Thí sinh căng sức vượt qua bài thi tổ hợp

Sáng nay (24-6), hàng trăm ngàn thí sinh bắt đầu làm bài thi tổ hợp khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Đây là bài thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia năm nay.

Đây cũng là bài thi được dư luận quan tâm nhất vì lần đầu tiên các môn được thi dạng trắc nghiệm và trong tổ hợp. Cùng với bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) mà hơn 400.000 thí sinh (TS) thi sáng 23-6 cho thấy đề thi năm nay không quá khó nhưng các em phải “căng sức” rất nhiều mới có thể làm tốt.

Làm tốt nhưng đuối!

Đó là chia sẻ của em NYT (tại điểm thi Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM) sau khi kết thúc bài thi khoa học tự nhiên. Em T. cho biết làm bài khá tốt, nhất là môn hóa học. Môn sinh học thì em làm tốt khoảng một nửa số câu, còn lại em đánh lụi vì đề quá dài. Riêng môn vật lý, vì em không chú trọng để xét tuyển nên chỉ làm cho có, hết số câu dễ là ngưng luôn.

“Em thấy đề thi cả ba môn năm nay cũng tương tự cách ra đề mọi năm, không có gì mới. Đề cũng dễ hơn so với dự đoán của em khi ôn nhưng ngồi liền tù tì làm hết ba môn thì lâu quá, mất ba tiếng. Thi trắc nghiệm nên đề nào cũng dài, nhất là môn sinh học tận sáu trang, lại là môn em xét tuyển nhưng thi cuối cùng nên em làm không được tốt lắm” - T. cho hay.

Cùng tâm trạng với T., em Nguyễn Quỳnh Như tại điểm thi này cho hay: “Đề hóa em thấy vừa sức, số câu khó không nhiều, đều trong chương trình em học ở lớp 12 rồi. Tính cả ba môn em đủ trên trung bình nhưng chưa khi nào đi thi mà thấy thời gian dài thế. Vì môn em thích lại thi thứ hai nên môn đầu và môn cuối ngồi muốn gù hết cả lưng, em làm hết câu dễ là chỉ muốn nằm ra ngủ cho rồi”.

Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình), nhiều TS bước ra khỏi phòng thi với vẻ mặt hớn hở vì làm được bài. Em Hữu Thắng cho biết đề thi cả ba môn tương tự mọi năm, không khó, không có câu nào đánh đố và đều trong chương trình đã ôn luyện nên em làm tốt. Riêng môn sinh học em làm chưa tốt lắm vì em chọn xét tuyển ĐH theo nhóm môn toán - lý - hóa thôi.

Theo Thắng, thi cả ba môn trong một buổi sẽ rất tiết kiệm thời gian và đi lại nhưng hơi áp lực vì đề thi dài, ngợp kiến thức các môn, ngồi lại lâu và nhìn vào phiếu trả lời cũng đủ hoa mắt!

Thí sinh hớn hở rời phòng thi môn tiếng Anh tại Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam chiều 23-6. Ảnh: PHI HÙNG

Thi tổ hợp ảnh hưởng kết quả từng môn

Đánh giá đề thi các môn trong bài thi tổ hợp, hầu như các giáo viên đều cho rằng đề ra tương tự đề minh họa của Bộ GD&ĐT vừa rồi và như đề trắc nghiệm mọi năm nên đã quen thuộc với các em. Nội dung đề các môn cũng cơ bản, không quá khó, đáp ứng được hai mục đích xét tuyển ĐH-CĐ và tốt nghiệp THPT của các em.

Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Thế Dũng, trưởng bộ môn sinh học của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM, vì sinh học là môn thi cuối trong bài thi tổ hợp nên ít nhiều học sinh sẽ bị ảnh hưởng tâm lý khi làm bài, những dư âm của môn thi trước sẽ không đạt kết quả như ý. Do đó theo thầy Dũng, để làm tốt các môn thi trong bài này đòi hỏi các em không chỉ phải học tốt mà phải thật bình tĩnh và có… sức khỏe tốt!

“Thi tổ hợp có lợi thế về thời gian được gói gọn trong một buổi nhưng thi ba môn liên tục thì căng thẳng cho các em quá, các em không được nghỉ ngơi, tái tạo tâm trí để làm bài. Như thế, kết quả cũng không thực sự chất lượng với sức học các em” - thầy Dũng cho hay.

Theo thầy Dũng, mỗi buổi nên thi tối đa hai môn là hợp lý hoặc thi rời từng môn. Vì trong đó có những môn các em không thích hoặc không học tốt thì không nhất thiết phải chịu áp lực chung với các môn khác. Ngay cả trong việc ôn cũng tương tự, những em không chọn môn sinh học cũng phải đi học rất vất vả, thậm chí các em còn yêu cầu chỉ ôn những kiến thức cơ bản và trọng tâm thôi, như thế cũng khó khăn cho giáo viên để làm sao việc ôn đáp ứng được hết cho tất cả các em cùng một lớp.

