Thi trắc nghiệm 100% môn Toán: Chỉ khiến quay cóp nhanh hơn?

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nhận xét như vậy trước kiến nghị xem xét lại việc thi trắc nghiệm 100% môn Toán của Viện trưởng Viện Toán học.

Những ngày qua, bức thư gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam của GS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Trong bức thư này, GS Phùng Hồ Hải lo lắng về mô hình thi trắc nghiệm hoàn toàn môn Toán và những điều Ban chấp hành Hội Toán học Việt Nam khuyến cáo Bộ GD-ĐT cuối năm 2016 đã thành hiện thực.

Theo GS Phùng Hồ Hải, mô hình thi trắc nghiệm 100% môn Toán ở kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia là "hết sức sai lầm và có hại lớn đối với sự nghiệp chấn hưng giáo dục".

Đọc bức thư của GS Phùng Hồ Hải được báo chí đăng tải lại, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) chia sẻ với những lo ngại của Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam.

Theo đó, ông Ninh cũng cho rằng thi trắc nghiệm 100% môn Toán và nhiều môn khác trong kỳ thi THPT quốc gia không mang lại kết quả gì trong việc đánh giá học sinh đó bởi hình thức này tạo điều kiện cho quay cóp rất nhanh và cuối cùng khi một người sai sẽ dẫn đến những người khác sai cả loạt, không phản ánh được chất lượng thực sự của người học.

Ở nước ngoài, mô hình thi trắc nghiệm có thể được áp dụng nhiều, nhưng đó là khi học sinh của họ đã được chỉ dạy, kỷ luật nghiêm túc và tình trạng gian lận không phổ biến như ở Việt Nam.

Theo Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, thi trắc nghiệm 100% môn Toán là một sai lầm

Theo Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, thi trắc nghiệm 100% môn Toán là một sai lầm

"Ở ta, ứng xử đẹp giữa người với người vẫn chưa phát triển nhiều, thậm chí một bộ phận ngày càng lụi tàn, hủ hóa. Với thực tế ấy, làm sao có thể áp dụng thi trắc nghiệm đối với một kỳ thi trên diện rộng?".

Theo quan điểm của PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, thi trắc nghiệm không phải là hình thức có thể áp dụng phổ biến cho tất cả các môn học. Đối với những môn học cần phải tư duy, suy nghĩ, cân nhắc như Toán, Vật lý... không nên thi trắc nghiệm mà phải thi tự luận hay vấn đáp.

Trong khi đó, đối với những vấn đề thuộc về quy luật tự nhiên, đã trở nên phổ biến trong kiến thức của dân gian thì hoàn toàn có thể thi trắc nghiệm.

"Thi vấn đáp vẫn là phương án hay nhất để kiểm tra chất lượng, năng lực của người học với yêu cầu là phải có một người thầy "chuẩn". Tuy nhiên, thi vấn đáp lại rất mất thì giờ, thầy lười, trò lười thì cuối cùng chọn thi trắc nghiệm cho nhanh.

Chưa kể, trong tư duy giáo dục hiện nay, do ảnh hưởng của sự xuống cấp về văn hóa, tình trạng quay cóp, chạy điểm... đã trở nên phổ biến; có thi trắc nghiệm thì mới có thành tích để báo cáo.

Bệnh thành tích đã đi vào toàn bộ cuộc sống của người Việt, bị làm méo mó, mất đi ý nghĩa đẹp ban đầu. Căn bệnh ấy đánh vào thói tham tiền cố vị của con người, rằng nếu có thành tích thì được khen thưởng", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nhận xét.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, giáo dục là phải lấy chất lượng của con người, nhân tính của con người làm chính, mục tiêu của giáo dục là dạy làm người và làm nghề. Mỗi cá nhân trở thành một con người chính đáng, có nhân cách tốt thì khi làm nghề, sản phẩm của họ làm ra mới đáp ứng được chuẩn mực một cách tốt nhất phục vụ cộng đồng.

"Đáng tiếc hiện nay có bộ phận mang tâm lý dạy làm người, làm nghề đều là dạy làm tiền, trái ngược với mục tiêu của giáo dục", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nói.

Trước đó, trong bức thư gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vào năm ngoái và vừa được GS Phùng Hồ Hải đăng tải trên trang cá nhân, GS Hải cho rằng, thi trắc nghiệm tất cả môn sai ở xuất phát điểm.

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT lên tới 90% hoặc hơn thế nữa ở đa số vùng miền trên cả nước, do bệnh thành tích. Một kỳ thi mà gần như tất cả học sinh đều đỗ, việc tổ chức hoàn toàn không có ý nghĩa.

Theo GS Phùng Hồ Hải, những vụ việc tiêu cực vừa qua thêm một lần nữa khẳng định áp dụng máy móc, thiếu cân nhắc, thiếu chuẩn bị các mô hình nước ngoài vào Việt Nam chắc chắn dẫn tới thất bại. Khó khăn lớn nhất của chúng ta là con người chứ không phải cơ chế.

Ông cho biết, thành công trên nền tảng công nghệ nằm ở hai chữ công khai và kiểm soát. Nhưng việc tổ chức kỳ thi THPT vừa qua, mặc dù sử dụng công nghệ, lại đi ngược với nguyên lý này. Toàn bộ quy trình xây dựng đề thi, tổ chức thi, coi thi, chấm thi đều không đáp ứng yếu tố công khai và có kiểm soát (dù về hình thức có vẻ có).

Hệ quả của sự mất kiểm soát, trên nền công nghệ, là sự gian lận có thể thực hiện ở phạm vi chóng mặt. Thay vì sửa điểm cho một số học sinh, người ta sửa cho hàng trăm và mức sửa thực sự là không có giới hạn.

Đáng lưu ý, Viện trưởng Viện Toán học nhận định, tác hại lớn nhất của kỳ thi liên quan mục tiêu thứ hai của nó, là xét tuyển vào đại học. Đối với môn Toán, năng lực đầu vào của sinh viên hiện nay ở mức báo động. Do đối phó kiểu thi tốt nghiệp, các em hoàn toàn không được chuẩn bị kiến thức Toán học căn bản để có thể tiếp thu kiến thức ở bậc đại học. Đó là chưa nói đến chất lượng đề thi không giúp chọn được đúng học sinh năng lực.

Ngoài ra, thời gian học đại học đang bị rút ngắn. Hệ quả là chúng ta sẽ phải cho ra trường những sinh viên "không có mấy chữ trong bụng".

GS Phùng Hồ Hải cho rằng cần tổ chức các hội thảo để rút kinh nghiệm công tác thi cử và đưa ra biện pháp cho năm tới. Đối với những vấn đề liên quan chuyên môn Toán học, xin hãy lắng nghe những nhà Toán học.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/thi-trac-nghiem-100-mon-toan-chi-khien-quay-cop-nhanh-hon-3390932/