Thi tốt nghiệp THPT các nước thế nào?

Việc tổ chức thi THPT như thế nào cũng là một vấn đề ở nhiều quốc gia.

Học sinh tại một trường trung học ở bang Massachusetts, Mỹ - Ảnh: Bích Chiêu

Mỹ - xu hướng bỏ dần yêu cầu thi tốt nghiệp THPT

Tính hiệu quả, vấn đề then chốt của một kỳ thi

Như vậy, rõ ràng không có câu trả lời đơn nhất đúng sai cho những hình thức thi THPT, mà là mỗi cách đều cần phải phục vụ hiệu quả mục đích của hệ thống giáo dục quốc gia, có giá trị trong bối cảnh cụ thể và khắc phục hiệu quả một vấn đề nhất định của hệ thống đó. Ở đây, điều then chốt chúng ta cần đánh giá toàn diện kỳ thi ghép 2 trong 1 hiện nay thực hiện những mục đích gì, giải quyết hiệu quả các vấn đề nào và sự cần thiết của nó.

Theo tờ Washington Post (2017), số tiểu bang bỏ dần thi tốt nghiệp cuối cấp đang dần gia tăng. Năm 2015 còn 21/50 bang toàn nước Mỹ duy trì chính sách thi tốt nghiệp THPT, trong đó có Florida, Texas, California và New York. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau (2017), chỉ còn 13 bang. Đến năm 2018 chỉ còn 12 bang. Bài thi sử dụng cũng rất khác nhau. Phần lớn 12 bang này tổ chức, thiết kế bài thi chuẩn hóa toàn bang riêng nhưng cũng có bang như Mississippi, New Jersey cho phép học sinh thi bài thi do các tổ chức khảo thí chuyên nghiệp tổ chức để thay thế như bài thi ACT, SAT. Ở một số bang này, học sinh có nhiều lựa chọn để lấy bằng tốt nghiệp, trong đó có cả hình thức nộp hồ sơ chứng minh học lực.

Trong xã hội Mỹ đã có các ý kiến trái chiều về sự cần thiết của thi tốt nghiệp THPT.

Nghiên cứu của Mỹ trong giai đoạn 1975 - 2002 cho thấy tỷ lệ tốt nghiệp THPT giảm khi các bang áp dụng chính sách thi. Một nghiên cứu khác do Viện Manhattan Institute cho rằng không có mối tương quan giữa kỳ thi tốt nghiệp với học lực của học sinh, khi đưa ra ví dụ các bang có áp dụng thi tốt nghiệp như Massachusetts, Maryland và Virginia có chất lượng giáo dục thuộc tốp đầu, trong khi Mississippi cũng thi nhưng lại đứng ở vị trí áp chót. Còn theo Fox News, ngày càng nhiều bang cho rằng không cần thiết phải thi tốt nghiệp THPT.

[VIDEO] Khởi tố, bắt giam 2 cán bộ trong vụ án gian lận thi cử ở Hòa Bình

Những tranh cãi về kỳ thi tốt nghiệp ở Mỹ bắt đầu khoảng chục năm trước khi tỷ lệ bỏ học tăng lên ở bậc trung học. Có nhiều ý kiến chỉ trích thi tốt nghiệp, cho rằng không cần thiết, gây ra quá nhiều áp lực đối với học sinh, làm giảm tỷ lệ tốt nghiệp, gia tăng tỷ lệ bỏ học. Nhiều ý kiến khác cho rằng thi tốt nghiệp là đánh vào nhóm học sinh nghèo và thuộc nhóm thiểu số. Bài thi tốt nghiệp là khe cửa hẹp ngăn cản cơ hội giáo dục, có thể góp phần đẩy người trẻ bị thất nghiệp sớm hoặc vào lối sống thiếu lành mạnh. Cũng có những trường hợp được ghi nhận là lạm dụng các bài thi chuẩn hóa dẫn tới tác động tiêu cực đến người học. Có bằng chứng từ nghiên cứu về việc thi tốt nghiệp cho thấy các bài thi này không giúp gì được cho học sinh mà còn tác động xấu đến học sinh kém và thuộc nhóm yếu thế, không có tác động tích cực tới thị trường lao động, nguy hại hơn còn làm gia tăng tỷ lệ phạm tội.

Điều đáng lưu ý là bất kể hình thức xét tốt nghiệp là gì, dựa vào điểm thi tốt nghiệp hay xét hồ sơ học bạ thì tỷ lệ tốt nghiệp THPT của Mỹ nhiều năm trên dưới 80%. Chính phủ Mỹ từng đặt mục tiêu đến năm 2020 nâng tỷ lệ tốt nghiệp THPT lên 90%.

