Thí sinh phấn khởi vì đề thi môn Lịch sử 'vừa sức'

Ngày 3-6, thí sinh Hà Nội thi hai môn cuối cùng là Ngoại ngữ và Lịch sử để tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập. Đây cũng là 2 môn lần đầu tiên xuất hiện trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội.

Trước khi diễn ra kỳ thi, nhiều phụ huynh và học sinh đã khá căng thẳng, áp lực với môn Lịch sử do thời gian ôn thi môn học này chỉ có 2 tháng. Tuy nhiên, kết thúc môn thi, hầu hết học sinh đều cảm thấy nhẹ nhõm vì đề thi “dễ thở”.

Lần đầu tiên môn Lịch sử được đưa vào kì thi tuyển sinh vào lớp 10 nhưng theo ghi nhận của phóng viên, rời khỏi phòng thi, hầu hết thí sinh đều cho biết đề thi rất “căn bản”, không có câu nào đánh đố.

Nhiều thí sinh tự tin đạt điểm cao môn Lịch sử.

Nhiều thí sinh tự tin đạt điểm cao môn Lịch sử.

Tại điểm thi trường THPT Việt Đức, thí sinh Trần Tuấn Mạnh cho biết: “Đề thi có 40 câu nhưng chủ yếu tập trung vào phần kiến thức căn bản, không có câu đòi hỏi kiến thức vận dụng cao. Học sinh chỉ cần nắm vững các nội dung kiến thức trong sách giáo khoa là có thể làm hết được. Với đề thi này, môn Lịch sử chắc chắn sẽ đạt điểm cao”. Học sinh Hoàng Thanh Hà cũng cho rằng: “Đề năm nay vừa sức nên em tự tin được điểm khá trở lên. Những bạn làm tốt hơn, có thể đạt điểm tuyệt đối”.

Nhận xét về đề thi môn Lịch sử, nhiều giáo viên cho biết, đề thi năm nay khá “dễ thở”, không "đánh đố" các em. Đề nhằm vào kiến thức cơ bản, trọng tâm là lớp 9. Với đề thi này, các em chỉ cần nắm chắc kiến thức thì đạt điểm cao không khó.

Các giáo viên cũng nhận định, có lẽ do kỳ thi vào lớp 10 THPT năm nay lần đầu thi môn Lịch sử nên người ra đề lấy chữ “an toàn” làm đầu, vì vậy, đề thi không quá khó với các em. Đây cũng là một lựa chọn phù hợp, không gây quá tải hay tạo áp lực không đáng có cho cả học sinh và phụ huynh. Thậm chí, điểm thi môn Lịch sử có thể còn giúp học sinh “kéo” tổng điểm chung lên, bù đắp tốt hơn cho những môn thi khác như môn Toán.

Phân tích cụ thể hơn về đề thi môn Lịch sử, TS. Lê Thị Thu Hương - Giáo viên Lịch sử, Hệ thống Giáo dục Hocmai nhận định: “Đề thi nhìn chung phù hợp với yêu cầu của kì thi, vừa sức với thí sinh và vẫn có tính phân loại, mức phổ điểm chủ yếu ở mức 7 điểm. Nội dung kiến thức chủ yếu tập trung vào chương trình lớp 9. Các câu hỏi phủ đều các cấp độ nhận biết (60%), thông hiểu (30%) và vận dụng (10%). Trong đó, có 12 câu thuộc phần Lịch sử thế giới (chiếm 30%) và 28 câu thuộc phần Lịch sử Việt Nam (chiếm 70%). Đề thi chủ yếu kiểm tra học sinh khả năng tái hiện các sự kiện, nhân vật lịch sử, bên cạnh đó các em cũng phải nắm được những đặc điểm nổi bật của từng giai đoạn lịch sử, có cái nhìn tổng quát xuyên suốt các vấn đề để trả lời những câu hỏi ở mức độ khó hơn. Về cơ bản học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa đều có thể hoàn thành tốt”.

Cô giáo Lê Thu, Trung tâm Tuyển sinh 247.com cũng cho rằng: “Đề thi bao quát toàn bộ phần kiến thức trọng tâm của lịch sử lớp 9, chủ yếu là các câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Đối với học sinh đã nắm vững kiến thức cơ bản sẽ dễ dàng đạt điểm 8 trong kì thi. Các câu hỏi ở mức độ vận dụng không nhiều, nếu học sinh chịu khó học tập và biết liên hệ giữa các vấn đề, cộng thêm kiến thức thầy cô giáo cung cấp tại trường thì có thể dễ dàng làm tốt”.

Cũng giống như môn Lịch sử, đề thi môn Tiếng Anh năm nay được học sinh và giáo viên đánh giá là “dễ thở”. Bước ra khỏi phòng thi với khuôn mặt rạng rỡ, thí sinh Nguyễn Thanh Tâm, trường THCS Trần Phú cho biết: “Đề thi tiếng Anh năm nay khá dễ, các kiến thức đều đã được học trên lớp, bám sát chương trình sách giáo khoa. Chỉ có một vài câu mang tính nâng cao hơn, nhưng vẫn có thể suy luận để làm được, không quá khó. Nếu chỉ học trong sách giáo khoa cũng có thể đạt từ 7-8 điểm với đề thi này".

Còn theo nhận định của học sinh Trần Hoàng Mai, đề thi tiếng Anh vào lớp 10 của Hà Nội có 2 phần gồm trắc nghiệm khách quan và tự luận. Trước ngày thi, bản thân Mai đã khá lo lắng và ôn rất kỹ các dạng bài viết lại câu có thể gặp trong phần tự luận. Tuy nhiên, trong đề thi chính thức, phần này khá dễ, không làm khó thí sinh.

Thầy Nguyễn Ngọc Nam, giáo viên môn Tiếng Anh nhận định: “Đề thi khá vừa sức với học sinh. Tổng quát đề thi phân bổ theo 50% từ vựng và 50% ngữ pháp. Ngữ pháp và từ vựng đề nằm trong kiến thức chương trình THCS (lớp 9). Phần trắc nghiệm có 32 câu được chia thành 5 nội dung: Phát âm, hoàn thành câu, chữa lỗi sai, giao tiếp, đọc hiểu và điền từ”.

Học sinh Hà Nội tiếp tục cạnh tranh giành suất vào lớp 10 chuyên

Chiều 3-6, các thí sinh đăng ký vào 4 trường chuyên của Hà Nội tiếp tục dự thi các môn chuyên gồm Ngữ văn, Toán, Tin học, Sinh học, Tiếng Pháp, Tiếng Đức, Tiếng Nhật. Ngày 4-6, thí sinh tiếp tục thi các môn chuyên Vật lý, Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Tiếng Anh.

Trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020, Hà Nội có 4 trường chuyên và trường có lớp chuyên. Trong đó, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có 12 lớp chuyên; Trường THPT Chu Văn An có 10 lớp chuyên; Trường THPT Sơn Tây có 9 lớp chuyên và trường THPT chuyên Nguyễn Huệ có 11 lớp chuyên. (PV)

Huyền Thanh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/thi-sinh-phan-khoi-vi-de-thi-mon-lich-su-vua-suc-547760/