Thi hoa hậu và các màn 'tạp kỹ' có sạn…

Đêm Chung kết Hoa hậu Việt Nam 2020 kết thúc, vương miện được trao cho Đỗ Thị Hà, cô gái xứ Thanh xinh đẹp. Bên cạnh những ấn tượng đẹp về dàn người đẹp đến… ngất ngây, công chúng không thể bỏ qua một số 'hạt sạn' trong sự kiện này.

Trước hết là việc thời lượng quảng cáo khá lê thê. Mặc dù trong kịch bản chỉ 20 phút nhưng nội dung đêm chung kết lại "cài cắm" thêm nhiều màn để nhà tài trợ có cơ hội xuất hiện trên sân khấu hay quảng bá các vật phẩm quà tặng. Đặc biệt, màn công bố giải phụ khiến khán giả mệt mỏi khi trở thành màn "phân phát danh hiệu" với… 9 giải. Cảm giác như đây là động thái nhằm "dĩ hòa vi quý", mọi người đều… vui mà Ban tổ chức "tặng" cho các thí sinh lọt vào vòng Chung kết.

Một điểm nữa được dư luận quan tâm là dàn thí sinh năm nay được quảng bá nhiều về học vấn nên nhiều người đã thất vọng khi top 5 ứng xử ấp úng, vấp váp với câu trả lời thiếu "độ chín", nặng "sách vở". Ngay cả Đỗ Thị Hà - người sau đó được trao vương miện cũng không khiến khán giả hài lòng với câu trả lời của mình, nhất là ở phần câu hỏi chung bao giờ cũng xuất hiện trong đêm Chung kết: "Nếu trở thành Hoa hậu Việt Nam 2020, bạn có nghĩ mình là hình mẫu cho các cô gái trẻ?". Câu trả lời của Đỗ Thị Hà là: "Tôi nghĩ mình là người mang đủ phẩm chất, những yếu tố cần và đủ của con gái Việt Nam. Và dù có trở thành hình mẫu của con gái Việt Nam hay không, tôi sẽ là người truyền cảm hứng đến giới trẻ. Và tôi, tôi sẽ làm được". Nhiều người bình luận, đó là câu trả lời "trớt quớt", không nêu bật được điều gì.

Các câu hỏi cũng rất tệ, toàn bắt phải lựa chọn cái nào hơn cái nào, không làm bật khả năng ứng xử hay tính cách thí sinh, câu hỏi yêu cầu chọn giữa "cái đầu lạnh" hay "trái tim ấm áp", "người con hiếu thảo" hay "có ích cho xã hội", "nốt nhạc riêng lẻ" hay "hòa chung vào dàn nhạc"… là nhận xét của khán giả.

"Hạt sạn" nữa đến từ chính Ban tổ chức. Đó là việc trùng câu hỏi. Có nghĩa, lẽ ra phải có 5 câu hỏi khác nhau cho top 5 thì thực tế chỉ còn… 4. 2 thí sinh đã trả lời câu hỏi giống nhau. Đó là "sự cố hy hữu" rất đáng trách!

Cuối cùng, dư luận cũng không hài lòng với 2 ca khúc được sử dụng trong đêm Chung kết: "Kẽo cà kẽo kẹt" của Hoàng Thùy Linh và bản rap "Bigcityboi" của rapper Binz. Trong khi "Kẽo cà kẽo kẹt" lấy cảm hứng từ câu nói "Kẽo cà kẽo kẹt. Lấy tranh chồng chị. Chị khoét mắt ra" trong truyện cổ tích "Tấm Cám", với thông điệp "báo thù, báo oán" vì tranh chồng, thì Bigcityboi là bản rap 18+ với lời rap mô tả ẩn dụ hoặc trực diện về tình dục.

Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam được kỳ vọng là nơi trình diễn của những cô gái không chỉ đẹp về sắc vóc mà còn là hình mẫu về trí tuệ và nhân cách. Điều này đòi hỏi nhà tổ chức phải cẩn trọng hơn để tránh những "hạt sạn" đáng tiếc.

BẢO KHÁNH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/thi-hoa-hau-va-cac-man-tap-ky-co-san-20201123172733971.htm