Thi hành pháp luật lên ngang tầm xây dựng pháp luật

Khi hệ thống pháp luật đã được xây dựng tương đối đồng bộ thì nhiệm vụ quản lý nhà nước giai đoạn tới của Bộ Tư pháp là thúc đẩy, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.

Ở năm cuối nhiệm kỳ Trung ương khóa XII, Hội nghị tổng kết công tác tư pháp 2020 do Bộ Tư pháp tổ chức hôm nay, 23-12, không chỉ đề ra trọng tâm công tác năm 2021, mà còn định hướng tới 2025.

Với tính chất ấy, báo cáo của Bộ đề cập nhiều tới nhiệm vụ tổ chức thi hành pháp luật.

Lãnh đạo TAND Tối cao, VKSND Tối cao dự Hội nghị toàn quốc do Bộ Tư pháp tổ chức. Ảnh: Bộ Tư pháp

Lãnh đạo TAND Tối cao, VKSND Tối cao dự Hội nghị toàn quốc do Bộ Tư pháp tổ chức. Ảnh: Bộ Tư pháp

Hệ thống pháp luật, 15 năm sau Nghị quyết 48

Ngược dòng lịch sử, 15 năm trước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 48 về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng 2020.

Sau ngần ấy năm, tổng kết ở hai nhánh quan trọng là Chính phủ và Quốc hội đều đi đến nhận định công tác xây dựng pháp luật đến nay đã tạo ra hệ thống pháp luật cơ bản bao quát đời sống kinh tế, xã hội. Các lĩnh vực quản lý nhà nước, các lĩnh vực lớn của nền kinh tế, của vận hành xã hội đều đã được pháp luật điều chỉnh, với khuôn khổ pháp lý tương đối rõ ràng.

Tuy nhiên, đến lúc này thì nổi lên vấn đề về chất lượng thi hành pháp luật, để rồi Bộ Tư pháp, năm 2018, tham mưu Thủ tướng ban hành một đề án lớn, đầu tiên từ trước đến nay về đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật.

Tiếp đó, từ kết quả tổng kết Nghị quyết 48, Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ tham mưu Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật.

Ngay sau Hội nghị, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 43/2020 về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật.

Từ khóa mới ở đề án, chỉ thị, hội nghị trên là “thi hành pháp luật”. Và trong mạch phát triển ấy, dự thảo báo cáo chính trị được giới thiệu, lấy ý kiến nhân dân, phần về xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền nhấn mạnh nhiệm vụ giai đoạn tới.

Cụ thể là “Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đầu tư hợp lý nguồn lực và các điều kiện để thực hiện tốt các nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật…”.

Đặt trong yêu cầu này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết trong sáu nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 và định hướng đến 2025 của ngành tư pháp thì hai nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật.

Cụ thể, thời gian tới, Bộ Tư pháp tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết mà Đại hội XIII sẽ thông qua, cũng như các Nghị quyết của Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến công tác pháp luật, tư pháp. Trong đó tiếp tục tham mưu xây dựng, ban hành các dự án luật trực tiếp phục vụ việc thi hành Hiến pháp, mà ưu tiên mục tiêu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm quyền con người, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tham mưu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. Bảo đảm gắn kết chặt chẽ công tác theo dõi thi hành pháp luật với công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và phản ứng chính sách.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cao vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác hoàn thiện thể chế. Ảnh: VGP

Thủ tướng: Lãnh đạo cần quan tâm cán bộ pháp chế

Lắng nghe các tham luận, trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình với kế hoạch công tác mà ngành tư pháp để ra. Thủ tướng nói: “Chính phủ trong bất kỳ điều kiện nào cũng nhận thức rõ vai trò của ngành tư pháp vì nó không trực tiếp làm ra của cải vật chất nhưng là nền tảng rất quan trọng, đất nước có phát triển hay không phụ thuộc rất lớn vào tư duy xây dựng pháp luật và chất lượng thi hành”.

Để đảm đương tốt hơn vai trò thể chế ấy, Thủ tướng cho rằng Bộ Tư pháp cũng như các bộ, ngành, địa phương cần tuyển chọn được những người giỏi nhất để làm công tác pháp chế mà muốn thế, lãnh đạo phải thực quan tâm pháp chế.

“Các lãnh đạo cấp bộ, các bí thư tỉnh có quan tâm pháp chế ở bộ, địa phương mình không, hay khoán trắng cho ông thứ trưởng hoặc vụ trưởng?” - Thủ tướng nêu câu hỏi, đồng thời lưu ý “Tôi biết có bộ trưởng cả nhiệm kỳ không xuống đến vụ pháp chế làm việc, và chúng ta cũng rất ít vụ trưởng pháp chế hay giám đốc sở tư pháp lên được chức thứ trưởng”.

Nhận định Chính phủ nhiệm kỳ tới tiếp tục phải đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, chuyển từ mệnh lệnh hành chính sang kiến tạo và phục vụ, Thủ tướng yêu cầu các ngành, đặc biệt ngành tư pháp, tham mưu tốt hơn nữa trong xây dựng pháp luật. Bộ Tư pháp, các sở tư pháp, pháp chế phải khẳng định vai trò “nhạc trưởng”, “người gác cửa” trong rà soát, xây dựng các văn bản pháp luật.

Thủ tướng cũng lưu ý đất nước đang chuyển sang giai đoạn mới mà công nghệ 4.0 đang phát triển rất nhanh, với trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn. Như thế hệ thống pháp luật cũng như công tác thi hành pháp luật phải chuyển động kịp thời. Quyết không để thể chế pháp luật kìm hãm sự phát triển đất nước, không để những sáng kiến, sáng tạo phải “bỏ chạy” ra nước ngoài.

Thủ tướng cũng đồng thời nhắc nhở: “Không để tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. Cán bộ tư pháp phải giúp các Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh, lãnh đạo doanh nghiệp, các cấp quản lý chuyên ngành không sai phạm”.

NGHĨA NHÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/thi-hanh-phap-luat-len-ngang-tam-xay-dung-phap-luat-957505.html