáo viên và nhà báo thường đưa ra nhận định, ý kiến về hệ thống tốt hơn so với các nguồn chính thức.

Những đại học tốt nhất được khuyến khích tìm kiếm sinh viên xuất sắc bằng cách phỏng vấn và thi vấn đáp, theo mô hình của ĐH Cambridge, chứ không phải bài thi trắc nghiệm.

Giáo sư Neal Koblitz (viết riêng cho Zing.vn)
Biên dịch: Phương Thảo Illustration: Nhân Lê

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thi-trac-nghiem-o-viet-nam-tu-goc-nhin-cua-giao-su-my-post854489.html