Thi THPT '2 trong 1″vừa qua có thực sự hợp lý và công tâm?

Điểm chuẩn đại học năm nay thấp hơn rất nhiều so với các năm trước. Thêm vào đó là 'sự cố' điểm thi cao bất thường ở Hà Giang, Sơn La... Điều này dấy lên câu hỏi liệu kỳ thi '2 trong 1' vừa qua có thực sự hợp lý và công tâm? Bộ GD-ĐT giải quyết như thế nào để lấy lại niềm tin của dư luận xã hội sau vụ 'bê bối'nâng điểm ở một số địa phương?

TS. Trần Đình Lý - Trưởng phòng đào tạo Đại học Nông lâm TP.HCM.

Đề khó, 14 điểm vẫn vào được đại học!?

Sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn vào ngày 6/8, nhiều người không khỏi bất ngờ vì thí sinh chỉ cần có số điểm trung bình từ 5.0 trở lên đã có thể theo học ở các trường đại học danh tiếng.

Ở các ngành quân đội và công an, so với năm 2017, mức điểm chuẩn giảm từ 3-5 điểm, thậm chí là 8-9 điểm. Vào năm 2017, để đậu vào Học viện Quân y, Học viện An ninh Nhân dân, Đại học Phòng cháy Chữa cháy… thí sinhphải đạt số điểm từ 25-29. Thế nhưng, năm nay chỉ cần đạt số điểm từ 19-24 thì thí sinh đã gần như “chắc suất” theo học ở những ngôi trường danh tiếng này.

Ngoài 2 ngành trên, khối ngành y, dược cũng được xem là một thử thách “đáng gờm” cho các thí sinh dự thi, khi vào năm 2017 điểm chuẩn thấp nhất của trường này là 22.25 điểm ở ngành y tế công cộng và cao nhất là 29.25 điểm ở ngành y đa khoa. Tuy nhiên, năm 2018 điểm chuẩn của 2 ngành này chỉ là 18 và 24.95 điểm, giảm mạnh so với các năm về trước. Những trường nằm trong khối Đại học Quốc gia có điểm chuẩn 2018 cũng biến động mạnh, theo hướng giảm. Bình quân điểm chuẩn của các trường giảm từ 3-4 điểm so với năm 2017.

Đề thi THPT Quốc gia 2018 được đánh giá khó hơn nhiều so với những năm về trước.

Thậm chí, nhiều trường đại học tại khu vực TP.HCM điểm chuẩn là 14 điểm, gồm cả điểm ưu tiên. Cụ thể, trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Hoa Sen, Đại học Văn Hiến nhận xét tuyển một số ngành như công nghệ kỹ thuật môi trường, công nghệ thực phẩm, quản trị kinh doanh… với số điểm là 14.

Nguyên nhân của việc điểm thi biến động theo hướng giảm được nhiều người nhận định là do đề thi THPT quốc gia năm nay được đánh giá là khó hơn năm 2017, hiếm hoi thí sinh đạt điểm 9-10.

Th.S Nguyễn Thị Mai Thu (Phó khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình 2) cho biết: “Nhìn chung kỳ thi THPT quốc gia được đánh giá là phù hợp với hình thức thi đã công bố, đề thi có tính phân hóa để đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng hoặc trung cấp. Tuy nhiên để thỏa mãn hai yếu tố xét tốt nghiệp phổ thông đồng thời trúng tuyển đại học thì sẽ rất khó cho cả thí sinh và các trường (đầu ra của phổ thông và đầu vào của đại học)”.

Nên thiết kế bài thi theo từng vùng kinh tế - xã hội giống như kỳ thi tuyển sinh từ lớp 9 lên lớp 10.

Kỳ thi 2 trong 1 “lợi bất cập hại”

Tuy nhiên, một số chuyên gia giáo dục nhận định, ở kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 đã có sự bất cập từ khâu ra đề thi đến khâu chấm điểm.

Th.S Lê Minh Tiến (Giảng viên khoa Xã hội học, Đại học Mở TP.HCM) cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia là một bài kiểm tra chuẩn, mặc định rằng tất cả học sinh ở Việt Nam là như nhau. Thế nhưng, tình trạng kinh tế, xã hội và văn hóa của các vùng miền lại rất khác biệt.

