Thi THPT quốc gia 2019: In sao, vận chuyển đề thi thế nào ?

Thời điểm này, 63 cụm thi trên cả nước đều đang in sao đề thi THPT quốc gia. Đây là một trong những khâu đặc biệt quan trọng của kỳ thi này bởi chỉ một sơ suất nhỏ cũng khiến việc bảo mật đề thi bị đe dọa.

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT (phải), kiểm tra công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia tại Hà Giang - Ảnh: N.H

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, khu vực in sao đề thi THPT quốc gia phải là một địa điểm an toàn, kín đáo, biệt lập và được bảo vệ nghiêm ngặt trong suốt thời gian làm việc, có đầy đủ phương tiện bảo mật, phòng cháy, chữa cháy; có sự cách ly theo 3 vòng độc lập, những người làm việc ở khu vực in sao đề thi chỉ được hoạt động trong phạm vi cho phép.

Phá sóng điện thoại, cách ly cả… rác

Trong đó, vòng in sao đề thi chỉ gồm cán bộ có trách nhiệm tiếp xúc trực tiếp với đề thi. Đây là khu vực khép kín, cách ly tuyệt đối với bên ngoài từ khi mở đề thi gốc và bắt đầu in sao, đến khi thi xong môn cuối cùng; cửa sổ các phòng phải đóng kín và niêm phong; các khoảng trống thông ra bên ngoài phải bịt kín bằng vật liệu bền, chắc. Hằng ngày, cán bộ ở vòng 1 tiếp nhận vật liệu và đồ ăn, uống từ bên ngoài chuyển vào qua vòng 2.

Tại Hà Nội, một phó giám đốc Sở GD-ĐT được phân công vào khu vực in sao đề thi THPT quốc gia để chỉ đạo công việc này. Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác bảo mật đề thi, bài thi, ông Phạm Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Bình, nói: “Những khu vực in sao, bảo quản đề thi, bài thi, thậm chí cả rác cũng phải cách ly 10 ngày sau khi hết kỳ thi mới được đổ”.

Tại các điểm “nóng” thi cử năm 2018, ngày 18.6, ông Nguyễn Thế Bình, Phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Hà Giang, khi báo cáo với đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT về công tác chuẩn bị thi của tỉnh này đã cho biết, việc in sao đề thi đang tiến hành đúng tiến độ, nhân sự tham gia được tuyển chọn kỹ lưỡng, đảm bảo theo quy chế và đáp ứng yêu cầu công tác in sao. Các ngành thành viên ban chỉ đạo thi tỉnh Hà Giang đã phối hợp lập kế hoạch về bảo đảm an ninh, an toàn, chú trọng đến các phương án bảo mật, phòng chống cháy nổ, cung cấp điện phục vụ cho công tác in sao đề thi.

Tại Sơn La, ông Lê Hồng Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tỉnh, cho hay: Địa điểm in sao đặt tại một khách sạn biệt lập, cách ly triệt để với bên ngoài và giữa các bộ phận có liên quan, được hàng chục người bảo vệ và thanh tra giám sát từng vòng.

Tại Hòa Bình, ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD-ĐT, khẳng định: Khu vực in sao đề thi có lắp đặt thiết bị phá sóng điện thoại, wifi. Các thành viên tổ nhận đề thi và ban in sao đề đều là những cán bộ có phẩm chất đạo đức, có tinh thần trách nhiệm và có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có kinh nghiệm trong việc in sao đề thi. Địa điểm in sao đề là khu vực biệt lập, được bảo vệ suốt trong thời gian in đề, có máy in siêu tốc, máy phối trang dập ghim...

Vận chuyển đề thi bằng xe công vụ

Điều này rất quan trọng vì nếu sau này cần trích xuất thì không thể nói vì mất điện mà camera không hoạt động. Camera phải hoạt động 24/24 giờ

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

Việc sử dụng xe công để vận chuyển đề thi, bài thi không phải là quy định bắt buộc nhưng theo ghi nhận của Thanh Niên, một số địa phương đã chủ động đề xuất với lãnh đạo tỉnh để thực hiện quy định này, tăng thêm tính an toàn cho khâu vận chuyển đề thi, bài thi.

Sơn La là một cụm thi áp dụng điều này. Ông Lê Hồng Minh cho biết việc vận chuyển đề thi đến tất cả điểm thi đều sử dụng xe công vụ và thực hiện nghiêm túc việc bảo vệ, giám sát đảm bảo an toàn, đúng quy định. Tại điểm in sao đề thi phải có một phòng để bàn giao đề cho các phó trưởng điểm thi. Đề thi khi bàn giao phải đựng trong hòm sắt, được khóa và niêm phong theo quy định.

Tại Hà Giang, ông Nguyễn Thế Bình, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết nhân sự tham gia ban vận chuyển và bàn giao đề thi cũng được lựa chọn rất kỹ. Toàn tỉnh bố trí 6 tổ vận chuyển và bàn giao đề thi về 20 điểm thi, Công an tỉnh Hà Giang được phân công bố trí đủ phương tiện ô tô vận chuyển đề thi THPT quốc gia. Tại mỗi tổ vận chuyển và bàn giao đề thi, bố trí đủ số hòm tôn có khóa niêm phong trong quá trình vận chuyển, có cán bộ công an đi cùng bảo vệ đề thi.

