Thị phi, vị kỷ nơi công sở khiến doanh nghiệp mất hàng triệu đôla

Công sở là một thế giới phức tạp chẳng kém… showbiz, với những thị phi, đố kị, mâu thuẫn trong điều hành và thử thách lòng trung thực. Làm sao để chấm dứt những ảo tưởng, vị kỉ mà tập trung và hiệu quả công việc? Có thể cuốn sách 'Vô ngã' của Cy Wakeman sẽ giúp 'dân công sở' tìm ra cách giải quyết.

Cy Wakeman là nhà nghiên cứu về những tình huống thị phi nơi công sở, là diễn giả quốc tế về chủ đề lãnh đạo, đồng thời cũng là nhà trị liệu tâm lý. Năm 2017, Cy Wakeman được Global Gurus xếp vào Top 30 Global Leadership Gurus, Top 100 Leadership Expert to Follow trên Twitter, và được mệnh danh là “vũ khí bí mật để khôi phục lại sự chuẩn mực nơi công sở”.

Cy Wakeman là Top 100 Leadership Expert To Follow trên Twitter.

Sau hơn hai mươi năm huấn luyện triết lý lãnh đạo dựa trên thực tế tại hàng trăm tổ chức, Cy Wakeman nhận ra các công ty thường bị hao tổn rất lớn về thời gian và nguồn lực vào việc giải quyết các mâu thuẫn, xung đột và thị phi nơi công sở - mà nguyên nhân gốc rễ là “cái tôi” của từng người. Có thể hiểu, thay vì xử lý mọi việc theo cách tốt nhất cho khách hàng và công ty, chúng ta thường mất thời gian làm những hành động thừa thãi như than vãn, đổ lỗi, hoặc nổi nóng khi đối mặt với trở ngại, hoặc sự cố bất ngờ. Với hàng trăm, hàng ngàn nhân viên trong mỗi công ty, đây là chi phí hao tổn không nhỏ. Tác giả Cy Wakeman gọi đây là những “phí tổn cảm xúc” và ví việc dành thời gian cho những chuyện thị phi giống như đầu tư vào “một mã cổ phiếu liên tục mất giá”.

Cuốn sách Vô ngã là đúc kết của Cy trong 20 năm làm việc, xử lý các mâu thuẫn, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp dưới tư cách một nhà lãnh đạo và tư vấn chuyên nghiệp cho hàng trăm tổ chức.

Theo Cy Wakeman, tâm trí mỗi người là những lăng kính có khả năng bẻ cong thực tại, biến thực tại thành một câu chuyện thỏa mãn mong ước và cái tôi cá nhân. Những câu chuyện này giúp ta nghĩ tốt hơn về chính mình và bào chữa cho sự kém cỏi, thụ động của bản thân. “Là một nhà trị liệu tâm lý, tôi hiểu được lợi ích to lớn trong việc giúp khách hàng của mình vượt lên trên cái tôi và nhận ra sự thật. Chúng tôi cùng nhau tháo gỡ nút thắt trong những câu chuyện do cái tôi thêu dệt”, bà viết trong sách.

Để giúp các nhà lãnh đạo giảm trừ “phí tổn cảm xúc”, Cy đề xuất phương pháp nội quan (tự xem lại bản thân) với trọng tâm là đừng tin những gì bạn nghĩ, ngưng phán xét, mở rộng tấm lòng, khai thông tâm trí với mục đích giúp mỗi người có thể tự vượt qua bản ngã và nhìn thấy được sự thật khách quan.

Theo Cy, phương pháp này không chỉ giúp ích cho bản thân các nhà lãnh đạo, nó còn giúp họ biết cách giúp các nhân viên của mình tự đánh giá bản thân và vượt qua cái tôi để phát triển. Phương pháp này bắt đầu bằng việc nhà lãnh đạo gợi ý nhân viên tự suy nghĩ về vấn đề của mình bằng một loạt những câu hỏi như “Anh/Chị đang cố gắng thực hiện được điều gì?”, “Anh/ Chị lo lắng chuyện gì sẽ cản bước mình?”, “Làm thế nào để vượt qua nỗi sợ đó?”…

Tác giả cũng giới thiệu đến mọi người công cụ SBAR giúp nhân viên nhận định được tình hình khách quan, xử lý câu chuyện của bản ngã trước khi tìm đến sự giúp đỡ của các nhà lãnh đạo. SBAR bao gồm việc phân tích vấn đề trên một trang giấy theo bốn khía cạnh: Tình hình hiện tại (Situation), Bối cảnh (Background), Đánh giá (Assesment), Khuyến nghị (Recommendation).

Vô ngã cũng đúc kết rất nhiều câu chuyện, kinh nghiệm, công cụ và phương pháp giúp cho việc quản trị trở nên hiệu quả hơn, phá vỡ hàng loạt quan niệm sai lầm mà các nhà lãnh đạo thường nhầm tưởng về tinh thần trách nhiệm, quản lý sự thay đổi, triết lý gắn kết nhân viên truyền thống.

Khoa Tư

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-can-biet/thi-phi-vi-ky-noi-cong-so-khien-doanh-nghiep-mat-hang-trieu-dola-1715629.tpo