Thí sinh 'Người đẹp xứ Mường' khoe sắc trong công viên di sản

25 thí sinh đã có cuộc hành trình trải nghiệm tìm hiểu về nét đẹp văn hóa xứ Mường trước thềm đêm chung kết cuộc thi 'Người đẹp xứ Mường' diễn ra vào tối 10-12 tới tại Hòa Bình.

“Người đẹp xứ Mường 2019” là sân chơi nhan sắc được tổ chức trong khuôn khổ “Tuần văn hóa – du lịch Hòa Bình” diễn ra từ ngày 6 đến 10-12-2019. Cuộc thi với sứ mệnh tôn vinh vẻ đẹp văn hóa xứ Mường, qua đó góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc trên địa bàn, quảng bá du lịch của địa phương và giúp thế hệ trẻ biết tự hào hơn về những giá trị văn hóa được cha ông để lại. Người đẹp chiến thắng tại cuộc thi này sẽ đồng thời trở thành đại sứ thương hiệu về văn hóa, du lịch của tỉnh Hòa Bình.

Sau vòng chung khảo, cuộc thi đã chọn ra được 25 gương mặt xuất sắc nhất tranh tài tại đêm chung kết diễn ra vào tối 10-12 tới. Trước thềm đêm thi quan trọng này, 25 người đẹp đã có cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị tại công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam (nằm tại xóm Tiềng, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, thăm quan không gian văn hóa dân tộc Mường tại xóm Ải, quảng bá văn hóa du lịch tại nhiều danh thắng và địa điểm văn hóa du lịch tỉnh, tham gia các hoạt động xã hội tại trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn Hòa Bình…

Tại công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam, các thí sinh không chỉ được nghe giới thiệu và tìm hiểu về hệ thống bảo tàng, thư viện, trung tâm lưu trữ di sản của các nhà khoa học…mà còn trình diễn bộ sưu tập áo dài thổ cẩm của nhà thiết kế Lê Anh Tuấn giữa không gian ngoài trời. Bộ sưu tập này có chủ đề “Hương sắc những bông hoa xứ Mường”.

Nhà thiết kết Lê Anh Tuấn cho biết, chất liệu vải thổ cẩm trong bộ sưu tập áo dài này do chính người dân địa phương thêu tay, hiện đang dần mai một đi. Với mong muốn góp phần gìn giữ, quảng bá chất liệu thổ cẩm địa phương nên anh đã quyết định đưa chúng vào tà áo dài của mình.

“Tôi đã dày công nghiên cứu, tìm hiểu kết hợp giữa tà áo dài Việt và vải thổ cẩm đặc trưng của xứ Mường không chỉ làm tôn lên chiếc áo dài truyền thống Việt Nam mà còn làm nổi bật nét văn hóa đặc sắc ở nơi đây.”, chủ nhân bộ sưu tập áo dài kể trên chia sẻ.

Đặc biệt, trong chuyến đi này, 25 người đẹp xứ Mường còn có buổi trải nghiệm ý nghĩa tại địa điểm du lịch cộng đồng xóm Lũy Ải (Tân Lạc, Hòa Bình). Nơi đây được công nhận là xóm Mường cổ từ năm và điểm du lịch cộng đồng vào năm 2015.

Được biết, xóm Lũy Ải hình thành vào những năm đầu của thế kỷ XX với diện tích khoảng 5ha, có khoảng 100 hộ dân sinh sống với 250 nhân khẩu. Đây là làng Mường cổ nên các gia đình vẫn lưu giữ nhiều nét sinh hoạt cổ, từ ngôi nhà sàn truyền thống, trang phục Mường, bếp cổ, các dụng cụ lao động xưa và các nghề đan nát, làm cơm lam, rượu cần, dệt. Không chỉ vậy, nơi đây vẫn giữ được những giai điệu về văn hóa cồng chiêng và vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần vẫn tuyên truyền về các phong tục xưa để giữ gìn các nét đẹp văn hóa Mường cổ.

Tại xóm Lũy Ải, các thí sinh có cơ hội được đội văn nghệ xóm giới thiệu về dàn chiêng và được trải nghiệm văn hóa tinh thần cũng như nếp sinh hoạt hàng ngày của người Mường cổ như là dệt vải, nấu rượu cần, cơm lam…Nhờ được hướng dẫn tận tình các thí sinh đã hiểu hơn về nét đẹp văn hóa Mường và có thể tự tin giới thiệu với bạn bè quốc tế khi đến đây tham quan.

Một số hình ảnh về các thí sinh khi tham gia chuyến trải nghiệm tìm hiểu văn hóa Mường:

Như Ý (ảnh: Trương Đại Dương)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/thi-sinh-nguoi-dep-xu-muong-khoe-sac-trong-cong-vien-di-san/835161.antd