Học sinh sống tại những vùng kinh tế khó khăn như vùng nông thôn, miền núi và hải đảo không thể nào có được điều kiện học tập như học sinh ở thành thị và những vùng kinh tế - xã hội thuận lợi khác.

Sự khác biệt là như vậy nhưng lại phải làm một bài kiểm tra giống nhau thì những học sinh thuộc các khu vực khó khăn gặp bất lợi nhiều hơn là điều dễ hiểu.

“Để phần nào tạo sự công bằng trong thi tốt nghiệp THPT quốc gia, chúng tôi cho rằng nên thiết kế bài thi theo từng vùng kinh tế - xã hội giống như kỳ thi tuyển sinh từ lớp 9 lên lớp 10 hiện nay. Không thể tiếp tục dùng một đề thi giống nhau cho những học sinh ở những vùng rất khác biệt” - thầy Tiến cho biết.

Nói về “sự cố” điểm thi cao bất thường tại hội đồng chấm thi của một số tỉnh… TS. Trần Đình Lý (Trưởng phòng đào tạo Đại học Nông lâm TP.HCM) cho rằng, những tiêu cực đã xảy ra tại nhiều tỉnh thành, trong đó tiêu biểu ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình là cá biệt, không đại diện cho toàn bộ kỳ thi.

“Tiêu cực ở Hà Giang, Sơn La… là do có bàn tay con người chủ động can thiệp, về lâu dài nó sẽ gây nguy hiểm cho việc tổ chức toàn bộ hệ thống coi và chấm thi. Thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT cần có những quyết sách hợp lý để lấy lại lòng tin của xã hội sau vụ bê bối nâng điểm ở một số tỉnh thành” - thầy Lý nhận xét.

Theo thầy Lý, các kỳ thi cần tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra vì đó là khâu rất quan trọng. Tuy nhiên, việc thanh tra này phải độc lập, mục đích là đưa ra các hoạt động phòng ngừa.

Sai phạm trong kỳ thi năm nay đã làm ảnh hưởng đến lòng tin của xã hội, đặc biệt là các cải cách đổi mới trong thi cử.

“Phòng ngừa là để người ta không làm được chứ không phải họ làm được mà họ không làm. Mình phải làm sao để ban hành quy chế, kết hợp giữa các ban ngành thật chặt chẽ” - Vị trưởng phòng nhấn mạnh.

Dưới con mắt một nhà tuyển sinh, thầy Lý cho biết việc tốt nghiệp của học sinh do các sở, địa phương chịu trách nhiệm, còn các trường đại học lo khâu xét tuyển vào đại học, cao đẳng thông qua những hình thức đặc thù, đánh giá năng lực, thi tuyển…

Đồng quan điểm trên, cô Mai Thu phân tích, sai phạm trong kỳ thi năm nay đã làm ảnh hưởng đến lòng tin của xã hội, đặc biệt là các cải cách đổi mới trong thi cử. Tuy nhiên nếu Bộ GD-ĐT đưa ra những giải pháp tối ưu để khắc phục các hạn chế về quy trình tổ chức thi, quy trình chấm thi, bảo mật… thì việc thi theo hình thức 2 trong 1 như năm nay cũng nên duy trì.

Cô Mai Thu cho biết thêm: “Kỳ thi 2 trong 1 giúp tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc, phù hợp với xu thế của thế giới. Đồng thời, tinh thần thí sinh cũng bớt căng thẳng, áp lực. Tuy nhiên để đánh giá năng lực của học sinh cho đầu ra và đầu vào có thể sẽ không đạt được hiệu quả cao nhất”.

“Có trường thi, có những trường đánh giá năng lực qua học bạ, có những trường lại kết hợp cả 2. Việc tồn tại kỳ thi chung để có sự tương đồng về năng lực giữa các trường cũng tốt, nhưng kỳ thi đó phải nghiêm túc và do đơn vị nào sử dụng kết quả thì đơn vị đó chủ trì chấm thi” - Cô Mai Thu bày tỏ mong muốn.

Phan Định - Sông Trường

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/thi-thpt-2-trong-1vua-qua-co-thuc-su-hop-ly-va-cong-tam-d69338.html