Thí sinh hào hứng với đề thi trắc nghiệm

Một trong những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 là phần lớn bài thi theo hình thức trắc nghiệm. Nhiều giáo viên, thí sinh nhận định, đề thi bám sát chương trình lớp 12, có tính thực tiễn và phân hóa.

Năm 2017, kỳ thi THPT quốc gia tổ chức năm bài thi, trong đó có ba bài thi độc lập (bắt buộc) là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; hai bài thi tổ hợp tự chọn Khoa học tự nhiên (gồm các môn thi thành phần Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Ðịa lý, Giáo dục công dân). Trừ bài thi Ngữ văn thi hình thức tự luận, các bài thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm.

Về đề thi Toán, thí sinh Hà Minh Thư, điểm thi Trường THPT Việt Ðức (Hà Nội) nhận định, đề thi đề cập đủ các phần trong chương trình lớp 12, 30 câu đầu khá dễ, có thể giải quyết nhanh; những bạn có học lực trung bình có thể đạt sáu điểm. Những câu còn lại khó, chỉ những thí sinh có học lực khá mới có thể làm. Thầy giáo Vũ Công Tuyển, Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT Việt Ðức (Hà Nội) cho biết: Ðề Toán phân bổ từ câu dễ đến câu khó. Với cách ra đề như vậy, thí sinh không phải mất nhiều thời gian để lựa chọn câu dễ, câu khó. Ðề thi đã phủ rộng kiến thức lớp 12, có gắn liền Toán thực tế, tích hợp giữa đạo hàm, tích phân; có tích hợp giữa bài toán lũy thừa và bài toán tăng trưởng, bám sát chương trình… Kết thúc bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), nhiều thí sinh đánh giá, đề thi ở cả ba môn thành phần có tính phân hóa cao, trong đó 60% nội dung câu hỏi là kiến thức cơ bản, thí sinh học kỹ chương trình sách giáo khoa đều làm được.

Chung quanh đề thi môn Hóa, cô giáo Ðào Thị Kim Thoa, Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) nhận định, các câu hỏi ở mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao tại các mã đề tương đương nhau. Cụ thể, các câu hỏi ở mức độ nhận biết (có khoảng 10 câu), mức độ thông hiểu (khoảng 15 câu), vận dụng (bảy câu), còn lại là vận dụng cao. Thí sinh dự thi với mục đích tốt nghiệp, nếu làm được các câu nhận biết, thông hiểu, vận dụng sẽ đạt khoảng sáu điểm. Trong khi đó, thí sinh có học lực khá, làm thêm được các câu vận dụng cao sẽ đạt điểm tối đa. Những câu hỏi ở mức độ nhận biết, có sẵn trong sách giáo khoa, thí sinh chỉ cần chú ý trên lớp và về nhà xem lại bài là có thể làm được. Ở mức độ thông hiểu, khi học trên lớp, các em lắng nghe, hiểu bài có thể trả lời chính xác. Trong đề thi, có nhiều câu hỏi mang tính thực tiễn, như về hiện tượng hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng của CO2 trong khí quyển; những trận mưa a-xít phá hủy mùa màng, những hỗn hợp dùng để hàn đường ray... Thí sinh đã được học những kiến thức này ở môn Hóa học hoặc những môn học tích hợp khác trong trường phổ thông, cho nên các em hoàn toàn có đủ kiến thức để trả lời đúng các câu hỏi trong đề thi. Ðáng chú ý, tại kỳ thi năm nay, môn Giáo dục công dân lần đầu được Bộ GD và ÐT đưa vào kỳ thi THPT quốc gia. Theo đánh giá của cô giáo Nguyễn Thị Hà Tuyên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội), đề thi có 40 câu, trong đó, khoảng 20 câu đầu ở mức độ nhận biết, học sinh có thể làm được. 16 câu tiếp theo có tính vận dụng kiến thức, nhưng ở mức độ thấp, học sinh phải tư duy thì mới trả lời đúng. Bốn câu cuối cùng là vận dụng cao, học sinh đọc kỹ đề và phải hiểu bản chất của vấn đề thì mới chọn được đáp án đúng.

Đánh giá chung về bài thi tổ hợp Khoa học xã hội, thí sinh Phan Nguyễn Tố Ngọc (Trường THPT chuyên Quốc học Huế) cho rằng, năm nay, các môn xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khá hay, làm bài vừa nhanh, vừa bao quát được nhiều kiến thức. Tuy nhiên, việc thi cả ba môn trong cùng một buổi cũng dễ bị căng thẳng. Cô giáo Hoàng Thị Lan Hương, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết, đề thi không quá khó, không đánh đố thí sinh. Những thí sinh được ôn luyện tốt, khả năng sẽ đạt điểm cao. Cấu trúc đề thi theo đúng chuẩn của Bộ GD và ÐT, bố cục rõ ràng, kiến thức toàn diện, bao phủ toàn bộ phạm vi kiến thức trong chương trình học. Mức độ đề thi không quá khó, bảo đảm học sinh trung bình có thể vượt qua kỳ thi. Tuy nhiên, đề thi có sự phân hóa dành cho thí sinh khá, giỏi. Ở bốn câu hỏi cuối, đòi hỏi vận dụng cao, thí sinh phải học rất chắc kiến thức mới có thể trả lời được. Chẳng hạn câu 37 (mã đề 301), để trả lời được thí sinh phải hiểu được tính chất của Cách mạng Tháng Tám. Muốn hiểu được tính chất Cách mạng Tháng Tám phải soi vào tiêu chí của cuộc cách mạng này, như nhiệm vụ mục tiêu đặt ra, giai cấp lãnh đạo, hình thức thực hiện, kết quả đạt được... Trong đề thi cũng có câu vận dụng kiến thức thực tiễn. Chẳng hạn câu 38 (mã đề 301), yêu cầu thí sinh phải cập nhật thông tin thời sự hằng ngày. Hình thức thi trắc nghiệm phù hợp xu thế hiện nay và giảm áp lực, căng thẳng thi cử. Cũng với cách thi trắc nghiệm, học sinh sẽ được hiểu biết toàn diện, đầy đủ về kiến thức Lịch sử phổ thông, tránh học lệch, học tủ.

Long Thành và Công Hậu

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/item/33267302-thi-sinh-hao-hung-voi-de-thi-trac-nghiem.html