Thi THPT quốc gia 2017: Nhận xét bài thi khoa học xã hội

Sáng nay 24.6, thí sinh dự thi bài thi khoa học xã hội (KHXH) ít hơn bài thi khoa học tự nhiên nên TP.HCM chỉ có 85 điểm thi.

Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Cụ thể, các bài thi thành phần gồm lịch sử có 23.151 thí sinh đăng ký, môn địa lý có 22.341 thí sinh đăng ký và GDCD có 18.631 thí sinh đăng ký.

Một số thí sinh tự do dự thi môn thi lịch sử và địa lý sau khi kết thúc thời gian làm bài khá vui vì đề thi không khó, kiến thức nằm trong chương trình lớp 12.

Một thí sinh tự do tại quận 3, TP.HCM cho biết ở môn lịch sử, đề bài cho ra vào các giai đoạn lịch sử quan trọng của Việt Nam nên hầu như học sinh trong quá trình ôn tập đều lưu ý. Ngoài ra đề thi còn có các câu hỏi liên hệ thực tế khá lý thú như cơ cấu các tổ chức thuộc chính phủ. B.Thanh (ghi)

* Tại điểm thi Trường THPT Trần Quang Khải (Q.11, TP.HCM), thí sinh tên Anh Chi cho biết: "Đề sử dễ, em chỉ làm khoảng nửa thời gian là xong. Trong đó chắc chắn trên 7,5 điểm".

Cùng niềm vui, thí sinh tên Quỳnh Anh cho biết: "Trong phòng thi em hầu như bạn nào cũng làm xong sớm cả. Bởi đề thi không khó, nội dung chủ yếu trong sách giáo khoa lớp 12. Dù có những câu hỏi có đáp án tựa tựa, nhưng nếu bạn nào học kỹ là làm được. Phần lịch sử thế giới cũng khá dễ".

* Ghi nhận tại điểm thi Trường THPT Diên Hồng (Q.10, TP.HCM), các thí sinh vui mừng cho biết làm khá tốt đề thi địa. "Chúng em từng làm nhiều đề thi thử nên không lạ lẫm với đề thi. Chưa kể đề khá giống với đề minh họa của Bộ GD-ĐT trước đây, nội dung tuy đa dạng, trải đều các kiến thức nhưng hầu hết có trong sách giáo khoa nên em mất chỉ khoảng 30 phút là làm xong", thí sinh Hoàng Anh, nhận xét.

Đề thi có câu liên quan vấn đề du lịch và đánh bắt thủy hải sản nhưng không khó. Phần lớn câu hỏi là lý thuyết nên không làm khó thí sinh. Với những câu liên quan đến Atlat, hay thống kê, biểu đồ, nếu bạn nào thuần thục những kỹ năng này sẽ làm tốt bài thi. Em tự tin được 8 điểm", thí sinh Hồng Sương nói.

* Cũng tại điểm thi này, các thí sinh nhận định đề thi giáo dục công dân khá hay khi không đơn thuần là lý thuyết, mà phải có sự hiểu biết mới làm được. "Trong đề có nhiều câu rất là hay, mà bản thân thí sinh cũng đã gặp. Như câu: Mặc dù bố mẹ A muốn con trở thành bác sĩ nhưng A lại đăng ký vào trường sư phạm. Hỏi A đã vận dụng quyền học tập ở nội dung nào. Những câu đòi hỏi sự hiểu biết của thí sinh như vậy khá nhiều. Mình chuẩn bị khá kỹ nên làm được chắc chắn 8 điểm", thí sinh An Hòa cho biết. X.Phương (ghi)

* Thí sinh Bảo Châu (học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) nhận xét: Đề thi yêu cầu học sinh học phải hiểu vấn đề, không nặng nề việc học thuộc lòng.

"Đề thi của 3 môn KHXH có khoảng 40% câu hỏi đòi hỏi học sinh phải suy luận, có khả năng nhận định, đánh giá vấn đề. Học sinh dễ dàng đạt điểm trên trung bình. Học sinh trung bình khá có thể đạt điểm 7, 8. Để đạt điểm 8, 9 thì các bạn phải học tốt, hiểu và suy luận, đánh giá tốt", Bảo Châu cho biết.

