Thi THPT quốc gia: Xử nghiêm, tiêu cực sẽ giảm

Góp ý về kỳ thi THPT quốc gia, PGS TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng kỳ thi có những sai sót, tiêu cực thì cần tìm ra biện pháp để hạn chế đến mức thấp nhất, trong đó cần phải xử lý nghiêm minh những người vi phạm.

Ông Trần Xuân Nhĩ.

PV: Thưa ông, với những sai phạm được phát hiện vừa qua, niềm tin về sự công bằng, khách quan của kỳ thi đang bị lung lay?

PGS TS Trần Xuân Nhĩ: Là một nhà giáo, theo dõi những tiêu cực ở một số địa phương vừa qua, tôi thật sự đau xót. Tôi không bao giờ nghĩ trong ngành giáo dục, ngành dạy làm người lại xảy ra những tiêu cực như vậy. Đó là sự đau xót cho toàn ngành. Tôi mong tới đây, những con người này sẽ bị xử lý kỷ luật đúng người đúng tội, không bao che để làm gương cho những người khác.

Nhưng qua bốn năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, năm nào cũng có những vấn đề chưa được, cần hoàn thiện. Có ý kiến cho rằng phải chăng cách làm hiện nay là vá víu, cần thay đổi?

- Vừa rồi trong Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nói, đổi mới cần có lộ trình và trong quá trình đó, không có giải pháp nào hoàn hảo, đáp ứng được mọi yêu cầu. Vấn đề là chúng ta hạn chế đến mức thấp nhất những gì chưa được, những tiêu cực có thể xảy ra bằng cách rà soát thật kỹ tất cả các khâu.

Hiện nay, mỗi cuộc thi có 3 khâu cơ bản. Thứ nhất là ra đề thi, thứ hai là tổ chức thi và thứ ba là bảo quản đề thi, chấm thi và công bố kết quả.

Trong đó, khâu một là làm thế nào để đề thi thích hợp với trình độ của học sinh hiện tại, tránh tình trạng năm thì cơn mưa số 10, năm thì quá khó. Việc này chúng ta đã nói rất nhiều nhưng chưa thay đổi được. Cần một ngân hàng đề thi được đầu tư đúng mức với sự tham gia của tất cả các thầy cô giáo có kinh nghiệm. Với ý kiến đi mua đề thi của nước ngoài về để Việt hóa tôi thấy không khả thi.

Thứ hai, ở khâu tổ chức thi, ai đào tạo người đó đứng ra tổ chức. Các Sở GD-ĐT 12 năm tổ chức việc đào tạo thì giờ đứng ra tổ chức thi là hợp lý, không thể giao cho các trường ĐH làm việc này. Bộ GD-ĐT cũng không thể ôm đồm. Nhưng làm thế nào để tổ chức thi cho nghiêm ngặt, không để xảy ra tiêu cực thì cần sự rà soát các khâu thật nghiêm túc để rút kinh nghiệm. Nếu như là ở địa điểm thi, giám thị hay mắt xích nào thì thay đổi, cải tiến sao cho phù hợp nhất. Mỗi người làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình thì làm sao tiêu cực được? Chẳng hạn, như vụ việc ở Hà Giang, Sơn La, nếu thanh tra của các trường ĐH được cử về địa phương làm đúng trách nhiệm của mình thì chắc tiêu cực phần nào sẽ được giảm thiểu.

Về vấn đề bảo mật sau kỳ thi, nhiều chuyên gia đã chỉ ra quy trình lỏng lẻo khi các bài thi, máy quét, máy tính thiếu sự giám sát chặt chẽ từ các bên liên quan. Chẳng hạn, nếu được đưa vào phòng niêm phong chu đáo, phải ít nhất 2 khóa, thậm chí 3 khóa để nếu mở khóa thì cần sự có mặt của nhiều người rồi camera giám sát thì sẽ không thể có câu chuyện phù phép để thay đổi điểm một số bài thi như ở Hà Giang vừa qua...

Đó là về mặt kỹ thuật, cần chặt chẽ hơn nữa. Nhưng con người làm chủ về mặt kỹ thuật nên nếu người thực hiện cố tình vi phạm thì khó ngăn chặn được. Vì vậy, cách tốt nhất là hạn chế tối đa sự can thiệp của con người vào các khâu này. Xử lý nghiêm minh không chỉ có tính chất răn đe mà để những ai có dự định “tay nhúng chàm” cũng sẽ phải nghĩ lại trước khi hành động.

Tôi cho rằng nếu dùng biện pháp mạnh thì những tiêu cực này ở các năm tiếp theo sẽ giảm thôi. Tất nhiên, để triệt tiêu hoàn toàn tiêu cực thì không dễ.

Một trong những biện pháp quyết liệt như Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo là kiên quyết đuổi ra khỏi ngành giáo dục những người vi phạm. Ông có đồng tình?

- Tôi cho rằng không chỉ xử lý những thầy cô đã làm sai mà còn phải truy đến cùng những người đứng sau, những người dùng tiền, dùng quan hệ để mua điểm cho con em mình. Xử lý không có vùng cấm mới phát huy tác dụng làm gương được.

Kỳ thi THPT quốc gia vẫn sẽ được giữ ổn định đến năm 2020. Sau đó, ông có đề xuất thay đổi như thế nào?

- Tôi vẫn tán thành chủ trương không bỏ kỳ thi THPT quốc gia. Còn cách thi thế nào thì cần phải xem xét, bàn bạc thêm. Không có cách nào hoàn hảo, cần lựa chọn cách nào phù hợp nhất chứ không thể cứ sai là đòi bỏ. Liệu nếu thay thế bằng một cách khác có ưu việt hơn không? Nếu ai đề xuất bỏ thì cần đưa ra phương án thay thế vì trên thực tế, nếu không có kỳ thi thì sẽ không đánh giá được cả 12 năm học trên bình diện toàn quốc.

Cũng phải nói thêm, nhiều nước có thể không tổ chức thi mà xét tốt nghiệp nhưng ít phát hiện tiêu cực như ở ta. Tôi cho rằng, trước hết là vì giáo viên “bụng đã no” rồi, họ không cần đến những tiêu cực khác. Thứ hai, tiêu cực ở đây là để giành tấm vé vào trường ĐH top trên, nghĩa là khi nào tâm lý phải vào ĐH bằng được thay vì chọn đi học nghề đúng khả năng, năng lực của thí sinh thay đổi thì khi đó, việc bỏ thi mới khả quan.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hương (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/thi-thpt-quoc-gia-xu-nghiem-tieu-cuc-se-giam-tintuc412181