Thi THPT quốc gia 'rủi ro kinh khủng'!

Dù đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia như thế nào cũng phải trả lời được câu hỏi về việc có tăng được chất lượng và giảm tiêu cực cũng như chi phí cho kỳ thi này hay không.

Nhiều ý kiến đề nghị xem lại kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” hiện nay vì có nhiều kẽ hở để lợi dụng gây ra tiêu cực - Ảnh: Ngọc Dương

Nhiều đề xuất mới được đưa ra để áp dụng vào cách thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia trong tương lai, nhưng các chuyên gia và ý kiến từ cơ sở đề nghị: dù đổi mới như thế nào cũng phải trả lời được câu hỏi về việc có tăng được chất lượng và giảm tiêu cực cũng như chi phí cho kỳ thi này hay không.

Sáng 23.4, Viện Đo lường đánh giá phát triển giáo dục tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và mô hình đánh giá để công nhận tốt nghiệp THPT cho VN”.

PGS Nguyễn Phương Nga, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu đề xuất phương án đánh giá xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới” đã nêu những đề xuất ban đầu về đổi mới kỳ thi sau năm 2020 và giải đáp những băn khoăn xung quanh những đề xuất này.

Mỗi lần nghĩ đến thi lại… “lên một cơn đau tim”

Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, với tư cách là người thực hiện và sát sao nhất với thực tế đã nhiều lần nhắc tới cụm từ “rủi ro kinh khủng” khi nhận định về cách thức tổ chức kỳ thi như hiện nay. Ông Dũng cho rằng: Bộ đã rất cố gắng để cải tiến kỳ thi nhưng vẫn còn hạn chế. Thứ nhất là chi phí công tăng. Thứ hai khi mà Đề án phân luồng, hướng nghiệp đã được Chính phủ ban hành nhưng cách thi như hiện nay thì các địa phương không thể phân luồng hướng nghiệp được. Học sinh đăng ký hết vào ĐH, không trường này thì trường khác.

“Tôi hoàn toàn đồng tình với nhận xét là phân quyền quản lý trong kỳ thi hiện nay không hợp lý. Tôi thấy cách thi này chứa đựng rất nhiều rủi ro. Bộ thì lo các sở làm thế nào, tôi làm giám đốc sở thì tôi lại lo không biết các điểm thi trên địa bàn mình làm thế nào. Tiềm ẩn rủi ro rất cao. Bộ thì lo những điểm thi ở cách xa trung tâm, ở Tây Bắc, Tây nguyên... Tôi thì lo những điểm thi cách sở 50 - 70 km, không biết đêm hôm thế nào, từ bảo quản đề, bảo quản bài như thế nào..., mỗi lần như thế lại... “lên một cơn đau tim” vì nó quá nhiều nguy hiểm. Tiềm ẩn rủi ro kinh khủng. Mỗi lần Bộ cải tiến để làm kỳ thi tốt hơn thì dưới Sở GD-ĐT như tôi lại cứ phải lo rất nhiều việc khác kèm theo”, ông Trần Trung Dũng nói.

Theo ông Dũng, phân quyền không hợp lý ở chỗ áp lực dồn về địa phương quá nặng. “Tôi cũng nói luôn là những kiểu như Hòa Bình, Sơn La... có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tôi đã từng khẳng định với lãnh đạo tỉnh là tôi kiên quyết không làm chứ không phải tôi không làm được”, ông Dũng thẳng thắn nói.

Ông Dũng khẳng định áp lực như vậy chính là nguyên nhân từ kỳ thi “2 trong 1” và đề nghị đề tài nghiên cứu của Bộ GD-ĐT về đổi mới thi cần làm rõ để khẳng định được việc của ai thì người đó làm. Để công nhận tốt nghiệp thì trách nhiệm của địa phương, Sở GD-ĐT phải làm. Còn việc tuyển sinh là việc của ĐH thì ĐH phải làm.

“Hiện nay chúng tôi đang được giao làm thay quá nhiều. Những nơi mà người ta cố tình lợi dụng kẽ hở thì người ta coi đây là sự may mắn”, ông Dũng nhấn mạnh.

Chi nhiều tỉ đồng để gần 100% tốt nghiệp !

Trong khi Bộ GD-ĐT nhiều lần khẳng định việc đổi mới kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay là giảm áp lực, chi phí cho ngân sách thì chính những người tổ chức lại khẳng định điều ngược lại.

Nhiều ý kiến đề nghị xem lại kỳ thi THPT quốc gia hiện nay vì có nhiều kẽ hở để lợi dụng gây ra tiêu cực - Ảnh: Ngọc Dương

Ông Trần Trung Dũng cho biết vài năm gần đây ngân sách địa phương chi cho kỳ thi này tăng lên đến 39% so với trước kia. Tiến sĩ Nguyễn Văn Trào, Hiệu trưởng ĐH Hà Nội, cho rằng: “Về tổ chức thi quốc gia, tôi hoàn toàn nhất trí với việc phải tổ chức thi nhưng kỳ thi tốt nghiệp theo tôi chỉ nên đặt ra hai mục đích: một là để xét công nhận tốt nghiệp THPT và hai là để đánh giá “sức khỏe” giáo dục phổ thông của chúng ta đang ở đâu so với thế giới”.

Tuy nhiên, theo ông Trào, với mục tiêu để xét công nhận tốt nghiệp thì hằng năm chúng ta chi rất nhiều tiền và kèm theo đó là tổn hao về tâm lý, trí tuệ của toàn xã hội để rồi có gần 100% tốt nghiệp.