Mỗi quốc gia một mô hình

Các quốc gia trên thế giới có cách tiếp cận khác nhau về cách thức công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh. Trong khi có nhiều nước dựa vào kết quả các bài thi chuẩn hóa để xét tốt nghiệp thì cũng có một số nước không sử dụng hình thức này.

Nhật Bản là một trong những hệ thống không có kỳ thi tốt nghiệp THPT và giao việc tuyển sinh ĐH cho các trường ĐH. Trong khi đó, Phần Lan lại chỉ có kỳ thi quốc gia duy nhất nhưng rất căng thẳng (gọi là bài thi Matriculation Examination -ME) để xét tốt nghiệp. Bài thi này có lịch sử tới nay đã 166 năm, ban đầu được sử dụng vừa để xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH. Kể từ đầu thế kỷ 20, khi số người học tốt nghiệp THPT tăng nhanh, các trường ĐH Phần Lan đã phát triển các bài thi riêng để phục vụ tuyển sinh. Việc tuyển sinh ĐH theo trường vẫn tiếp tục tồn tại đến nay. Bản thân bài thi ME có rất nhiều cải tiến và thay đổi trong nhiều thập niên qua.

[VIDEO] Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình xin lỗi vì vụ án gian lận thi cử

Hà Lan là một trong những nước yêu cầu phải thi tốt nghiệp THPT. Úc lại có cách tiếp cận rất khác biệt khi không có bài thi tốt nghiệp quốc gia bắt buộc và sử dụng kết quả học tập lớp 12 (lớp 11 và 12 là bậc học không bắt buộc trong hệ thống giáo dục Úc) để tính điểm ATAR, một dạng điểm xếp hạng so sánh chính các học sinh trong cùng một năm học với nhau, để xét tuyển sinh ĐH. Một học sinh có điểm ATAR tức là đã hoàn thành chương trình học phổ thông. Điểm ATAR có từ 1 - 100, ví dụ một học sinh có điểm ATAR là 98 có nghĩa học sinh này có kết quả học tập cao hơn 98% học sinh cùng năm học đó. Điểm này sẽ được các trường ĐH dùng để tuyển sinh. Chẳng hạn năm 2017 điểm ATAR Trường ĐH Melbourne tuyển sinh vào chương trình cử nhân kinh doanh là 95, chương trình kỹ sư là 85.

Nga cũng là một trường hợp khác biệt, có hệ thống thi cử khá giống với VN hiện nay. Từ năm 2008 Nga đã triển khai kỳ thi quốc gia sáp nhập hai kỳ thi tốt nghiệp và ĐH vào một bài thi, tương tự như bài thi tốt nghiệp 2 trong 1 VN đang sử dụng. Lý do cho việc sử dụng kỳ thi chung quốc gia trên toàn lãnh thổ Nga được cho là để giải quyết các tiêu cực trong tuyển sinh ĐH. Tuy nhiên, kỳ thi chung này cũng vấp phải nhiều chỉ trích và cũng đang được nghiên cứu điều chỉnh. Điểm khác biệt với bài thi tốt nghiệp ở VN là họ kết hợp cả hình thức trắc nghiệm và tự luận trong bài thi.

Ý KIẾN

Thi tốt nghiệp THPT giao về địa phương

Việc thi để xét tốt nghiệp THPT thì cần giao về địa phương, hướng dẫn để có mặt bằng chung toàn quốc. Bất cứ ai có sai phạm cần bị xử lý triệt để. Các trường ĐH cần tự lo tuyển sinh theo đúng chức năng, trách nhiệm được giao và ghi trong luật.

PGS Nguyễn Ngọc Bình
(nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội)

Cần có nghiên cứu khoa học

Điều kiện để có thể đảm bảo các kỳ thi tốt nghiệp THPT ổn định khi và chỉ khi những người làm chính sách thi cử ra các quyết định phải dựa trên nghiên cứu khoa học. Việc lấy kết quả học tập của học sinh trong 3 năm để làm một trong những cơ sở xét tốt nghiệp và xa hơn xét vào ĐH là cách làm phản khoa học về mục đích và ý nghĩa của đánh giá quá trình (hình thành năng lực) trong việc tổ chức hoạt động dạy học. Ngay cả việc thi trắc nghiệm ảnh hưởng như thế nào với sự phát triển tư duy học sinh, đến cách dạy và học ở trường phổ thông cũng chưa có nghiên cứu. Kết quả thi tốt nghiệp trong các năm chưa bao giờ được phân tích để điều chỉnh chính sách, dạy và học ở nhà trường...

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh
(nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT)

Tiến sĩ Đỗ Thị Ngọc Quyên

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/giao-duc/thi-tot-nghiep-thpt-cac-nuoc-the-nao-989819.html