Thi sĩ của bản làng

Nhà thơ Nông Thị Hưng, dân tộc Tày, sinh ra ở bản làng dân tộc thiểu số nơi chân núi Trại Hạ, xã Đồng Vương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Chị học hết chương trình phổ thông. Năm 2000, chị tham gia một chương trình biểu diễn văn nghệ do Hội Phụ nữ xã tổ chức và được nhận phần thưởng là cuốn sổ chép tay. Từ lúc có cuốn sổ, hễ đi đâu, làm gì, có điều thú vị là chị lại ghi vào đó. Và ít ai ngờ rằng những ghi chép của chị sau đó đã trở thành những trang thơ đẹp, giàu giá trị nội dung và nghệ thuật.

Nhà thơ Nông Thị Hưng trong một lần đi thực tế sáng tác. Ảnh: NK

Trong nhà không có cuốn sách nào, chị chỉ biết làm bạn với chiếc radio. Chị là thính giả thân thiết của các chương trình văn nghệ phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Do hay nghe qua đài nên chị biết và chủ động liên hệ với các văn nghệ sĩ trên khắp cả nước, được họ gửi cho những cuốn sách về văn học, thơ ca. Trong thời gian đó, chị tình nguyện đi vào từng bản làng viết về tấm gương người tốt, việc tốt hay tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho bà con. Mỗi khi nghe trên Đài Phát thanh huyện phát đi những bản tin, bài viết của mình là chị cảm thấy vui sướng vô cùng.

Có điều, khi chị đến với thơ ca thì bạn bè, người thân đều xa lánh, coi chị như "người điên, kẻ dại", chồng chị cũng ra sức ngăn cấm. Khi chồng vắng nhà, chị mới dám viết thơ, đọc sách. Hôm nào say sưa quá, chị phải lên rừng để sáng tác. Chị đam mê thơ đến nỗi chồng chị phải đập đài, đốt sách, bẻ bút không biết bao nhiêu lần. Chị đã nung nấu quyết tâm phải rời xa quê hương, nhất là khi chồng đã đốt hết kho sách khiến chị tuyệt thực đến 3 ngày, 2 đêm mặc lời khuyên nhủ của người thân.

Năm 2011, chị lên Hà Nội làm tạp vụ để kiếm tiền nuôi con và có được môi trường sáng tác thơ ca. Nhờ bạn bè giới thiệu, chị làm tạp vụ tại Đài Truyền hình Việt Nam, rồi sau đó chuyển sang làm ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Công việc nhẹ nhàng, ở trong không gian bảo tàng tĩnh mịch khiến hồn thơ của chị được cất cánh. Trong thời gian này, rất nhiều những cảm xúc về người lính, về cuộc sống cơ cực của những người sống tha hương được chị chuyển tải vào các sáng tác của mình.

Chị có nhiều bài thơ về chủ đề miền núi được đăng trên các ấn phẩm báo chí Trung ương, địa phương như: Tạp chí Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, tạp chí Văn nghệ Công an, báo Quân đội nhân dân, báo Biên phòng, báo Hà Giang, báo Gia Lai... Năm 2010, chị được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) các dân tộc thiểu số Việt Nam. Nối tiếp thành công đó, năm 2014, chị được kết nạp vào Hội VHNT tỉnh Bắc Giang. Được đứng trong hàng ngũ Hội, chị được đi tập huấn, giao lưu và học hỏi rất nhiều kiến thức từ các nhà thơ tên tuổi.

Sau 14 năm làm thơ, dưới sự giúp đỡ, biên tập, in ấn của nhà thơ Quang Đại (hội viên Hội VHNT tỉnh Bắc Giang), chị đã ra mắt tập thơ đầu tay mang tên "Thơ mười bài". Tập thơ xoay quanh chủ đề người lính và cảm xúc rất riêng của người phụ nữ ở độ tuổi ngoài 40, mặc dù chị chỉ biết về chiến tranh qua lời kể của bố chồng và những gì nghe được từ Đài Tiếng nói Việt Nam.

Cảm nhận về hội viên của mình, nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam nói: "Các văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số ít có điều kiện tiếp xúc với văn chương nên mỗi hội viên phải nỗ lực rất nhiều. Nhưng ở Nông Thị Hưng, để đến được với nghệ thuật là sự hy sinh quá đỗi lớn lao". Bàn về thơ chị, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, Tổng biên tập Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam chia sẻ: "Tôi không thể tin rằng, một người phụ nữ dân tộc thiểu số lại có một cái nhìn về biên giới, về Tổ quốc một cách sâu sắc đến như vậy. Đọc một bài thơ của chị, tôi lại muốn đọc bài thứ hai".

Là người từng phổ nhạc cho bài thơ "Tuổi bốn mươi" in trong tập "Thơ mười bài" của nhà thơ Nông Thị Hưng, nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang, hội viên Hội VHNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho rằng: "Nông Thị Hưng là người phải chịu rất nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, trong tình cảm. Có lẽ vì vậy mà chị chiêm nghiệm được cuộc sống rõ nét hơn. Là một người phụ nữ nhỏ bé nhưng ẩn sâu trong hình hài đó là một tính cách kiên cường, luôn biết vượt lên số phận bằng những vần thơ như "Đời buồn vịn câu thơ mà đứng". Phổ nhạc bài thơ "Tuổi bốn mươi" của nhà thơ Nông Thị Hưng, tôi rất đồng cảm với nỗi lòng của người phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vất vả, luôn mơ về một mái ấm hạnh phúc mà chị không may mắn có được như nhiều người".

Nhà thơ Nông Thị Hưng vẫn luôn quan niệm, nếu không có thơ thì mình như một cây khô chết đứng. Chính thơ ca đã tạo động lực cho chị vượt qua những thực tại buồn đau cuộc đời. Được biết, trong năm nay, chị sẽ ra mắt tập thơ thứ hai để tri ân bản làng, núi rừng quê hương Yên Thế của mình.

Ngô Khiêm

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thi-si-cua-ban-lang/