Còn tại tỉnh Hòa Bình, Công an tỉnh xây dựng phương án bảo đảm an ninh, an toàn. Khu vực bảo quản đề thi, bài thi lắp camera giám sát 24/24 giờ. Ngắt toàn bộ hệ thống máy tính, kết nối internet; trang bị các thiết bị phòng chống cháy nổ, bố trí công an trực 24/24.

Kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại các địa phương, xem xét các địa điểm in sao, bảo quản đề thi, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng việc Sơn La dùng xe công vụ để vận chuyển đề thi, bài thi nên áp dụng ở các địa phương khác nhằm tăng tính an toàn. Về hệ thống camera giám sát, ông Độ lưu ý phải có máy phát điện để camera có thể hoạt động nếu mất điện. “Điều này rất quan trọng vì nếu sau này cần trích xuất thì không thể nói vì mất điện mà camera không hoạt động. Camera phải hoạt động 24/24 giờ”, ông Độ nói.

Hỗ trợ địa phương thiếu cán bộ

Bộ GD-ĐT đã tổ chức 8 đoàn thanh tra đi kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi tất cả 63 tỉnh, thành. Đến nay Bộ đã thanh, kiểm tra tại gần 30 tỉnh, thành và sẽ tiếp tục tới khi chấm thi xong.

Tại cuộc họp rà soát lại công tác chuẩn bị kỳ thi ngày 18.6, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh cần phải rà soát lại tất cả các khâu, trong đó lưu ý “ở từng thời điểm, từng giai đoạn, trước khi kỳ thi diễn ra, tất cả công tác chuẩn bị phải hoàn tất, đảm bảo có một kỳ thi an toàn, nghiêm túc và chất lượng”. Ông Nhạ cũng yêu cầu các đoàn thanh tra, kiểm tra sau khi đi kiểm tra điều kiện tổ chức kỳ thi tại các điểm thi trong cả nước phải rà soát lại những thiếu sót, bất cập nếu có và hướng dẫn các địa phương khắc phục, chỉnh sửa.

Ông Nhạ nhấn mạnh: “Phải rà soát danh sách cán bộ coi thi và thanh tra tại các điểm thi, đây là khâu rất quan trọng”. Đặc biệt, với những tỉnh, thành có lãnh đạo các Sở GD-ĐT mới được bổ nhiệm hoặc thiếu cán bộ để tổ chức kỳ thi, ông Nhạ lưu ý ban chỉ đạo thi và chính quyền địa phương cần có sự hỗ trợ tối đa, cố gắng không để bất kỳ một sai sót đáng tiếc nào xảy ra ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi.

Niêm phong tất cả phòng không sử dụng

Hôm qua, ngày 19.6, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức họp với ban lãnh đạo các điểm thi THPT quốc gia. Bà Nguyễn Đặng An Long, Phó trưởng phòng Khảo thí, Sở GD-ĐT, cho biết TP.HCM có 111 điểm thi với khoảng 71.000 thí sinh đăng ký dự thi. Trưởng điểm thi là người chịu trách nhiệm trong việc nhận và bảo quản đề thi, nếu phó trưởng điểm thi nhận đề thi buộc phải có giấy ủy quyền.

Ngoài ra, bà An Long cho biết, mỗi điểm thi chỉ duy trì một số điện thoại, một đường dây internet đã đăng ký. Toàn bộ điện thoại, máy photocopy, các đường mạng khác đều phải niêm phong. Tất cả các phòng không sử dụng đều phải niêm phong, không được ra vào. Tuyệt đối không để xảy ra sự việc người không có nhiệm vụ vào điểm thi và làm việc riêng khi đang làm nhiệm vụ thi.

Bích Thanh

Hà Giang băn khoăn về cơ chế phối hợp chấm thi

Ngày 18.6, tại buổi làm việc với Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Thế Bình, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang, cho biết công tác tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm hiện tại được giao 100% cho các cơ sở giáo dục ĐH, Giám đốc Sở GD-ĐT các địa phương chỉ thực hiện việc chuẩn bị cơ sở vật chất bảo đảm và ký ban hành quyết định thành lập ban chấm bài thi trắc nghiệm trên cơ sở thành phần nhân sự do các cơ sở đào tạo ĐH đề xuất. Hiện tại, chưa có cơ chế để lãnh đạo Sở GD-ĐT địa phương, lãnh đạo các hội đồng thi tham gia kiểm tra, giám sát, thực thi quyền của người ký quyết định thành lập đối với hoạt động của ban chấm thi trắc nghiệm. Do vậy, Sở GD-ĐT Hà Giang đề nghị Bộ GD-ĐT, ban chỉ đạo thi THPT quốc gia cho ý kiến về cơ chế phối hợp, kiểm tra, giám sát giữa chủ tịch hội đồng thi, giám đốc các sở GD-ĐT địa phương đối với hoạt động của ban chấm bài thi trắc nghiệm.

Tuệ Nguyễn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/thi-thpt-quoc-gia-2019-in-sao-van-chuyen-de-thi-the-nao-1094466.html