Thí sinh địa phương gặp khó với quy định không tuyển nói ngọng

Theo công bố dự thảo Đề án tuyển sinh năm 2021 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, một số ngành sư phạm không tuyển những thí sinh bị nói ngọng, nói lắp. Thông tin này khiến nhiều thí sinh phải cân nhắc lại lựa chọn, khi thời điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký nguyện vọng vào các trường đại học, cao đẳng đã tới.

Dù thông tin này có phần làm khó cho những thí sinh ở địa phương có đặc điểm riêng về phát âm muốn theo đuổi nghề giáo viên, nhưng dư luận đa phần đều tỏ ý đồng tình và cho rằng quy định này đáng lẽ nên có từ lâu. Ngành sư phạm đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục các thế hệ tương lai, nếu người dạy không phát âm chuẩn thì sẽ ảnh hưởng đến học sinh.

14 năm công tác tại huyện Thạch Thất, cô giáo Đỗ Thị Hoàng Minh, Trường THPT Thạch Thất, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội, cho biết: "Học sinh ở mỗi xã trong huyện đều có những lỗi phát âm riêng, hoặc sai phụ âm, hoặc sai dấu. Dù giáo viên rất nỗ lực luyện nói cho các em nhưng khi về nhà, gia đình và người xung quanh đều nói như vậy khiến các em rất khó thay đổi". Còn em Đặng Thị Loan, học sinh Trường THPT Thạch Thất, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội, chia sẻ: "Em và nhiều bạn bè khá lo lắng bởi thời gian không còn nhiều để sửa lỗi này". Loan mong muốn nhà trường nới rộng tiêu chuẩn đầu vào và quy định đó thành chuẩn đầu ra. Sau 4 năm học, sinh viên sẽ có đủ thời gian để sửa. Có như vậy mới không làm mất đi cơ hội của thí sinh giỏi có đam mê vào ngành sư phạm.

Sinh viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trong giờ học sửa lỗi phát âm.

Sinh viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trong giờ học sửa lỗi phát âm.

Thực tế, tại nhiều trường có ngành sư phạm, việc sửa lỗi phát âm cho sinh viên vẫn đang được thiết kế là một nội dung đào tạo nghiệp vụ. Sau 3 năm học, sinh viên có thể nhận biết, phân biệt được sai hay đúng khi đọc và chỉnh sửa lỗi nói ngọng của mình đến 80%. Con số 20% sửa lỗi phải hoàn thành trong năm cuối không phải là điều không khả thi. TS Trần Thị Hà Giang, Trưởng khoa Sư phạm, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, cho biết: "Những lỗi phát âm sai một vài từ theo vùng miền có thể sửa được. Chúng tôi yêu cầu nếu năm cuối sinh viên vẫn nói ngọng thì không được đi thực tập tốt nghiệp".

Hiện nay nhiều người vẫn hiểu chưa đúng về tật nói ngọng. Nói ngọng là khái niệm dùng để chỉ tật phát âm không rõ, không chính xác do bộ máy phát âm của người nói bị dị tật hay khiếm khuyết. Điều này khác với việc phát âm nhầm lẫn, nhịu giữa âm này và âm khác do ảnh hưởng của cách phát âm ở một số vùng phương ngữ, hay do thói quen phát âm từ nhỏ. Bởi vậy, việc nói "lờ/nờ" (l/n) mà nhiều người vẫn dẫn chứng không phải là nói ngọng. Hiện tượng này hoàn toàn có khả năng sửa được nếu người học quyết tâm.

Sư phạm là nghề dạy người nên đòi hỏi sự chuẩn mực của người giáo viên là yêu cầu hoàn toàn đúng đắn. Việc tuyển sinh càng chặt chẽ, chi tiết càng mang lại lợi ích cho xã hội. Tuy nhiên, quy định đưa ra trong khi việc đăng ký nguyện vọng tới gần là một sự "gây khó" cho các em. Quy định này khiến những thí sinh có học lực giỏi nhưng vì nói ngọng mà mất đi cơ hội vào được trường sư phạm. Hơn nữa, những lỗi phát âm nhầm có thể sửa được trong quá trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm khi ở trường đại học. Do đó, quy định nên có lộ trình thực hiện để thí sinh có đủ thời gian chuẩn bị, đáp ứng các điều kiện đó. Đồng thời cần làm rõ, quy định cụ thể "nói ngọng" là như thế nào, thay vì quy định chung chung như hiện nay.

Bài và ảnh: KHÁNH HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/thi-sinh-dia-phuong-gap-kho-voi-quy-dinh-khong-tuyen-noi-ngong-658134