Thí sinh làm lọt đề thi: Đối mặt với nguy cơ gì?

Vi phạm quy chế có thể sẽ bị hủy bỏ kết quả và xem xét những hình thức kỷ luật khác nếu cần thiết

Các chuyên gia giáo dục đều đồng tình phải xử lý nghiêm với thí sinh làm lọt đề thi Toán - kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, tại buổi thi ngày 7/8 ra ngoài. Tuy nhiên, cùng với đó, các chuyên gia cũng cho rằng mục tiêu xa hơn là phải dần tiến tới một ngành giáo dục minh bạch, hiện đại, không còn tình trạng lộ, lọt đề thi ra ngoài nữa.

hí sinh dự thi tại điểm thi đặt tại Hội đồng thi Trường THPT Lệ Thủy, Quảng Bình đã chụp đề toán gửi ra ngoài

hí sinh dự thi tại điểm thi đặt tại Hội đồng thi Trường THPT Lệ Thủy, Quảng Bình đã chụp đề toán gửi ra ngoài

PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định, việc thí sinh mang điện thoại vào phòng thi, chụp đề thi gửi ra ngoài là đã vi phạm nghiêm trọng quy chế trong thi cử, phải xử lý thật nghiêm.

Đối với những trường hợp vi phạm như trên, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, hình thức kỷ luật là hủy bỏ kết quả thi, không công nhận tốt nghiệp với thí sinh này cũng là hoàn toàn chính đáng. Kể cả phải xem xét hình thức kỷ luật nặng hơn như đình chỉ thi các kỳ thi tiếp theo có thời hạn, dựa trên kết quả điều tra, xác minh cũng như đánh giá mức độ tác động, hậu quả do hành vi vi phạm của thí sinh này gây ra.

"Việc để lộ, lọt đề thi không những đã vi phạm quy chế thi mà còn cho thấy đạo đức của học sinh chưa tốt, chưa tuẩn thủ nghiêm ngặt các quy định đưa ra, do đó, cần phải có hình thức xử lý nghiêm để răn đe", PGS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm.

Đó là đối với thí sinh để lọt đề thi ra ngoài, còn đối với các thầy cô giám thị, hội đồng coi thi, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng cần phải xem xét, xử lý nghiêm.

"Ở đây là trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát, giám sát thí sinh trong quá trình làm bài thi. Cần đặt câu hỏi vì sao thí sinh mang được điện thoại vào phòng thi? Vì sao, thí sinh chụp được bài thi, gửi ra ngoài mà giám thị không phát hiện được ra?

Quy chế đã quy định rất rõ ràng, thí sinh không được mang điện thoại vào thi, trách nhiệm của giám thị là phải giám sát để thí sinh thực hiện nghiêm quy định này. Để thí sinh mang được điện thoại vào phòng là có sự buông lỏng trong giám sát, kiểm tra, đó là trách nhiệm của giám thị và những thầy cô làm việc tại phòng thi đó cũng phải chịu trách nhiệm cho sự lơ là, thiếu tập trung do mình gây ra", PGS Trần Xuân Nhĩ nói.

Đồng quan điểm, GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng khẳng định, việc để lọt đề thi ra ngoài cho thấy công tác tổ chức thi ở đây chưa tốt.

Trước hết, về việc giáo dục ý thức chấp hành các quy định trong thi cử cho học sinh chưa được tốt lắm, dẫn tới tình trạng năm nào cũng có những vụ việc như lộ, lọt đề thi, gian lận trong thi cử... Không có sai phạm này lại có sai phạm khác.

"Ở trường hợp cụ thể này cần phải xem sai phạm của học sinh tới đâu, mức độ ảnh hưởng, hậu quả gây ra như thế nào, trên cơ sở đó sẽ có biện pháp xử lý phù hợp. Việc hủy bỏ kết quả kỳ thi tốt nghiệp năm nay chắc chắn là phải làm, tuy nhiên, có xem xét các hình thức xử lý kỷ luật kèm theo như đình chỉ thi trong bao lâu nữa hay không thì còn phải cân nhắc thêm.

