Thi THPT quốc gia năm 2020: Tiếp tục giữ ổn định, nghiêm túc lựa chọn nhân sự

Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ được tổ chức theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2019. Đây là một trong những nội dung được Bộ GD&ĐT nêu trong 'Hướng dẫn nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2019-2020' với các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến công tác thi và đánh giá chất lượng giáo dục, bảo đảm kiểm định chất lượng giáo dục và công tác quản lý văn bằng chứng chỉ.

Đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh

Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ được tổ chức theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2019. Kỳ thi nhằm đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học ở mức độ học vấn phổ thông. Kết quả thi có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông; làm cơ sở cho tuyển sinh giáo dục ĐH (GDĐH), giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo tinh thần tự chủ tuyển sinh đã được quy định trong Luật GDĐH sửa đổi, bổ sung.

Để kỳ thi hiệu quả, Bộ yêu cầu các Sở GD&ĐT tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá năng lực, bảo đảm sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Chuẩn bị điều kiện để thí điểm xây dựng các ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa phục vụ cho kiểm tra đánh giá thường xuyên các môn học ở cấp THPT.

Đồng thời, các Sở cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thi; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo để bảo đảm kết nối thông tin thông suốt, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo và tổ chức thi; chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2020; xây dựng các phương án dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi.

Như vậy, kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 vẫn tiếp tục có 5 môn thi, bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, và 2 bài thi thuộc môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Trong đó, chỉ môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Bộ GD&ĐT sẽ chủ trì, chỉ đạo các trường ĐH chấm bài thi trắc nghiệm của thí sinh; bài thi tự luận do Sở GD&ĐT các địa phương chấm.

 Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 về cơ bản được giữ ổn định, yếu tố con người tham gia tổ chức, giám sát kỳ thi tiếp tục được chú trọng chặt chẽ. Ảnh:Khánh Huy

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 về cơ bản được giữ ổn định, yếu tố con người tham gia tổ chức, giám sát kỳ thi tiếp tục được chú trọng chặt chẽ. Ảnh:Khánh Huy

Các địa phương chủ động lựa chọn nhân sự

Nhân sự tham gia kỳ thi THPT quốc gia đóng vai trò hết sức quan trọng. Sau những sai phạm liên quan đến vấn đề con người, làm ảnh hưởng đến kết quả thi tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, việc lựa chọn nhân sự càng được chú trọng, quan tâm hơn nữa. Năm 2019, kỳ thi THPT quốc gia diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan, không có dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng. Trên tinh thần đó, năm 2020, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các địa phương, Sở GD&ĐT làm tốt việc lựa chọn nhân sự chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2020. Theo đó, cần chú trọng tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho các cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát.

Tăng cường quán triệt quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Đồng thời tăng cường chức năng quản lý nhà nước, vai trò thanh tra, kiểm tra, giám sát, gắn kết trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi của UBND, ban chỉ đạo thi cấp tỉnh và Sở GD&ĐT đối với các hội đồng thi.

Các Sở cũng chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia 2020, xây dựng các phương án dự phòng để xử lý các tình huống phát sinh có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi.

Bộ GD&ĐT xác định mọi quy chế có chặt chẽ đến đâu thì con người mới là yếu tố quyết định trong các khâu quản lý, giám sát, nhập điểm… Năm 2019, khi tổ chức tập huấn nghiệp vụ thi THPT quốc gia, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhận định: “Đầu tiên xuất phát từ con người, những người trực tiếp làm công tác này có thể dẫn đến sai phạm không nhỏ làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín ngành giáo dục, ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội đối với chúng ta trong việc tổ chức kỳ thi lớn như kỳ thi THPT quốc gia". Bởi thế, thận trọng trong vấn đề lựa chọn con người là hết sức rất cần thiết.

Việc giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ giúp việc dạy và học trong các trường phổ thông tiếp tục được ổn định, tại sự chủ động cho giáo viên và học sinh. Những thay đổi cụ thể chỉ bắt đầu sau năm 2020 nhưng cũng không có xáo trộn lớn. Theo Bộ GD&ĐT, sau năm 2020, nội dung thi THPT quốc gia nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là lớp 12. Phương thức thi trên giấy như hiện nay, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thi-thpt-quoc-gia-nam-2020-tiep-tuc-giu-on-dinh-nghiem-tuc-lua-chon-nhan-su-168616.html