Thí sinh băn khoăn chọn ngành học để không thất nghiệp

'Học ngành gì để không bị thất nghiệp trong 4 năm nữa' là câu hỏi được nhiều thí sinh quan tâm nhất, đặc biệt trong giai đoạn đặt bút làm hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học.

Nhiều băn khoăn của thí sinh trước những diễn biến mới của nghề nghiệp. Ảnh: VNU

Nhiều băn khoăn của thí sinh trước những diễn biến mới của nghề nghiệp. Ảnh: VNU

Băn khoăn giữa… diễn biến mới

Những ngày vừa qua thí sinh cả 3 miền Bắc, Trung, Nam như được “giải nhiệt” trước những giải đáp của các chuyên gia tuyển sinh đến từ các trường đại học. Em Nguyễn Mạnh Tùng (THPT Bất Bạt, Hà Nội) cho biết: Em định chọn ngành quản trị khách sạn nhưng bố mẹ em cho rằng, khách sạn cũng thất nghiệp khi dịch COVID-19 diễn ra.

Chia sẻ điều này với các chuyên gia, em Nguyễn Mạnh Tùng không khỏi lo lắng khi chính những ngành em tìm hiểu là hot thì cũng có thể thất nghiệp trước diễn biến hiện nay.

Giải đáp băn khoăn này, ông Đào Trọng Độ, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết: Em nên nhìn vào nhu cầu thực tế hiện nay. Nhu cầu nhân lực ở một số ngành đang ở mức cao, ví dụ như ngành dịch vụ khách sạn. Khối quản trị nhà hàng, khách sạn đang rất thiếu nhân lực bậc trung và bậc cao. Mức thu nhập khởi điểm nếu làm ở vị trí quản lý khách sạn 5 sao dao động từ 1.000 - 2.000 USD/tháng.

Vì thế thí sinh hoàn toàn yên tâm lựa chọn nếu muốn theo đuổi ngành học này. Tất nhiên, những diễn biến bất thường xảy ra là tình trạng chung.

Có thí sinh lại đặt câu hỏi về trí tuệ nhân tạo thay thế công việc của người làm báo.

Đại diện Ban tuyển sinh của Học viện Báo chí và Tuyên truyền giải thích: "Trí tuệ nhân tạo (AI) đang đạt đến thời kỳ hưng thịnh với sự giúp sức của các cuộc cách mạng khoa học công nghệ. Nhiều nơi trên thế giới đã bắt đầu áp dụng AI vào việc đưa tin. Điều này dựa trên cơ sở hầu hết các tin tức về sự kiện được phát đi dựa trên thông cáo báo chí từ các hãng thông tấn, cho nên với vài thuật toán, trí tuệ nhân tạo có thể thay thế phóng viên để đưa tin với các dữ liệu cho sẵn. Nhưng người làm báo vẫn có thể giữ được vị thế ở các lĩnh vực đòi hỏi sự chuyên sâu và phân tích nhiều vấn đề hơn. Điều này đòi hỏi người làm báo phải liên tục trau dồi những kỹ năng và nền tảng chắc chắn để cạnh tranh với sự phát triển của máy móc".

Hay trước câu hỏi về việc robot có thể thay thế con người trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và người làm có thể thất nghiệp, GS Nguyễn Tiến Thảo, Phó Ban đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định: Trước đây, bây giờ và trong tương lai, robot đã, đang và sẽ là một cấu phần của nền công nghiệp 4.0. Nhưng máy vẫn là máy, không bao giờ thay thế hoàn toàn con người. Yếu tố con người vẫn luôn quan trọng trong mọi thời đại”.

Hãy chọn ngành theo sở trường

Để trả lời cho câu hỏi học ngành nào sẽ không thất nghiệp trong 4 năm nữa, GS Nguyễn Tiến Thảo, Phó ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: Ngành nào bây giờ đang nhiều người thất nghiệp nhất thì 4 năm sau sẽ có cơ hội việc làm nhiều hơn. Đồng thời, khi các em chọn ngành nghề theo sở trường và là ngành mình mong muốn hướng đến nhất thì mới có động lực để cố gắng và khả năng thành công cao hơn.

Ngay cả những ngành học tưởng như đã cũ nhưng lại là cơ hội việc làm mới trong tình hình hiện nay. Ví dụ như với ngành học ô tô, nhiều thí sinh đặt câu hỏi về cơ hội việc làm cho ngành học này khi Việt Nam có thương hiệu ô tô VinFast. PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết: Ngành Kỹ thuật ô tô, kỹ thuật cơ điện tử là hai ngành mũi nhọn của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trong đó có chương trình tiên tiến đào tạo bằng tiếng Anh. Điều này cho thấy cơ hội nhân lực ở các ngành này rất lớn.

Còn PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải cho biết: Với chuyên môn tốt về cơ khí ô tô, công nghệ ô tô, nhiều cựu sinh viên trường ĐH Giao thông vận tải đã có vị trí việc làm rất tốt, mang lại thu nhập cao và trở thành chủ doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia tuyển sinh nhận định, thông tin mà thí sinh có được rất thời sự và đa dạng. Do đó, để định hướng được cho từng em là điều không phải dễ dàng. Vì thế, trong giai đoạn làm hồ sơ đăng ký xét tuyển, các em phải liên tục hỏi, liên tục cập nhật thông tin từ nhà trường, ngành học mình quan tâm.

Theo Báo Tin tức

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202006/thi-sinh-ban-khoan-chon-nganh-hoc-de-khong-that-nghiep-2488659/