Thí sinh 'choáng váng' trước đề Sử, may mắn 'thở phào' với đề Địa lý và Giáo dục công dân

Sáng 27/6, thí sinh đã hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học xã hội với ba môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân, khép lại kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Thí sinh vừa 'mừng như bắt được vàng' đề Địa lý, lại 'toát mồ hôi' với đề Lịch sử rồi 'thở phào' khi làm đề Giáo dục công dân.

Sau khi hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học xã hội sáng 27/6, bước ra khỏi phòng thi, nhiều thí sinh tỏ ra khá tự tin, đặc biệt với môn Địa lý, có sự hỗ trợ "đắc lực" từ atlat Địa lý. Thí sinh tự tin "thu hoạch" điểm cao môn Địa lý với sự trợ giúp của "bảo bối" Atlat.

Tuy nhiên, đề Lịch sử lại khiến không ít sĩ tử phải "lao đao" vì vừa khó vừa dài, nhiều số liệu, lại có nhiều dạng câu hỏi mới so với đề thi minh họa của bộ GD&ĐT.

Bên cạnh đó, đề thi Giáo dục công dân lại khiến các thí sinh lấy lại tâm lý vì khá "dễ thở", nhiều câu hỏi vận dụng bám sát thực tiễn, đưa những câu hỏi tình huống phong phú, "bắt trend" với những sự kiện, vấn đề "nóng" trong đời sống xã hội.

Thí sinh Lê Tiến Dũng cho rằng: "Theo em, đề thi Địa lý năm nay tương đối dễ đối với mặt bằng chung các thí sinh. Em khá tự tin với bài thi của mình. Các bạn trong cùng phòng thi của em cũng có vẻ làm tốt nhất môn Địa lý".

Thí sinh vừa "mừng như bắt được vàng" với đề Địa lý, lại "toát mồ hôi" với đề Lịch sử rồi "thở phào" khi làm đề Giáo dục công dân.

Thí sinh vừa "mừng như bắt được vàng" với đề Địa lý, lại "toát mồ hôi" với đề Lịch sử rồi "thở phào" khi làm đề Giáo dục công dân.

Những nụ cười rạng rỡ của thí sinh rời phòng thi.

Thí sinh Nguyễn Phương Anh nhận định: "Trong ba môn tổ hợp Khoa học xã hội hôm nay, riêng đề Lịch sử gây bất ngờ cho thí sinh vì đưa các câu hỏi khác so với đề minh họa, còn hai môn còn lại thì bám khá sát đề minh họa của bộ GD&ĐT. Đặc biệt môn Địa lý, khá dễ dàng cho thí sinh, em cảm thấy sự hỗ trợ từ Atlat cũng giúp các thí sinh hoàn thành bài thi tốt hơn. Em tự tin 70-80%, thế mạnh của em ngày hôm nay là môn Địa lý".

Hai chị em sinh đôi Vi Cầm và Bích Ngọc (thí sinh tại điểm trường Marie Curie) chia sẻ: "Môn chúng em tự tin nhất trong tổ hợp Khoa học xã hội chính là môn Địa lý. Nhiều câu dễ tuy nhiên có những câu khiến thí sinh tập trung khá nhiều thời gian. Ví dụ, có 11 câu phải sử dụng Atlat Địa lý, thí sinh phải dành khá nhiều thời gian để "soi" bản đồ và đối chiếu số liệu".

Thí sinh Hà Phương cũng cho rằng đề Địa lý và Giáo dục công dân khá dễ. Đặc biệt là đề Địa lý, có nhiều câu hỏi dựa vào Atlat có thể phân tích thêm kiến thức.

Thí sinh Nguyễn Thị Bích Thảo gặp khó với đề Lịch sử: "Em cũng tham khảo các đề thi từ trước, đề thi Lịch sử thì khó hơn, nhiều bạn phải khoanh bừa, còn đề thi Địa lý thì cũng "dễ thở" hơn so với trước, trung bình các thí sinh mất khoảng 30-40 phút để hoàn thành. Đề Giáo dục công dân thì hầu như ai cũng làm được".

Thí sinh Chu Văn Tuấn chia sẻ, đề thi môn Lịch sử quá khó vì nhiều số liệu, dài và có nhiều câu không giống dạng câu trong đề minh họa.

Mặc dù đề Lịch sử hơi dài và khó những môn Địa lý và Giáo dục công dân lại không thể "làm khó" được thí sinh.

Môn Địa lý, các thí sinh có "trợ thủ đắc lực" trong tay, chính là atlat.

Hôm nay, kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sẽ chính thức khép lại. Năm nay, bộ GD&ĐT sẽ không công bố đáp án ngay sau khi kết thúc ngày thi cuối như mọi năm.

Nhận định đề thi môn Địa lý THPT Quốc gia 2019, thầy Đàm Thanh Tùng, tác giả cuốn sách "Xử lý nhanh trắc nghiệm Địa lý thi THPT Quốc gia" cho biết: "Về cấu trúc, đề thi chính thức đã đảm bảo so với đề minh họa của bộ GD&ĐT. So với đề thi Địa lý năm 2018, đề thi năm nay có tính phân hóa cao hơn vừa đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp THPT, vừa đảm bảo việc xét tuyển đại học. Với những học sinh chỉ học thuộc kiến thức theo sách giáo khoa, nếu không hiểu rõ bản chất của từng vấn đề sẽ rất hoang mang.".

"Về phần tự nhiên và dân cư và kiến thức lớp 11, câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Chủ yếu dạng câu hỏi đúng, sai. Các câu hỏi vận dụng chủ yếu thuộc phần vùng kinh tế và ngành kinh tế, với các dạng câu hỏi về mục đích, ý nghĩa, nguyên nhân chủ yếu. Nhiều câu nếu không hiểu bản chất vấn đề, có kiến thức nền tảng học sinh sẽ rất khó tự tin khi đọc đề thi. Giả sử trong đề 316, 66, đề thi hỏi “Biện pháp chủ yếu để phát triển bền vững công nghiệp nước ta”, nếu không hiểu khái niệm “phát triển bền vững”, học sinh sẽ khó lựa chọn được đáp án đúng.

Đề thi có bao gồm cả những câu hỏi mang tính thời sự, thực tế như vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long", thầy Tùng cho biết thêm.

Nhận xét về đề thi môn Lịch sử, cô Bùi Thị Thu Sương, giáo viên Lịch sử trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp TP.HCM cho biết: “So với năm ngoái, đề thi năm nay khá vừa sức với đa số học sinh. Nội dung các câu hỏi đều bám sát sách Giáo khoa chứ không lan man các “ngóc ngách” trong chương trình như đề thi năm ngoái”.

Tổ Giáo dục công dân, hệ thống giáo dục HOCMAI cũng nhận định: "Đề thi môn Giáo dục công dân năm nay có cấu trúc tương tự đề thi năm 2018, bám sát cấu trúc đề thi tham khảo và nội dung hướng dẫn về tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 do bộ GD&ĐT ban hành, đề gồm 40 câu hỏi, nội dung thi nằm trong chương trình THPT và chủ yếu thuộc các nội dung kiến thức lớp 12 (90%), 10% số câu hỏi trong đề thuộc phần kiến thức lớp 11.

Thủy Tiên - Hữu Thắng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thi-sinh-choang-vang-truoc-de-su-may-man-tho-phao-voi-de-dia-ly-va-giao-duc-cong-dan-a439575.html