'Thí sinh gian lận ngồi nhầm chỗ đã cướp đi cơ hội của người khác'

Theo thiếu tướng Lê Văn Cương, thí sinh gian lận điểm đang 'ngồi nhầm chỗ', bố mẹ của những em này đã cướp đi cơ hội của con em người khác.

Công bố danh sách gian lận điểm thi thuộc thẩm quyền cơ quan điều tra Ông Mai Văn Trinh nói Bộ GD&ĐT, Bộ Công an không dung túng cho sai phạm. Việc công khai người gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 phải xem xét nhiều yếu tố.

Chia sẻ trong buổi họp báo Quý I ngày 26/3, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT - cho hay quan điểm của Bộ GD&ĐT về việc công bố danh tính thí sinh gian lận phải tuân thủ Hiến pháp 2013 và Luật Dân sự 2016. Công bố danh tính vào thời điểm nào, đến đâu, dựa vào việc tiếp tục điều tra và thẩm quyền của cơ quan công an.

"Chúng ta không thể không tính đến tác động cực đoan đến thí sinh. Cơ quan điều tra sẽ tính thêm điều này", ông Trinh nói.

Có cơ sở pháp lý để công khai thí sinh gian lận

Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội - cho rằng lý do công khai danh sách thí sinh gian lận khiến các em có tư tưởng cực đoan là không đúng, thiếu tính chất thuyết phục.

Bởi lẽ, gian lận trong kỳ thi phổ thông trung học vừa qua khiến rất nhiều em có điểm cao bị nghi ngờ. Công khai những thí sinh được nâng điểm là cách lấy lại công bằng cho những em có điểm thật.

Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật dân sự 2015 đều có quy định cụ thể về việc bảo vệ quyền tự do cá nhân, bí mật đời tư cá nhân và quy định mức độ giới hạn của quyền tự do cá nhân này.

Pháp luật quy định quyền bí mật đời tư cá nhân sẽ bị giới hạn bởi quyền lợi chung của cộng đồng, vì lý do an ninh quốc gia, lợi ích cuốc phòng, lợi ích công cộng, an toàn công cộng...

Bởi vậy, đối với vụ việc nâng điểm ở một số nơi như Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, cơ quan chức năng có đầy đủ cơ sở pháp lý để công khai danh tính những thí sinh được nâng điểm, đảm bảo tính khách quan, công bằng, để phòng ngừa chung và cũng là cơ sở để xem xét xử lý những hành vi sai phạm của những người có liên quan.

"Trường hợp thí sinh liên quan gian lận là con em cán bộ, lãnh đạo thì cần phải xem xét trách nhiệm của các vị phụ huynh này", ông Cường nêu quan điểm.

Trong vụ án này, có đối tượng thừa nhận đã nhận 550.000.000 đồng để sửa điểm. Điều đó đồng nghĩa có dấu hiệu của hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ, bằng cách liên quan, tiếp tay, giúp sức. Hiện, cơ quan điều tra mới khởi tố các đối tượng nâng điểm thi về một tội danh là "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Luật sư Đặng Văn Cường đề xuất vụ việc gian lận thi cử ở một số địa phương như Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng một vài thí sinh, mà hàng triệu thí sinh. Vì vậy, việc cơ quan chức năng làm đến cùng, không nể nang, bao che sai phạm cũng là mong muốn hoàn toàn chính đáng của học sinh và phụ huynh cả nước.

Xem xét mức độ công khai tới đâu

Phát biểu quan điểm về vấn đề này, thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an, cho rằng nếu như những thí sinh gian lận điểm đã "ngồi nhầm chỗ", chính bố mẹ của những em này đã cướp đi cơ hội của con em người khác.

Điều này không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội. Do vậy, những phụ huynh chạy điểm cũng cần phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật, xử lý hình sự hoặc hành chính, tùy thuộc mức độ vi phạm.

Thiếu tướng Lê Văn Cương cho hay việc công khai danh tính thí sinh với toàn xã hội có thể không cần thiết, vì thực tế ngay cả những người phạm tội không phải trường hợp nào cũng công khai. Tuy nhiên, nhà trường cần phải thông báo riêng những trường hợp này, công khai trong lớp, trường học, để đảm bảo tính minh bạch. Ngoài ra, cũng có thể nghiên cứu áp dụng việc cấm thi đối với những thí sinh này một thời hạn theo quy chế của ngành giáo dục.

Thầy Vũ Khắc Ngọc, một trong những người đầu tiên phát hiện tiêu cực, nêu quan điểm phải công khai minh bạch thí sinh nâng điểm, người mua điểm. Bởi vì, đây là một việc rất nghiêm trọng cả về tính chất, phạm vi, mức độ.

Thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng gian lận thi cử là hành vi nghiêm trọng về tính chất, phạm vi, mức độ, cần phải xử lý dứt điểm, mạnh mẽ. Ảnh: NVCC.

Thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng gian lận thi cử là hành vi nghiêm trọng về tính chất, phạm vi, mức độ, cần phải xử lý dứt điểm, mạnh mẽ. Ảnh: NVCC.

Trường hợp thí sinh từ không đủ điểm, bài thi bị “điểm liệt”, mà nâng lên thủ khoa của trường và của cả nước là hết sức trắng trợn, học sinh không thể không biết. Thí sinh liên quan gian lận nếu, vẫn nhập học, là sự thách thức ngang nhiên. Các em phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì đã đủ 18 tuổi.

"Công khai danh tính là điều nên làm, tuy nhiên cần công khai đến mức độ như thế nào. Chúng ta có thể không nêu tên cụ thể cụ thể của học sinh nhưng xã hội cần biết đơn vị công tác của bố mẹ, trường đại học của sinh viên đó. Nhà trường phải công khai việc xử lý thí sinh gian lận", thầy Ngọc nêu quan điểm.

Theo thầy Vũ Khắc Ngọc, nếu chế tài chưa đủ mạnh thì cần thiết sự lên tiếng của dư luận, các thiết chế đạo đức của xã hội để coi đó là bài học có tính răn đe, hạn chế tình trạng xảy ra tương tực.

Với phụ huynh tham gia gian lận điểm, thầy Ngọc cho rằng "hoàn toàn không xức đáng" nếu họ đang công tác tại những vị trí quan trọng trong bộ máy công quyền, cần phải bị xử lý.

Nam giáo viên bày tỏ hậu quả nặng nề nhất là lòng tin về kỳ thi THPT quốc gia bị tổn thương. Vì vậy, nếu cơ quan chức năng không làm tốt việc công khai kết quả xử lý, niềm tin sẽ càng bị xói mòn hơn nữa.

Nhiều sinh viên có thể bị đuổi học sau vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình Dư luận đặt câu hỏi số phận của những thí sinh được nâng điểm ở Hòa Bình sẽ đi về đâu nếu họ đã và đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng.

Quyên Quyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thi-sinh-gian-lan-ngoi-nham-cho-da-cuop-di-co-hoi-cua-nguoi-khac-post929258.html