Trong khi đó, Đức Toàn (học sinh Trường Quốc tế Á Châu) cho rằng: Đề khá dễ. Thi trắc nghiệm khiến học sinh học và thi các môn KHXH nhẹ nhàng hơn. Nguyên Mi (ghi)

* Tại điểm thi Trung tâm Giáo dục Thường xuyên quận Tân Bình, TP.HCM, thí sinh tự do Nguyễn Văn Thái nhận xét: “Nhìn chung, em thấy các đề đều dễ. Dự đoán môn địa lý và môn giáo dục công dân, em được hơn 9 điểm/môn. Còn môn lịch sử, em được khoảng 7-8 điểm”.

Nguyễn Văn Thái cho biết thêm: “Đề thi môn giáo dục công dân thú vị vì có đến 70% câu hỏi ngoài chương trình đề cập những vấn đề xã hội và pháp luật, chỉ có 30% là lý thuyết. Trong đó, em tâm đắc nhất là câu hỏi liên quan đến việc chịu trách nhiệm pháp lý khi bịa đặt, tung tin người khác lên mạng xã hội, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người ta”.

Tại hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình), thí sinh Phạm Bảo Quý (học sinh Trường THCS - THPT Hai Bà Trưng, quận Tân Bình) cho rằng: “Em thấy các đề thi các môn đều dễ, có đến 90 - 95% kiến thức nằm trong sách giáo khoa. Em làm tốt nhất môn địa, chắc được khoảng 9 điểm. Còn môn sử em làm được 8,5 - 9 điểm”

Bảo Quý cũng khẳng định: “Môn giáo dục công dân có những phần thi rất gần gũi với giới trẻ và cuộc sống. Theo em, đề thi môn này không cần học lý thuyết cũng vẫn làm bài được, nếu mình có những hiểu biết về thực tế xã hội”. Như Lịch (ghi)

* Ghi nhận tại điểm thi Trường THPT Hàn Thuyên (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) sau khi kết thúc tổ hợp 3 môn xã hội sáng nay, phần đông thí sinh đều rạng rỡ vì lần đầu thi trắc nghiệm tổ hợp này nhưng đề nhẹ nhàng và vừa sức.

Thí sinh Phương Uyên (học sinh Trường THPT Hàn Thuyên) vui vẻ nói: “Em thấy 3 môn đều vừa sức học. Môn sử dù kiến thức hơi rộng nhưng nếu học bài kỹ thì có thể làm tốt được. Với môn địa thì chỉ cần sử dụng Atlat là đã có thể trả lời được 70% đề, giáo dục công dân cũng khá nhẹ. Nhìn chung buổi thi cuối cùng này với em kết thúc khá hài lòng”.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Hàn Thuyên rời phòng thi kết thúc tổ hợp 3 môn xã hội sáng nay - Ảnh: Nữ Vương

Là học sinh nam và tự cho mình rất lười học bài nhưng vẫn cho rằng đề thi năm nay không quá làm khó thí sinh, Thiện Toàn (học sinh Trường THPT Hàn Thuyên) nhìn nhận: “Mỗi môn em có thể chắc trên 50%. Dù lịch sử hơi nặng hơn so với 2 môn còn lại nhưng em vẫn làm được chắc chắn 30 câu còn 10 câu hơi khó nên em cũng chưa dám chắc. Địa lý thì em nghĩ bạn nào tệ lắm cũng phải làm được 50% vì sử dụng Atlat là trả lời được trên 50% đề rồi. Môn giáo dục công dân không nặng nhưng phải nắm và hiểu về luật vì có khoảng 15 câu đòi hỏi những kiến thức này, còn lại em nghĩ tùy vào vốn kiến thức xã hội của mỗi người”. Nữ Vương (ghi)

* Tại điểm Trường THPT Hòa Vang (Đà Nẵng), thí sinh Hàn Thọ Quang, làm mã đề thi 316, cho biết nội dung thi 2 môn sử và địa khá nhẹ nhàng, đề dễ hơn cả kỳ thi thử do Sở GD-ĐT Đà Nẵng tổ chức trước đó. “Không riêng gì em, mà các bạn cùng phòng đều thi 2 môn này khá thoải mái. Hoàn tất các câu hỏi của đề chỉ mất khoảng 70% thời gian. Em hy vọng có thể đạt được điểm cao để xét nguyện vọng vào trường như mong muốn”.