“Chúng ta đã chi rất nhiều tỉ đồng để “tìm ra” một vài phần trăm trượt tốt nghiệp thì có đáng không?”, tiến sĩ Trào nói và cho rằng sao không tính đến phương pháp khác? Các quốc gia không tổ chức thi để công nhận tốt nghiệp nhưng người ta vẫn có công cụ khác, hình thức khác để xem năng lực học sinh phổ thông ở thứ hạng bao nhiêu so với chuẩn chung của thế giới.

PGS-TS Lê Đức Ngọc, Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN đặt vấn đề: “Kiểu đánh giá hơn 90% tốt nghiệp thì làm sao mà thúc đẩy các trường THPT nâng cao chất lượng? Vừa qua chúng ta phân quyền cho địa phương quá lớn, từ tổ chức thi cho đến chấm thi nên đã xảy ra rất nhiều chuyện. Chưa áp dụng triệt để công nghệ hiện đại. Áp lực thi tốt nghiệp vẫn còn cao vì đây là kỳ thi “2 trong 1”.

Bà Nguyễn Phương Nga cho rằng việc đỗ trên 90% tốt nghiệp đã đánh giá sát năng lực của thí sinh chưa là một câu hỏi khó trả lời nhất vì tính đến nay chưa có đánh giá nào thật lớn, thật sâu trên diện rộng về điểm thi tốt nghiệp và điểm thi ĐH có sự vênh nhau nhiều không? Những học sinh không tốt nghiệp thì vào đời có thành công hay không, chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này.

7 lần cải cách thi THPT vẫn chưa giảm được áp lực và chi phí

Từ năm 1975 - 2018, giáo dục VN đã trải qua 7 lần cải tiến lớn về đánh giá và công nhận tốt nghiệp THPT.

Năm 1975, thi tốt nghiệp THPT gồm 6 môn, trong đó có môn chính trị.

Trước năm 2000, thi tốt nghiệp THPT gồm 4 môn: 2 môn bắt buộc (toán, ngữ văn) và 2 môn lựa chọn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý được công bố vào cuối tháng 3 hằng năm.

Giai đoạn 2000 - 2005, thi 6 môn tốt nghiệp THPT (dạng thức thi tự luận).

Năm 2006 thi 6 môn tốt nghiệp THPT, riêng ngoại ngữ thi trắc nghiệm.

Từ năm 2007 - 2013 thi tốt nghiệp THPT giữ nguyên 6 môn, dạng thức thi trắc nghiệm khách quan sử dụng cho các môn vật lý, hóa học, sinh học, ngoại ngữ; còn lại là tự luận.

Năm 2014 - 2016 thi THPT quốc gia đã giảm xuống còn 4 môn (2 môn bắt buộc ngữ văn và toán) và 2 môn tự chọn (hóa học, vật lý, địa lý, lịch sử, sinh học, ngoại ngữ). Thi trắc nghiệm khách quan với ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học và thi tự luận với toán, ngữ văn, lịch sử và địa lý.

Năm 2015, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và môn tự chọn trong các môn (lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học). Lần đầu tiên Bộ quyết định sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh.

Năm 2017 - 2018 đến nay, thi tốt nghiệp THPT gồm 4 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và 1 bài thi tổ hợp tự chọn (tổ hợp về lĩnh vực khoa học tự nhiên hoặc tổ hợp về lĩnh vực khoa học xã hội). Các đề thi đều sử dụng dạng trắc nghiệm khách quan, riêng ngữ văn là tự luận.

Đề tài nghiên cứu đánh giá sau 7 lần cải tiến, các kỳ thi tốt nghiệp THPT này vẫn chưa thay đổi được những căng thẳng và lo âu cho nhiều tầng lớp trong xã hội và các cơ quan công quyền liên quan với những áp lực lớn, chi phí công cao và những chi phí lớn của các gia đình có con em dự thi. Kỳ thi THPT năm 2017, 2018 vẫn là một kỳ thi đòi hỏi sự huy động cùng lúc nhiều nguồn lực phục vụ cho một kỳ thi chung toàn quốc và chưa đảm bảo loại bỏ được một vài yếu tố tiêu cực can thiệp vào kết quả thi.

Báo chí không được tham dự phiên giải trình về gian lận thi cử

Liên quan tới vụ gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, chiều 23.4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội đã có buổi làm việc với Bộ GD-ĐT và Bộ Công an. Mặc dù đại diện Ủy ban khẳng định đây là buổi làm việc bình thường nhưng các cơ quan truyền thông không được tham dự.

Theo thông tin từ cổng thông tin điện tử của Văn phòng Quốc hội, tại phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đánh giá vụ gian lận thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 là vấn đề dư luận xã hội rất quan tâm và đây cũng là nội dung quan trọng liên quan tới thế hệ tương lai của đất nước. Công tác thi cử, chọn lọc đúng đắn sẽ góp phần đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Do vậy, ông Bình mong muốn tại phiên làm việc, đại diện bộ ngành, các đại biểu tham dự sẽ thảo luận và thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần xử lý trước mắt và trong chiến lược lâu dài đối với kỳ thi THPT quốc gia nước ta hiện nay nhằm bảo đảm nghiêm túc, công bằng.

(Lê Hiệp)

Tuệ Nguyễn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/thi-thpt-quoc-gia-rui-ro-kinh-khung-1074620.html