Thi hành án dân sự đạt trên 64% trong 6 tháng đầu năm 2018

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm do Bộ Tư pháp tổ chức chiều 17/7 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo sơ kết tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết: 6 tháng đầu năm, toàn ngành Tư pháp thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm (đã hoàn thành 47/48 nhiệm vụ có thời hạn 6 tháng đầu năm, đạt 97,92%) và hoàn thành bảo đảm chất lượng, tiến độ nhiều nhiệm vụ phát sinh thêm, nhất là các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Việc triển khai các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, từ xây dựng, thẩm định, thẩm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, đến tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, hành chính tư pháp... đều đạt nhiều kết quả nổi bật.

Công tác phối hợp liên ngành được triển khai hiệu quả, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành án. Việc ứng dụng công nghệ thông tin được chú trọng, bước đầu thực hiện thí điểm có hiệu quả phần mềm quản lý thi hành án dân sự tại 15 địa phương.

Trong 6 tháng đầu năm 2018 đã thi hành án xong trên 389 nghìn việc, đạt tỷ lệ trên 64%. Một số địa phương đạt kết quả cao như Lai Châu, Bắc Kạn, Điện Biên, Quảng Trị. Về tiền, thi hành xong trên 19 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ trên 19%. Về thi hành án hành chính đã thi hành xong 145 việc, còn 102 việc đang tiếp tục thi hành.

Bộ Tư pháp đã mở rộng triển khai phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch trên 28 tỉnh/thành phố. Đăng ký khai sinh mới cho trên 1 triệu trường hợp; khai tử cho trên 299 ngàn trường hợp, đăng ký kết hôn cho 403 ngàn cặp...

Cũng trong 6 tháng đầu năm, tại Bộ Tư pháp, đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.571 văn bản; qua kiểm tra đã phát hiện, ra kết luận kiểm tra, kiến nghị xử lý đối với 39 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền.

Bên cạnh những thành tích đạt được, công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2018 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Một số nhiệm vụ triển khai còn chậm, thiếu chủ động, việc trả lời kiến nghị, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các cơ quan tư pháp địa phương có việc chưa kịp thời. Đồng thời, vẫn còn tình trạng xin lùi thời gian trình dự án luật, chất lượng hồ sơ...

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Thúy Hiền đề nghị Bộ Tư pháp xem xét, đề xuất Quốc hội ban hành Luật về theo dõi thi hành pháp luật để có thể áp dụng rộng rãi cho tất cả các cơ quan. Đồng thời, tiếp tục quan tâm nâng cao tỷ lệ thi hành án về tiền.

Cùng với đó, trước những tồn tại, Bộ, ngành Tư pháp đã xác định 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tư pháp 6 tháng cuối năm 2018. Cụ thể: Tiếp tục tham mưu, giúp Chính phủ tổ chức thực hiện tốt công tác xây dựng pháp luật; tập trung nguồn lực để thực hiện tốt công tác tổ chức thi hành pháp luật, triển khai kịp thời, hiệu quả các luật, nghị quyết của Quốc hội mới ban hành, nhất là trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành Tư pháp.

Ban hành thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 23 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ; tiếp tục mở rộng và triển khai đồng bộ, hiệu quả Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch; tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để quản lý tốt và phát triển các tổ chức hành nghề công chứng; xử lý tốt các vụ kiện quốc tế, tham mưu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp phòng ngừa khiếu kiện, tranh chấp đầu tư quốc tế; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự, từng bước tháo gỡ, giải quyết dứt điểm các vụ việc thi hành án dân sự phức tạp kéo dài...

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ một số tồn tại, bất cập trong quản lý chất lượng xây dựng pháp luật khi số văn bản chưa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp nhận tăng lên, trong đó có nguyên nhân từ trách nhiệm thẩm định của Bộ, ngành Tư pháp.

Bộ trưởng cũng phê bình một số lĩnh vực của ngành chưa thực sự chuyển biến, chưa rõ trọng tâm, trọng điểm; quan hệ phối hợp công tác giữa các đơn vị thuộc bộ với các bộ, ngành chưa chặt chẽ

Về tổ chức bộ máy, Bộ trưởng cho biết, đang sửa đổi Thông tư 23, nên trong quá trình sắp xếp các phòng, đơn vị trực thuộc sở tư pháp cần bám sát tinh thần thông tư này để tham mưu phù hợp cho chính quyền địa phương.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm để chấn chỉnh kịp thời, bảo đảm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động của bộ, ngành Tư pháp và lưu ý giải quyết giấy tờ hộ tịch cho người di cư tự do ở các địa phương vùng biên.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, ngành Tư pháp có 2 đơn vị sự nghiệp là phòng công chứng và trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản. Với chủ trương hiện nay sở tư pháp phải tham mưu cho UBND để 2 đơn vị này tự chủ được.

Công tác thi hành án dân sự phải đạt được ít nhất 2 chỉ tiêu về việc, về tiền.

Nguyễn Điểm

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/hoan-thien-the-che/thi-hanh-an-dan-su-dat-tren-64-trong-6-thang-dau-nam-2018_t114c1160n136434