Cũng tại điểm Trường THPT Hòa Vang, thí sinh Nguyễn Thị Tường Vy, làm mã đề thi 319, cho biết đề thi tổ hợp khoa học xã hội không khó. “Khoảng 60% nội dung đề thi là kiến thức cơ bản. Những nội dung phân loại thí sinh còn lại, nếu như không chắc kiến thức của mình cũng có thể dùng phương pháp loại suy để tìm kiếm đáp án và cũng không mất quá nhiều thời gian. Riêng với môn GDCD thì hầu như bạn nào cũng làm được vì chỉ cần suy luận các tình huống. Nhìn chung, nội dung tổ hợp khoa học xã hội khá nhẹ nhàng với tụi em”, Tường Vy chia sẻ. An Dy (ghi)

* Tại cụm thi 33 (Thừa Thiên-Huế) rất nhiều thí sinh rời phòng thi với tâm trạng khá tốt sau khi làm bài. Tại điểm thi Trường THPT Đặng Huy Trứ, TX.Hương Trà, phần lớn thí sinh thi 3 môn tổ hợp để xét tốt nghiệp lẫn đại học khi được hỏi đều trả lời là hài lòng với bài làm. Thí sinh làm mã đề 309 Hà Thị Thanh Hiền cho biết: “Đề thi 3 môn tổ hợp khá dễ, nhất là môn giáo dục công dân. Mình đầu tư cho khối tự nhiên nhưng vẫn làm được bài khá tốt. Riêng môn lịch sử do không chuẩn bị kỹ kiến thức nên mình chỉ làm được tầm 40%. Mình nghĩ, với đề lịch sử và địa lý như thế thì các bạn chuyên về khối C hẳn sẽ có điểm rất cao”, Hiền nói.

Niềm vui của thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đặng Huy TRứ, TX.Hương Trà, Thừa Thiên-Huế sau khi kết thúc 3 môn thi cuối cùng của kỳ thi - Ảnh: Đình Toàn

Còn tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Huệ, nhiều thí sinh cho biết dù là đề thi trắc nghiệm khiến ban đầu các bạn có phần lo lắng, nhưng với đề ra bám sát chương trình phổ thông nên các em đều làm bài tốt. Thí sinh Trần Minh Nguyên tự tin: “3 môn tổ hợp khoa học xã hội môn nào làm bài mình cũng làm thừa thời gian. Mình đã làm được khoảng trên 80% bài thi”. Đình Toàn (ghi)

*** Giáo viên nhận xét bài thi khoa học xã hội

* Cô Nguyễn Thị Minh Trâm, Trường THPT Vĩnh Viễn (Q.Tân Phú, TPHCM) cho rằng đề thi bám sát nội dung trọng tâm và có sự phân hóa rõ rệt. Qua các câu hỏi cho thấy, để làm được bài, đòi hỏi học sinh phải ôn bài kỹ, có suy luận và biết liên hệ thực tiễn, đọc thêm sách báo.

Học sinh với sức học trung bình sẽ đạt 5- 6 điểm, với sức học khá sẽ đạt từ 7- 9 điểm và ít thí sinh đạt điểm 10.

Do môn GDCD môn thi cuối nên đa số các em đều đã đuối sức, do đó khó đạt điểm cao ở những câu cuối

Đề nghị Bộ xem xét thời gian nghỉ của tổ hợp thi trong những năm sau để các em có thời gian lấy lại sức thi tốt hơn môn kế tiếp, đặc biệt là môn cuối cùng. B.Thanh (ghi)

* Cô Nguyễn Thị Hồng Châu (giáo viên môn giáo dục công dân Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM) nhận xét: “Đề thi môn giáo dục công dân năm nay khá hay. Vẫn là những kiến thức bình thường nhưng cách đặt câu hỏi khéo tạo tính thú vị cho đề thi. Đặc biệt các câu hỏi từ 17 đến câu 20 là câu phân loại thí sinh. Học sinh giỏi hay không sẽ được sàng lọc qua những câu hỏi này”.

Cô Châu cho rằng: “Với đề thi này nếu chỉ học lý thuyết học sinh sẽ khó đạt điểm cao. Đề không khó nhưng mức độ phân hóa rõ ràng. Với đề thi này có thể sẽ nhiều điểm 7-8”. Lam Ngọc (ghi)

TNO

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/thi-thpt-quoc-gia-2017-nhan-xet-bai-thi-khoa-hoc-xa-hoi-848671.html