Thi tốt nghiệp THPT 2020: Tăng cường giám sát, phòng ngừa tất cả các tình huống

Với việc giao kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 cho địa phương tổ chức, giáo viên địa phương coi thi, ý kiến từ nhiều trường ĐH cho rằng, với công tác coi và chấm thi dù năm trước đã làm tốt, năm nay càng cần giám sát chặt chẽ hơn nữa.

Năm 2020, sẽ giao UBND tỉnh,TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT; trong đó, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong từng mắt xích của quy trình tổ chức thi (quản lý đề, in sao đề, coi thi, chấm thi, công bố kết quả…); việc tổ chức coi thi do địa phương quyết định, có đảo giáo viên coi thi giữa các trường trong tỉnh.

Hội đồng thi của tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, in sao đề thi. Trong những ngày thi thực hiện quản lý đề thi, bài thi tại điểm thi. Sau khi thi kết thúc, Hội đồng thi quản lý bài thi, tổ chức chấm thi, công bố kết quả thi.

Thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cần tăng cường nhiều biện pháp giám sát để đảm bảo tính nghiêm túc, minh bạch của kỳ thi. Ảnh: Khánh Huy

Thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cần tăng cường nhiều biện pháp giám sát để đảm bảo tính nghiêm túc, minh bạch của kỳ thi. Ảnh: Khánh Huy

Kết quả của kỳ thi cũng được nhiều trường ĐH làm căn cứ xét tuyển vào ĐH, nên có rất nhiều câu hỏi đặt ra rằng: Liệu có chuyện nới lỏng coi thi hay không? Để bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, chất lượng, chặt chẽ, Bộ GD&ĐT cho biết, việc tổ chức thanh tra kỳ thi sẽ được thực hiện theo 2 cấp ở Trung ương và địa phương. Trong đó, ở địa phương có Thanh tra Nhà nước của tỉnh và Thanh tra của Sở GD&ĐT; ở Trung ương là Thanh tra của Bộ GD&ĐT.

Ông Mai Văn Trinh Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết thêm, sẽ tiếp tục sử dụng biện pháp kỹ thuật, đặc biệt các thiết bị giám sát cho các khâu quan trọng như bảo quản đề thi, bài thi, chấm thi. Sau khi có kết quả thi, Bộ sẽ tiến hành phân tích, đánh giá, công khai dữ liệu so sánh giữa phổ điểm học bạ và phổ điểm thi tốt nghiệp của các địa phương để dư luận giám sát.

GS.TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội đề nghị, cả hệ thống chính trị vào cuộc để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, nghiêm túc, bảo đảm chất lượng, để các trường ĐH yên tâm xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi này.

“Có hai việc quan trọng là coi thi và chấm thi. Năm ngoái chúng ta đã làm rất tốt hai việc này. Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT có giao trách nhiệm cho địa phương, nên cần tăng cường giám sát, để phòng ngừa tất cả những điều không mong muốn xảy ra” - GS.TS Tạ Thành Văn nói.

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội mong muốn Bộ GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ các trường và đôn đốc hơn nữa khâu thanh tra, giám sát, hậu kiểm. Còn GS Phạm Hồng Quang, GĐ ĐH Thái Nguyên đề xuất, năm nay Bộ GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ các trường lọc ảo, vì năm ngoái, Bộ đã hỗ trợ các trường rất tốt công đoạn này.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, để kỳ thi tốt nghiệp THPT chất lượng, an toàn; các trường ĐH cần xắn tay vào cuộc. Có thể tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra và phối hợp nhịp nhàng với địa phương. Thanh tra không phải để tạo ra áp lực mà đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết thêm: Tinh thần chung là, làm sao để công tác tuyển sinh diễn ra nhẹ nhàng, đáp ứng được các yêu cầu và thí sinh an yên tâm, dư luận đồng tình. Trên tinh thần đó, Quy chế tuyển sinh 2020 cơ bản giữ ổn định như năm 2019. Vừa có tính kế thừa, vừa có cập nhật thực tế để phù hợp với thực tiễn của năm nay.

“Quy chế tuyển sinh phát huy tối đa quyền tự chủ của trường ĐH, nhưng các trường cần lưu ý đến trách nhiệm giải trình. Vì thế phải rà soát thật kỹ các thông tin liên quan đến đề án tuyển sinh trước khi công bố công khai. Bộ sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra nội dung này” - Thứ trưởng nói.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thi-tot-nghiep-thpt-2020-tang-cuong-giam-sat-phong-ngua-tat-ca-cac-tinh-huong-193194.html