Thí sinh đăng ký thi đánh giá năng lực tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh ngày càng tăng

Ngày 1/3, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, sau một tháng mở cổng đăng ký dự thi Kỳ thi Đánh giá năng lực đợt 1 năm 2023 (từ ngày 1/2 đến hết ngày 28/2), đã có 91.445 thí sinh đăng ký dự thi.

Thí sinh chuẩn bị thi đánh giá năng lực tại điểm thi Đại học Bách khoa, Đại học học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (Quận 10). Ảnh (tư liệu): Thu Hoài/TTXVN

Thí sinh chuẩn bị thi đánh giá năng lực tại điểm thi Đại học Bách khoa, Đại học học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (Quận 10). Ảnh (tư liệu): Thu Hoài/TTXVN

Trong đó có hơn 89.500 thí sinh đã hoàn thành thủ tục đóng lệ phí, đủ điều kiện dự thi. Những thí sinh đã đăng ký dự thi mà chưa đóng lệ phí vẫn còn thời gian để hoàn tất thủ tục từ nay đến hết ngày 4/3. Đây là số lượng thí sinh đăng ký dự thi cao nhất trong các đợt thi từ trước đến nay, tăng gần 6.500 thí sinh so với số đăng ký thi đợt 1 năm trước.

Năm nay, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã đổi mới về phương thức thanh toán cho thí sinh, thực hiện trực tuyến thông qua các ví điện tử. Thí sinh lựa chọn trong các phương thức thanh toán qua Viettel Money, Foxpay, Momo và Payoo để hoàn thành thủ tục đăng ký dự thi.

Kỳ thi Đánh giá năng lực đợt 1 năm 2023 của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ được tổ chức sáng 26/3 tại 21 tỉnh, thành (mở rộng thêm 4 địa phương so với năm trước), gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Tháp. Kết quả thi đợt 1 sẽ được công bố ngày 4/4.

Theo kế hoạch, Kỳ thi sẽ được tổ chức 2 đợt, trước kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông. Kết thúc thi đợt 1, hệ thống tiếp tục mở đăng ký dự thi đợt 2 từ 5/4 đến 28/4. Theo đó, đợt 2 kỳ thi được tổ chức vào ngày 28/5 tại 4 địa phương: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và An Giang. Mỗi thí sinh có thể thi cả 2 đợt và sử dụng kết quả của đợt thi có điểm cao hơn để đăng ký xét tuyển.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính chia sẻ, Kỳ thi Đánh giá năng lực chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề, chứ không đánh giá khả năng học thuộc lòng của thí sinh. Cụ thể, cấu trúc bài thi gồm 3 phần: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic, phân tích số liệu và Giải quyết vấn đề. Việc tham dự kỳ thi sẽ giúp thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào ngành và trường phù hợp với lựa chọn của bản thân.

Đây là một trong những kỳ thi riêng có quy mô lớn, thu hút ngày càng nhiều thí sinh đăng ký dự thi, nhiều trường sử dụng kết quả để tuyển sinh. Đến thời điểm này, ngoài 10 đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, có gần 80 cơ sở giáo dục đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh đầu vào năm 2023. Trong đó, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng tăng chỉ tiêu tuyển sinh từ kết quả kỳ thi nay, với ít nhất 45% tổng chỉ tiêu cho phương thức sử dụng kết quả kỳ thi; trong khi năm 2022 chỉ tiêu cho phương thức này là 40%, tỷ lệ nhập học ở phương thức này đạt 35,39% tổng chỉ tiêu.

Thu Hoài (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/thi-sinh-dang-ky-thi-danh-gia-nang-luc-tai-dai-hoc-quoc-gia-tp-ho-chi-minh-ngay-cang-tang-20230301150035944.htm