Thi hay xét tốt nghiệp THPT khi nghỉ học kéo dài?

Gần hết tháng 3, nhưng học sinh lớp 12 trên cả nước mới chỉ hoàn thành chương trình học kỳ I. Việc này đặt ra tốt nghiệp THPT năm nay sẽ như thế nào do thời gian nghỉ trách dịch Covid-19 kéo dài.

Theo quy định của Luật Giáo dục 2015 và Luật Giáo dục sửa đổi (hiệu lực 1/7/2020), học sinh học hết chương trình THPT, đủ điều kiện theo quy định của Bộ thì được dự thi, đạt yêu cầu được cấp bằng tốt nghiệp.

Tới thời điểm này, Bộ GD-ĐT đã hai lần điều chỉnh kế hoạch năm học 2019-2020. Lần điều chỉnh mới nhất, chương trình năm học kết thúc giữa tháng 7. Trên thực tế, học sinh lớp 12 mới chỉ hoàn thành chương trình học kỳ I.

Băn khoăn thi hay xét

Và nếu xét thì dựa trên cơ sở nào, nếu thi thì làm sao để tổ chức?

Theo ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc TTGDTX Chu Văn An (TP.HCM), với tình hình hiện nay, nên để các địa phương tự chủ việc tốt nghiệp. Từng địa phương có phương án riêng trên cơ sở chương trình đã điều chỉnh, Bộ phê duyệt đồng thời giám sát cách thực hiện.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019

Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019

Đồng tình với quan điểm này, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - ông Nguyễn Tùng Lâm - cho rằng Bộ GD-ĐT cần chuẩn bị thêm phương án khi tình huống xấu hơn, trong đó có thể nghĩ đến không tổ chức thi THPT quốc gia, trả việc tốt nghiệp cho các nhà trường và địa phương.

Ông Đỗ Hoàng Sơn, chuyên gia của Liên minh Giáo dục STEM, thì đề xuất xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 theo kết quả 5 học kỳ đã qua.

Khi xét phải căn cứ vào điểm trung bình, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trong nhiều năm, điểm số từ trên xuống dưới.

Với trường hợp cá biệt mà trường không tự quyết định được thì có thể cho học sinh tham gia kỳ thi chung do Sở GD-ĐT tổ chức.

Có vướng luật?

Một vị giáo sư từng tham gia soạn thảo Luật Giáo dục sửa đổi 2019 cho rằng các văn bản Luật không có điều khoản về trường hợp bất khả kháng, nhưng khi áp dụng sẽ có. Và việc xét tốt nghiệp năm nay sẽ được Luật cho phép quy chiếu ở trường hợp bất khả kháng.

Bà cũng đề xuất cho học sinh nghỉ thêm 1-2 tháng, đến đầu tháng 7 bắt đầu học kỳ II, tháng 10 kết thúc năm học và thực hiện xét tốt nghiệp cho học sinh.

Theo Luật Giáo dục hiện hành (2015), học sinh bắt buộc phải dự thi mới được xét tốt nghiệp. (Anh: Thanh Tùng)

Đồng tình quan điểm này, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận xét khi điều chỉnh khung thời gian năm học và lịch thi THPT quốc gia lần thứ hai, Bộ GD-ĐT đã đặt ra vấn đề nội dung pháp lý cho các học sinh tham dự kỳ thi.

Nếu theo lịch cũ, học sinh lớp 12 kết thúc năm học vào cuối tháng 5/2020, thi THPT quốc gia vào tháng 6 - Thời gian này hoàn toàn nằm trong thời hạn còn hiệu lực của Luật Giáo dục hiện hành (2015) nên học sinh bắt buộc phải dự thi mới được xét tốt nghiệp.

Tuy nhiên, lần điều chỉnh thứ hai, lịch kết thúc năm học dời đến giữa tháng 7, lịch thi THPT quốc gia dời đến tháng 8 - Các mốc thời gian này hoàn toàn nằm trong thời gian Luật Giáo dục bổ sung có hiệu lực.

“Như vậy, tính cấp thiết phải tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp THPT không còn như trước đây" - ông Nghĩa nói.

Điều ông Nghĩa băn khoăn là Luật quy định có thi mà không tổ chức thi thì có đúng không? Trong tình trạng khẩn cấp có thể có những thủ tục pháp lý dừng thực hiện một điều khoản nào đó của một Luật hiện hành được không?

Trước sự băn khoăn này, theo ông Phùng Quán, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, thì khi Luật đã quy định phải tuân thủ, nếu không sẽ chẳng có giá trị và còn tác dụng ngược.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS- THPT Marie Curie, Hà Nội cũng đề xuất phải thi và chỉ nên thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, bỏ các bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học xã hội.

Khử khuẩn trường lớp khi học sinh nghỉ dịch

Theo TS Nguyễn Ngọc Sơn, Luật Giáo dục năm 2015 và Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định rất rõ đối với chương trình THPT, dự thi đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp.

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng trong tình hình hiện nay phải xác định nội dung trước thủ tục sau. Về mặt nội dung nếu cứng nhắc "phải thi" và tổ chức thi có thể sẽ "vỡ trận", kéo theo hệ lụy sang năm khác.

"Luật không quy định tổ chức thi dưới hình thức nào hay cụ thể như thi tập trung, địa phương, từng trường tổ chức" - ông Sơn phân tích.

Hiện nay, Bộ đã công nhận dạy trực tuyến, các trường cũng có thể dạy trực tuyến thông qua nhiều phương thức. Như vậy có hai phương án đặt ra là tổ chức thi tập trung hoặc thi trực tuyến.

Vì vậy, theo ông Sơn, đầu tiên phải xác định cho học sinh hoàn thành chương trình. Khi đó, nếu dịch bệnh kết thúc, thi tập trung được là tốt nhất. Trong tình hình xấu hơn có thể thi trực tuyến, từng địa phương, từng trường tổ chức.

Ông Sơn cũng nhìn nhận trong hợp đặc biệt, nếu xét tốt nghiệp thủ tục cũng rất đơn giản, đó là tạm thời ngừng hiệu lực Điều 34 Luật Giáo dục sửa đổi.

Việc tạm ngừng hiệu lực Điều 34, Luật Giáo dục sửa đổi không cần dùng cơ chế khẩn cấp quốc gia như triệu tập họp Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ có thể quyết định, nhưng trước đó phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nội dung: Điều 34 Luật Giáo dục sửa đổi tạm thời không áp dụng trong năm học này.

Lê Huyền - Thanh Hùng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/nen-thi-hay-xet-tot-nghiep-thpt-khi-nghi-hoc-keo-dai-do-covid-19-624558.html