Nói về thi tổ hợp, cô Lại Tố Trân, tổ trưởng chuyên môn tổ hóa Trường THPT Trưng Vương, cho hay TS dễ mang tâm lý lo lắng khi lần đầu thi ba môn liên tiếp nên cảm thấy áp lực về kiến thức và thời gian. Tuy nhiên, theo cô Trân, hầu như các trường đều đã tổ chức thi thử hoặc trong quá trình ôn tập, các thầy cô bộ môn đã cho các em làm những đề ôn tập có mức độ phân hóa và giới hạn thời gian tương tự để các em làm quen và giải tỏa tâm lý. Hơn nữa, đề thi các môn khá vừa sức nên các em làm bài thoải mái hơn.

Không đủ thời gian để gian lận

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho hay kỳ thi THPT quốc gia năm nay có nhiều điểm mới nên đòi hỏi Sở cùng với các trường ĐH và các ban, ngành của TP phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng mọi mặt để không xảy ra sai sót. Trong đó, lo lắng lớn nhất là đề thi năm nay quá “khủng” khi thi trắc nghiệm nhiều, lại thi tổ hợp, mỗi phòng thi đến 24 mã đề khác nhau nên khâu chuẩn bị, vận chuyển và các thao tác trong quá trình thực hiện cũng sẽ phải cẩn trọng hơn. Cụ thể, Sở phải huy động đến 49 xe để vận chuyển 500 thùng đề thi và đi từ 4 giờ sáng để kịp đến 114 điểm thi trên toàn TP.

Vì thi nhiều môn và trắc nghiệm lại nhiều, có cả tổ hợp nên khâu coi thi để tránh nguy cơ tiêu cực như TS thi hộ, sử dụng công nghệ cao để gian lận trong khi thi cũng cần chặt chẽ.

Theo ông Đạt, sẽ khó xảy ra thi hộ hay sử dụng công nghệ vì trước khi vào phòng thi TS phải xuất trình CMND kèm theo thẻ dự thi có dán ảnh. Năm nay hai cán bộ coi thi sẽ cùng gọi tên TS vào phòng thi.

Mặt khác, TS muốn gian lận cũng khó vì không đủ thời gian. Các môn trắc nghiệm thời gian ngắn, số lượng câu hỏi nhiều nên TS rất khó để đọc đề ra ngoài hoặc nếu em nào làm bài mà mấp máy miệng là cán bộ sẽ nghi ngờ ngay.

_________________________________

12 là số TS bị đình chỉ trong ngày thi đầu tiên. Trong đó, một trường hợp ở Quảng Nam sử dụng máy tính bỏ túi như điện thoại; một trường hợp ở TP.HCM mang điện thoại thông minh vào phòng thi.

Ngoài ra, có hai cán bộ coi thi vi phạm kỷ luật vì để học sinh mang đề thi ra ngoài khi chưa hết thời gian thi môn tổ hợp.

An Giang chỉ có 1 thí sinh thi tiếng Pháp

Tại điểm thi số 011 Trường THPT Trần Văn Thành, chỉ có một TS là nữ dự thi tiếng Pháp trong chiều 23-6.

Đó là TS Nguyễn Kim Được (sinh năm 1983). Trước đó, TS này đã dự thi môn ngữ văn, toán.

Theo bà Đặng Thị Vớn, Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và Khảo thí kiểm định chất lượng, mặc dù chỉ có một TS dự thi nhưng Sở GD&ĐT tỉnh An Giang cũng bố trí cho TS thi riêng một phòng thi theo danh sách và có hai cán bộ coi thi và một giám thị hành lang như các buổi thi trắc nghiệm trước đó. TÍN HUY

Ăn 2 tô cháo lòng bỏ thi 2 môn

Sáng 23-6, trong khi các TS trên cả nước bước vào môn thi tổ hợp đầu tiên thì TS N. tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền(quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) phải bỏ thi hai môn đầu vì ngộ độc thực phẩm.

Theo mẹ của TS N., khoảng 4 giờ sáng 23-6, N. bị nôn mửa, đau bụng dữ dội, gia đình bà phải đưa con đến cấp cứu tại bệnh viện trên địa bàn quận Thanh Khê. Bác sĩ chẩn đoán N. bị ngộ độc thực phẩm. Chiều tối hôm trước N. có ăn hai tô cháo lòng, khả năng TS N. bị ngộ độc thực phẩm từ bữa ăn này.

Sau khi được điều trị tích cực, gia đình đã đưa em đến điểm thi để dự môn sinh học là môn cuối trong tổ hợp thi sáng 23-6. Được biết TS N. đã đăng ký xét tuyển ĐH ở cả hai ban tự nhiên và xã hội trong năm nay.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Đình Vĩnh (Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng) cho biết: “Trường hợp của TS N. là không tham gia thi vì bị bệnh, có xác nhận của bệnh viện. Em N. sẽ không có điểm ở hai môn bỏ thi. Rất may, TS này đăng ký ở cả hai tổ hợp thi nên em sẽ còn cơ hội cho những nguyện vọng ở môn tổ hợp còn lại”. KIỀU VŨ

Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/thi-sinh-cang-suc-vuot-qua-bai-thi-to-hop-710772.html