Dù vậy, qua vụ việc cũng thấy rõ một điều, việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh vẫn chưa được thực hiện tốt. Ngoài nguyên nhân từ đứa trẻ, cũng cần thừa nhận có vấn đề từ phía nhà trường và các cơ quan thực thi pháp luật.

Cũng giống như luật vi phạm giao thông, luật không cho đi ngược chiều, buộc phải đội mũ bảo hiểm nhưng hàng năm vẫn ghi nhận tình trạng vi phạm giao thông tăng cao, số ca bị phạt vì không đội mũ bảo hiểm vẫn xảy ra.

Do đó, khi có sai phạm là phải xử lý", vị chuyên gia nói rõ.

Cần một nền giáo dục linh hoạt

Rất ủng hộ việc xử lý thật nghiêm với thí sinh có vi phạm quy chế thi cử, xong GS Phạm Tất Dong cũng cho rằng, xử nghiêm nhưng vẫn phải mở cho học sinh một con đường để được sửa sai. "Việc đưa ra một biện pháp xử lý cứng nhắc, cực đoan có thể sẽ lấy đi mọi cơ hội thay đổi, sửa chữa của một đứa trẻ, đẩy đứa trẻ đi vào con đường tệ nạn, tội lỗi.

Do đó, không thừa nhận kết quả kỳ thi này là đúng, thậm chí có thể xem như một bài học cho các khóa học sau này. Tuy nhiên, cũng cần có cái nhìn nhân văn với một đứa trẻ", vị chuyên gia khuyến cáo.

Điều quan trọng nhất theo vị chuyên gia, theo xu hướng hội nhập, việc sử dụng các thiết bị công nghệ, điện tử thông minh, việc sử dụng máy móc, thiết bị điện tử thông minh nếu giúp việc học hành, thi cử đạt kết quả tốt hơn thì cần phải khuyến khích. Nhưng để làm được như vậy, bắt buộc ngành giáo dục phải tiến tới một mục tiêu xa hơn là phải hướng tới một chương trình giáo dục linh hoạt, các kỳ thi phải an toàn. Nói cách khác, là không dạy theo khuân mẫu, học sinh không học vẫn làm được bài, có cho mang tài liệu học sinh cũng không có gì để chép.

"Ngay tại các nhà máy, xí nghiệp hiện nay đều khuyến khích cán bộ, công nhân sử dụng thiết bị công nghệ để giải quyết công việc tốt hơn, làm việc hiệu quả hơn. Giáo dục cũng vậy, phải làm thế nào để đưa được đời sống học đường tiến gần với đời sống thực trong lao động. Đây mới là vấn đề quan trọng mà trong tương lai xa, ngành giáo dục Việt Nam vẫn khó có thể làm được.

Việc lo tổ chức thi cử, rồi năm nào cũng lo chống gian lận, lộ, lọt đề thi ra ngoài chỉ là giải pháp tình thế, không còn phù hợp với bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như hiện nay.

Nếu nhìn xa hơn cần tính tới việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT chung, thay vào đó hãy giao lại cho các trường đại học họ làm. Hơn ai hết, các trường đại học mới là đơn vị biết rõ nhất họ cần học sinh như thế nào qua đó sẽ có những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể cho từng khối, ngành cần tuyển chọn. Việc này chắc chắn trường đại học sẽ làm tốt hơn Bộ, vì việc đào tạo của các trường đại học phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, điều này cũng đồng nghĩa với việc gắn với uy tín, chất lượng đào tạo của trường. Nếu không tuyển chọn kỹ, đào tạo không phù hợp, chính các trường sẽ bị tẩy chay.

Đến thời điểm này, việc tồn tại một kỳ thi chung là thừa thãi, tốn kém và không còn phù hợp. Khi không có kỳ thi này sẽ không phải lo gian lận, lộ, lọt đề thi nữa", vị chuyên gia nêu quan điểm.

Liên quan tới vụ việc, Bộ GD-ĐT mới đây cho biết, đã xác định được thí sinh dự thi tại Hội đồng thi Trường THPT Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình là người làm lọt đề thi toán ra ngoài vào chiều ngày 7/8. Cơ quan này cũng khẳng định sẽ xác minh và xử lý nghiêm theo quy định.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/thi-sinh-lam-lot-de-thi-doi-mat-voi-nguy-co-gi-3435210/