Thi lớp 10 trường chuyên tại Hà Nội: Không nên tạo thêm áp lực cho học sinh

Học sinh (HS) ôn thi vào lớp 10 chuyên tại Hà Nội đang trong giai đoạn nước rút để chuẩn bị cho kỳ thi chính thức được tổ chức vào giữa tháng 6.

Ôn luyện, định hướng thi chuyên thế nào để đạt được hiệu quả là những câu hỏi cả HS và phụ huynh đều băn khoăn.

Quá tải vì học nhiều “lò” luyện
Học tại trường 6 ngày/tuần nhưng có đến 6 buổi tối và 3 buổi (sáng, chiều, tối) của ngày Chủ nhật, em Nguyễn Khánh Vinh, lớp 9, trường THCS Văn Khê (quận Hà Đông, Hà Nội) đi học ôn tại các “lò” luyện thi. Tuần học thêm 9 ca nhưng chị Yến, mẹ Khánh Vinh còn tiếc nuối khi “nghe nói có một lớp Hóa thầy dạy hay lắm mà kín lịch chưa sắp xếp cho con được”. Theo chị Yến thì “thầy giáo dạy Hóa này rất có tiếng, ai đã học là không muốn nghỉ và có trên 90% HS do thầy dạy đạt từ điểm 8 môn Hóa trở lên khi thi chuyên. Kỳ thi sắp đến nên phải tranh thủ học và ôn luyện, nếu không sẽ không kịp”.

 Học sinh ôn thi tại Câu lạc bộ Toán bồi dưỡng MathExpress Láng Hạ, Hà Nội. Ảnh: Điệp Quyên

Học sinh ôn thi tại Câu lạc bộ Toán bồi dưỡng MathExpress Láng Hạ, Hà Nội. Ảnh: Điệp Quyên

Tâm lý chung của phần lớn phụ huynh có con thi chuyên là muốn con được bổ trợ, ôn luyện kiến thức thật chắc chắn, nhuần nhuyễn với mọi dạng đề để đạt điểm số cao với mong muốn đỗ vào trường chuyên. “Số HS đăng ký đông, chỉ tiêu ít khiến tỷ lệ chọi trường chuyên năm nào cũng cao. Vì vậy, cứ nhồi cho con được chút kiến thức nào thì hay tí ấy, mưa dầm thấm lâu”- chị Nguyễn Hà Linh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.

Mải miết trên hành trình luyện thi của con là những chặng đường “xe ôm” và chờ đợi của bố mẹ. Nhiều phụ huynh thừa nhận rằng, học thêm tốn kém đã đành lại mất công, mất sức, cả ngày đi làm, tối về đưa con đi ôn thi thấy thực sự mệt mỏi nhưng vì tương lai của con nên phải cố gắng.
Tuy vậy, cũng có không ít phụ huynh và HS đi được hơn 2/3 chặng đường ôn luyện trường chuyên năm cuối cấp, do quá áp lực nên rẽ hướng. “Thi chuyên đúng hơn là nguyện vọng của bố mẹ. Con tôi học lớp 9, năng lực không nổi trội và trước đây con chưa từng có nguyện vọng thi chuyên nhưng vì mẹ động viên nên con đồng ý. Thấy con học khá Toán, tôi muốn con thi chuyên Toán và đăng ký khóa ôn thi với mức phí hơn 10 triệu đồng. Khi con theo học được hơn nửa tháng, tôi thấy con thường xuyên có biểu hiện mệt mỏi, da xanh, biếng ăn, nhức đầu. Mặc dù rất tiếc và băn khoăn nhưng cuối cùng tôi đã cho con dừng lại, sợ ép quá có thể dẫn đến con bị stress…” - chị Trần Mai Hương (quận Long Biên, Hà Nội) kể.
Thực lực, quyết tâm là yếu tố quyết định
Góp phần định hướng ôn thi THPT, ôn chuyên cho HS có vai trò quan trọng của các thầy cô giáo bậc THCS. Cô Lê Thị Hiên - giáo viên trường THCS Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Bình thường, sau khi kết thúc năm học lớp 7, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) sẽ tư vấn kỹ cho từng HS về khả năng, định hướng thi cử, chọn trường THPT. Qua trực tiếp giảng dạy và quản lý, GVCN phân loại HS làm 2 nhóm theo năng lực, là nhóm tự nhiên và nhóm xã hội. Sau thời gian đó, GVCN sẽ đồng hành, theo dõi, trao đổi với các thầy cô bộ môn, nếu thấy HS không hoặc ít tiến bộ, không có khả năng rõ ràng thì sẽ tư vấn HS và bố mẹ nên dành thời gian tập trung để ôn thi vào các trường THPT công lập.

Cũng theo cô Hiên, trong quá trình dạy, nếu nhận thấy HS nào quá uể oải, áp lực mà không hiệu quả, không tiến bộ hoặc thiếu quyết tâm, cô đều gặp gỡ HS và bố mẹ, khuyên nên cân nhắc kỹ xem nguyên nhân do năng lực của con hay do thầy cô dạy. Mỗi cha mẹ và HS khi có ý định thi chuyên đều nên lấy tiêu chí đầu tiên là khả năng, lực học của con ở môn chuyên. Không nên vì quá thích trường chuyên hay vì thấy con nhà người ta thi trường chuyên mà cố ép buộc con mình thi vào trường vượt ngoài khả năng.
Bày tỏ về vấn đề trên, thầy Trần Nhật Minh - CLB Toán bồi dưỡng MathExpress (Láng Hạ, Hà Nội) cho rằng: “Kỳ thi vào chuyên phụ huynh cần đặt mục tiêu thi chuyên cần có sự chuẩn bị sớm, có kế hoạch ôn luyện dài hơi và phải định vị được năng lực của HS”. Thầy Minh chỉ ra, việc các HS bỏ cuộc thi chuyên thường đến từ các nguyên nhân chính như thiếu động lực, thiếu quyết tâm; học tập sai cách, học quá nhiều, quá ôm đồm dẫn tới quá tải và xác định mục tiêu không phù hợp với khả năng bản thân.

Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021 - 2022, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có 16 lớp chuyên của 12 môn chuyên, trong đó các môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Tiếng Anh (mỗi môn có 2 lớp chuyên). Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ có 15 lớp chuyên của 11 môn chuyên, trong đó các môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Tiếng Anh (mỗi môn có 2 lớp chuyên). Trường THPT Chu Văn An có 10 lớp chuyên của 10 môn chuyên: Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Pháp. Trường THPT Sơn Tây có 9 lớp chuyên của 9 môn chuyên: Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh.

Điệp Quyên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thi-lop-10-truong-chuyen-tai-ha-noi-khong-nen-tao-them-ap-luc-cho-hoc-sinh-416362.html